"Rừng Nauy": Cuộc "chinh phục” Murakami của Trần Anh Hùng

24/12/2010 14:33 GMT+7 | Phim

(TT&VH) - Với sự trở về của đạo diễn Trần Anh Hùng, Rừng Na Uy đã gây sốt trên báo chí trong những ngày qua, mặc dù những người có mặt trong buổi trình chiếu “siêu phẩm” này ở Việt Nam đều có những cảm xúc và đánh giá riêng, thậm chí mâu thuẫn nhau. Và trong số các khán giả ấy, rất nhiều người đồng thời là độc giả của tiểu thuyết Rừng Na Uy trong cơn sốt Haruki Murakami ở Việt Nam những năm gần đây.

1. Tác phẩm văn học và tác phẩm điện ảnh luôn là hai thế giới hoàn toàn khác nhau, có một sức sống, hình thức truyền tải khác nhau, đòi hỏi độc giả, khán giả cảm nhận một cách khác nhau. Tuy nhiên, trong suốt hàng chục năm qua, cứ mỗi khi có một bộ phim được chuyển thể từ một cuốn sách nổi tiếng nào đó, người xem vẫn không tránh khỏi sự tò mò và tự đặt ra câu hỏi liệu phim có thành công như sách, phim có giữ lại được tinh thần của sách... Trong quá khứ, chúng ta đã từng chứng kiến những ví dụ điển hình như Gone With The Wind (Cuốn theo chiều gió), Lolita, War and Peace (Chiến tranh và Hòa Bình), The Godfather (Bố già) và giờ đây là Norwegian Wood (Rừng Na Uy).

Ra đời vào năm 1987, Rừng Na Uy của tác giả Murakami đã làm rung động hàng triệu con tim độc giả tại Nhật Bản. Không những thành công trong nước, cuốn sách còn có sức sống mãnh liệt tại nhiều quốc gia khác trên thế giới. Đối với bất cứ ai đã từng đọc cuốn tiểu thuyết cũng đều phải thừa nhận rằng việc chuyển thể nỗi đau, sự mất mát, lòng thương nhớ, hoài niệm, mối quan hệ và tâm lý sâu sắc giữa các nhân vật... như Haruki Murakami mô tả là điều cực khó.

Câu hỏi được đặt ra ở đây, khi xem Rừng Na Uy của đạo diễn Trần Anh Hùng, ta nên đứng trên vai trò của một khán giả yêu điện ảnh trung lập hay là một fan cuồng nhiệt của cuốn sách để tiện việc so sánh với những áng văn chương tuyệt vời của Haruki Murakami. Xin đừng đắn đo suy nghĩ, hãy chọn cách thứ nhất trước, để ta có thể thưởng thức bộ phim một cách trọn vẹn.

2. Đã có nhiều người nghi ngờ về sự thành công của Trần Anh Hùng khi anh được phép xây dựng Rừng Na Uy thành phim. Nhưng mọi nghi ngờ đó, ít nhiều đã bị dập tắt vì anh có phong cách làm phim rất phù hợp và gần gũi với ý tưởng của Haruki Murakami. Đẹp (ở mọi khía cạnh), buồn bã, hoang mang, vừa trữ tình nên thơ vừa mạnh bạo, trực diện nhưng cũng đầy ghê rợn, u uất, đôi khi lên đến tận cùng của sự đau đớn, Trần Anh Hùng đã mang tới người xem rất nhiều cảm xúc khác nhau. Chúng hòa quyện, xen lẫn, kéo dài trong hơn 130 phút phim.

Điểm thành công dễ nhận thấy nhất của Trần Anh Hùng trong việc chuyển thể những câu chữ lên thành hình ảnh chính là phong cách quay đặc trưng. Trong tiểu thuyết, các nhân vật trao đổi thư cho nhau rất nhiều lần, ngoài ra đây cũng là hồi tưởng của nhân vật chính Toru Watanabe (Ken’ichi Matsuyama), nên việc sử dụng lời dẫn là điều không thể tránh khỏi. Có lẽ bất cứ ai, nếu được giao vai trò đạo diễn, cũng đều sử dụng cách này để kể chuyện. Điều Trần Anh Hùng tạo nên sự khác biệt đó là việc anh kết hợp nhuần nhuyễn các cảnh quay ngắn, rời rạc, chắp nối một cách có chủ ý cùng các cảnh quay dài mượt mà, chậm rãi để diễn tả tâm lý nhân vật. Bên cạnh đó cách sử dụng ánh sáng kết hợp với sự cầu kỳ trong bối cảnh (hậu cảnh, tiền cảnh đều rất thu hút thị giác người xem) đã tạo nên một không khí lãng đãng rất riêng. Hoa, ánh nắng, mưa, rèm cửa, chiếc mành óng ánh được quay đầy tinh tế, đẹp mắt là những chi tiết đặc trưng Trần Anh Hùng.

Sự phối hợp màu sắc thông qua bốn mùa trong năm được nhà quay phim Lee Bin Ping và đạo diễn Trần Anh Hùng thể hiện rất tốt. Từ cánh đồng xanh ngắt, khu rừng mờ sương sớm, từng ngọn cỏ lay động dữ dội vì gió, triền núi cong cong uốn lượn, cho tới thung lũng trải dài ngút mắt, những bông tuyết trắng ngập tràn màn ảnh vừa phục vụ tốt cho tinh thần của bộ phim vừa làm ngây ngất, mãn nhãn khán giả.

3. Bên cạnh quay phim, chỉ đạo nghệ thuật, âm nhạc, lối kể chuyện, đạo diễn Trần Anh Hùng cũng để lại dấu ấn rõ nét trong việc chỉ đạo diễn xuất. Tất nhiên, đóng góp chủ yếu đến từ diễn viên (Ken’ichi Matsuyama, Rinko Kikuchi) nhưng với việc sử dụng phần lớn các cảnh quay đặc tả khuôn mặt, hoặc nếu rộng nhất cũng chỉ bán thân, trong những trường đoạn mô tả nỗi đau, sự mất mát, tâm lý nhân vật càng được khai thác tốt hơn. Chính phong cách quay “gần gũi” như vậy, dường như khán giả cảm thấy đồng cảm, có sự chia sẻ hơn với Taru Watanabe, Naoko và Midori.

Norwegian Wood (Rừng Na Uy) đã từng là tên một ca khúc trong album Rubber Soul bất hủ của ban nhạc huyền thoại The Beatles, đã từng là tuyệt tác trong làng văn học thế giới thế kỷ 20 và nay, người ta sẽ còn phải nhắc đến như một bộ phim hay của điện ảnh thế giới.

Hoàng Phương

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm