"Sao Mai - Điểm hẹn" dưới con mắt nhà chuyên môn

12/06/2008 13:54 GMT+7 | Âm nhạc

Bạn đã từng chơi rubic chưa? Cùng một con rubic nhưng mỗi người chơi lại vặn và xoay nó khác nhau. Trong bài viết này, chúng tôi đã mời các nhạc sĩ tham gia "vặn - xoay" Sao Mai - Điểm hẹn như chơi rubic. Và đây là kết quả
 
Nhạc sĩ Nguyễn Cường


NS Nguyễn Cường
Không biết ở SMĐH lần này, ban tổ chức có lưu ý về vấn đề chuẩn bị bài vở cho ca sĩ không? Hai lần tổ chức vừa qua tôi đều có ý kiến với BTC về chuyện đó. Tất cả ca sĩ tham gia các cuộc thi gần như... ăn đong tác phẩm.

Có người đã khóc vì không có bài. Một số ca sĩ ở Hà Nội có mối quan hệ thân quen trong nghề nên được tư vấn về bài vở nhưng một số ca sĩ ở các tỉnh thì bơ vơ, tội nghiệp lắm.

Ngay cả khái niệm về các dòng nhạc, có nhạc sĩ và ca sĩ cũng không biết, chỉ nghe mang máng rồi áp tác phẩm vào thể loại. Nhiều ca sĩ bị mất điểm vì tìm không đúng bài, chất lượng bài hát đuối.

Quan trọng hơn là "thực đơn ca khúc" cho người nghe không được phong phú. Đây không phải là sân chơi của riêng ca sĩ mà cuối cùng là của hàng triệu người nghe. Nhà tổ chức nên tìm đến các nhạc sĩ, thu gom mỗi thể loại vài chục bài để giới thiệu cho thí sinh.

Nhạc sĩ Giáng Son


Nhạc sĩ Giáng Son
Tôi nghĩ ai muốn đi theo con đường ca hát chuyên nghiệp thì không nên bỏ qua sân chơi này. Format của chương trình có thể coi là khá hoàn chỉnh. Các thành viên trong Hội đồng nghệ thuật đều có cá tính và những nhận xét thú vị. Điều ấy góp phần làm cuộc thi thêm hấp dẫn.

Tôi muốn nhắc đến sự lựa chọn bài hát - điều vô cùng quan trọng trong cuộc thi. Nhiều thí sinh do chưa có kinh nghiệm hoặc do quá tự tin vào bản thân nên có những lựa chọn sai lầm. Có sai lầm sẽ tạo kinh nghiệm cho họ nhưng có những sai lầm không thể sửa chữa được.

Qua hai kỳ SMĐH, có thể thấy các ca sĩ có sự lựa chọn dũng cảm khi chọn những bài khó, thậm chí hoàn toàn mới đều là những người tạo dấu ấn tốt hơn những người chỉ chăm chăm đi hát lại bài hát cũ.

Nhạc sĩ Lê Minh Sơn

Với những kinh nghiệm trong việc tổ chức các đêm diễn, tôi hiểu được sự vất vả của nhà tổ chức SMĐH. Để làm nên thành công của mỗi đêm diễn thì chắc chắn những người tham gia tổ chức SMĐH phải lao động nghệ thuật thực sự. SMĐH đã có một ban nhạc rất chuyên nghiệp, họ là những nhạc công tâm huyết, điều đó tạo thêm thành công cho SMĐH.

Nhạc sĩ Lê Minh Sơn
Tôi đặc biệt ấn tượng với lớp ca sĩ lớn lên từ SMĐH 2004 như Tùng Dương, Ngọc Khuê, Kasim Hoàng Vũ... Đó là những tài năng âm nhạc, họ đã trưởng thành và đứng vững trên thị trường âm nhạc. Kỳ SMĐH 2006, tôi chưa nhìn thấy một giọng ca nào thực sự tài năng.

Dường như chưa có một ca sĩ SMĐH của kỳ sau có thể trường sức để hát đến bài thứ 3. Chỉ đến bài thứ 2 đã thấy hụt hơi, đặc biệt khi hát trực tiếp càng dễ thấy lỗi kỹ thuật như phô, chênh, lỗi nhịp... Điều này không thể đổ lỗi do họ còn trẻ mà nó thuộc về vấn đề tài năng và sự khổ luyện.

Theo tôi, các ca sĩ trẻ phải phát huy được cá tính thực sự trong giọng hát của mình, phải tìm được ngôn ngữ biểu cảm riêng trong âm nhạc. Bất cứ sự rập khuôn nào chỉ khiến họ trở thành... thứ hàng nhái mà thôi.
 
Nhạc sĩ Huy Tuấn

Thành công của SMĐH mấy năm qua là minh chứng về vị thế và sức lan toả của sân chơi này, góp phần quan trọng trong việc phát hiện những nhân tố mới cho showbiz Việt.

Nhạc sĩ Huy Tuấn

Trong tình hình ca sĩ nói chung đang rất lúng túng với những bước đi ban đầu, những ngôi sao trẻ bước ra từ SMĐH đã tạo ra được nhiều ấn tượng tốt đẹp. Họ tự tin khẳng định mình, trở thành đối trọng buộc những ngôi sao thành danh phải có tìm tòi, sáng tạo mới.

Điểm hạn chế của sân chơi này là sự hỗ trợ cho các thí sinh được giải sau cuộc thi chưa tốt. BTC có thể hợp tác với những nhà sản xuất bên ngoài để phần nào giúp thí sinh đoạt giải không còn lúng túngtrong việc lựa chọn phương hướng phát triển nghề nghiệp một cách vững chắc và bài bản.

 
Theo VTV

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm