Sân khấu Tết TP.HCM: Hai vở kịch 'lạc đề' đáng xem

14/01/2014 13:42 GMT+7 | Văn hoá


(Thethaovanhoa.vn) - Như TT&VH đã đề cập, sân khấu TP.HCM mùa Tết này thật sôi động và đa dạng, riêng kịch nói đã có khoảng 20 vở mới công diễn. Mỗi sân khấu có một nỗ lực “câu khách” riêng, trong đó nổi lên hai vở đáng xem là Oan tình ai thấu Chiếc vòng gia bảo, vì nó vừa đầy đủ hương vị Tết, vừa đầy đủ ý nghĩa đời sống.

Điểm chung của hai vở này là có tựa đề nghe rất “lạc đề”, chẳng có chút nào hài hước, thậm chí hơi bi kịch và ly kỳ, nhưng xem xong, khán giả lại bất ngờ vì cách dàn dựng vui nhộn, sâu sắc.

“Oan tình ai thấu”

Nếu có thể bình chọn thì Oan tình ai thấu (KB: Nguyễn Thị Minh Ngọc - Hoàng Thái Thanh, ĐD: Ái Như) của Kịch Hoàng Thái Thanh là đáng xem nhất mùa Tết 2014.

Đầu tiên, về kịch bản, tuy lấy lại motif kiểu “hồn Trương Ba da hàng thịt” để kể một câu chuyện mà nhà giàu hay nhà nghèo… đều cũng khóc. Thế nhưng cái tài tình là nó đã xóa nhòa liên tưởng về motif cũ để buộc khán giả theo đuổi một câu chuyện éo le, hài hước kiểu mới của gia đình luật sư và gia đình bà giúp việc. Mà cái kết cuối cùng thì hạnh phúc không đứng về người nghèo (theo kiểu có hậu), hay người giàu (theo kiểu vô hậu), mà hạnh phúc là một cơ duyên mà bất kỳ giai tầng nào cũng phải tìm kiếm, xây dựng, vun đắp thì mới có được.


Cảnh trong vở Oan tình ai thấu

Kế đến, diễn xuất trong Oan tình ai thấu phải nói là tuyệt vời, 4 vai của Ái Như, NSƯT Thành Hội, Thanh Thủy, Quốc Thịnh đầy đủ cung bậc của sự hài hước, nơi chất hài được tỏa ra từ các tình huống buộc phải cười, đầy cảm xúc. Đặc biệt là sự khác nhau trong cách diễn, nếu vai của Thành Hội tưng tửng, Thanh Thủy điệu đà, thì vai của Ái Như lại cục mịch, Quốc Thịnh chân chất… khán giả không bị nhàm.

Cuối cùng, nhìn lại mấy năm qua của Kịch Hoàng Thái Thanh, Oan tình ai thấu là vở có nhiều vượt thoát, bởi nó xoáy mạnh vào chất hài - điều mà trước đây dường như bị nhiều kiềm chế. Tuy hài nhưng vẫn đủ đầy ý nghĩa nhân sinh; không cần bi lụy, xót xa mà vẫn tìm được sự xúc động, đồng cảm.

“Chiếc vòng gia bảo”

Kịch IDECAF công diễn 4 vở Tết, thì Linh vật hoàng triều (KB: Minh Ngọc - Minh Phương, ĐD: Vũ Minh) được đầu tư công phu nhất, nhưng có duyên lại thuộc về Chiếc vòng gia bảo (KB: Quang Thảo, ĐD: Đình Toàn), vì diễn xuất tuyệt vời, đường dây cuốn hút và đưa được chất đương đại vào vở có tính cổ trang. Rõ nhất ở cách dùng lời của quan huyện (do Bạch Long đóng) để giới thiệu vai của các diễn viên chính khác.

Quang Thảo lấy cảm hứng từ các câu chuyện về quan lại hà hiếp và có mưu cầu chiếm đoạt thân thể của dân lành - vốn phổ biến trong văn học dân gian của Việt Nam - để viết nên kịch bản hài hước này. Với thông điệp “gậy ông đập lưng ông” và cấu trúc nhân quả rõ ràng, Chiếc vòng gia bảo có dáng dấp và cái hấp dẫn của kịch bản truyền thống.

Cũng giống như Oan tình ai thấu, vở này diễn xuất hay, nơi mà NSƯT Hữu Châu, Bạch Long, Lê Khánh, Phi Phụng, Phương Dung… đều giỏi trong chính kịch và hài kịch. Cách diễn của họ vừa khắc họa được các tính cách điển hình của sân khấu truyền thống: nơi có quan lại xuẩn ngốc, lý trưởng gian và… “dê”, cái khôn của Thị Hến, cái bỗ bã của Thị Đốp… khá hiện đại.

Tại Kịch IDECAF, Đình Toàn là diễn viên và đạo diễn, vốn “chuyên trị” các vở thiếu nhi, đầy tung tẩy, nhưng với Chiếc vòng gia bảo anh đã cho thấy một góc độ khác của mình. Với cách kể và cách giữ nhịp câu chuyện, nó cho thấy sự lên tay của đạo diễn trẻ này.

Dịp Tết này Kịch Hồng Vân công diễn đến 6 vở, trong đó có 4 vở kinh dị - hình sự: Nốt ruồi máu (ĐD: NSND Hồng Vân), Giờ chết (ĐD: Xuân Trang), Đình cõi âm (ĐD: Lê Quốc Nam), Kỳ án 292 (ĐD: Diệp Tiên); hài kịch - tâm lý: Yêu giờ chót (ĐD: Minh Nhí) và kịch tâm lý xã hội: Cái giếng khơi (ĐD: Trung Dân).

Văn Bảy
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm