Sao Mai Điểm hẹn và sứ mệnh 'dân tộc'

30/07/2012 10:15 GMT+7 | Âm nhạc

Sao Mai Điểm hẹn (SMĐH) ra đời như một động thái mới hóa, Tây hóa sân chơi thi hát truyền hình. Trước thời điểm 2004, các cuộc thi hát truyền hình là bệ phóng độc quyền của các giọng hát thính phòng- cách mạng. 

Những giọng hát này luôn nắm giữ những giải cao nhất vì được coi là “có học”- điều mà các giọng nhạc nhẹ chẳng biết đến đời nào mới đạt được vì nước ta chưa có trường dạy hát nhạc nhẹ.

SMĐH ra đời đáp ứng nhu cầu chính đáng muốn có sân chơi riêng của các giọng hát và người nghe nhạc nhẹ. Nhạc nhẹ giờ đây nghĩa là nhạc theo phong cách đang thịnh hành ở Mỹ, Anh. Cho nên SMĐH có những đề thi rất hướng ngoại như R&B và dance.



Nguyễn Đình Thanh Tâm ứng dụng âm nhạc và văn hóa của người Kh’mer tại SMĐH. Ảnh: Hoàng Trương.

Nhưng có một nghịch lý là thí sinh SMĐH lại có vẻ không được “sính ngoại” lắm. Bằng chứng là họ phát âm khá hạn chế và thường chọn những bài rất cũ và đơn giản để trả bài trong đêm thi tiếng Anh.

Trong khi ở Giọng hát Việt, người xem có lúc… ái ngại trước một thế hệ ca sĩ trẻ Tây hóa triệt để, bám theo những trào lưu nhạc ngoại mới nhất. Nhìn đi nhìn lại, không khéo Thần tượng Âm nhạc Việt lại chịu khó Việt hóa hơn cả.

Cuộc thi cũng chỉ có một đêm thi duy nhất dành cho các bài hát tiếng Anh. Và có những chủ đề rất “ta”, rất gần gũi mà SMĐH không có: Nhạc Trịnh, nhạc Việt thập niên 1990…

Chưa kể, chủ đề của Thần tượng thường mở, tạo điều kiện và mặt bằng cho ca sĩ thi thố, chứ không máy móc như SMĐH. Thí sinh SMĐH nào không có giọng rock thì cứ gọi là vật vã với đêm thi rock. Rồi mang tiếng là thi nhạc dance, rồi thi với vũ đoàn nhưng rút cuộc vẫn chả có ca sĩ nào đủ khả năng vừa hát vừa nhảy.

Sau khi phân cho Sao Mai chức năng bảo tồn và phát huy truyền thống bằng dòng dân gian, SMĐH toàn tâm toàn ý “đánh đu” với nhạc Tây. Hậu quả là Tây còn lâu mới tới, mà “ta” chưa chắc bằng Việt Nam Idol.

Vì thể để nhấn mạnh bản sắc riêng, song song với việc cho thí sinh hát tiếng Anh, nên chăng SMĐH ra luôn đề thi hát những bài âm hưởng dân tộc, thậm chí là nhạc dân tộc luôn! Trước khi BTC nghĩ ra đề bài này thì Nguyễn Đình Thanh Tâm đã làm rồi.

Đêm 28-7, giọng hát kiến trúc sư đã tận dụng lợi thế quê hương (Sóc Trăng) để đưa tiết mục Đua ghe ngo lên sân khấu. Nó y như một tiết mục đinh của đoàn nghệ thuật địa phương đi thi Hội diễn chuyên nghiệp toàn quốc.

Nhưng vì nó xuất hiện trên sân khấu “sính Tây” SMĐH nên lại thành của lạ. Trên ghế HĐNT, Phan Huyền Thư: “Tôi xúc động vì thấy em yêu văn hóa Việt Nam”. Huyền Thư tiện thể giao luôn cho Thanh Tâm “sứ mệnh mang văn hóa của mình đi xa hơn”.

Vậy tại sao SMĐH không nhận luôn sứ mệnh đó?! SMĐH muốn là cuộc thi hát truyền hình nội cố gắng “ngoại hóa” lấy được, hay muốn là đồ nội xịn, không đụng hàng?!

Thực sự, SMĐH có tồn tại và phát triển tốt hay không là tùy vào VTV- đài này muốn có chương trình mang thương hiệu riêng, hay bằng lòng với thân phận cho các format ngoại nội hóa thuê chỗ phát.

Rút cuộc sau 2 tuần, top 3 SMĐH 2012 vẫn chưa có sự thay đổi. Vẫn Thanh Tâm, Đông Hùng, Việt Anh được khán giả bình chọn nhiều nhất. Đây cũng là 3 thí sinh thường nhận được sự tán thưởng của HĐNT.

Sự trụ lại tới phút chót của Trung Quân có thể xem là may mắn vì giọng hát từng nhận giải Triển vọng tại Sao Mai 2010 vẫn đầy… triển vọng.

Nếu Trung Quân định áp dụng bí quyết thành công của Tùng Dương tại SMĐH 2004: chuyên hát nhạc Lê Minh Sơn, thì có lẽ đã hơi muộn. Vì những gì là đặc sản nhất, Lê Minh Sơn đã chắt chiu cho Tùng Dương, Ngọc Khuê mất rồi?!

Chưa kể khi chọn hát toàn bài mới nhất lại của tác giả cũng mới, thì tài năng của thí sinh phải ở dạng nổi bật, còn kỹ thuật phải đang ở độ chín, như kiểu Tùng Dương hồi trước và Thanh Tâm bây giờ.

Hai tiết mục của Thanh Tâm ở liveshow 8 đều mới và rất mới. Một đêm đàn lạnh trên sông Huế với các phá cách về hòa âm nhờ bản phối của Đỗ Bảo thậm chí có thể xếp vào dòng nhạc đương đại.

Có thể Thanh Tâm chưa đủ thời gian ngấm bài nhưng điều đáng nói là anh đã đưa được những sáng tạo gần như mang tính tiên phong vào khuôn khổ một cuộc thi.

Những bài hát mới, cá tính, được dàn dựng công phu- cũng có thể coi là đặc sản nên phát huy của SMĐH.

Theo Tiền Phong

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm