Rock Sài Gòn sau 1975 (Kỳ 3)

07/06/2008 15:09 GMT+7 | Âm nhạc

Rocker Nguyễn Đạt
(TT&VH Online) - Để hiểu thêm về trào lưu nhạc rock Sài Gòn sau năm 1975, TT&VH có cuộc trao đổi với rocker Nguyễn Đạt, một trong những người gắn bó lâu dài với rock Sài Gòn từ trước cho đến nay.

* Có lẽ rock Sài Gòn không thể tách rời phong trào ca khúc chính trị được xem là sự hồi sinh của nhạc trẻ Sài Gòn sau 1975?

- Sau năm 1975, nhạc trẻ thoái trào. Nhưng sự kiện nhóm ca khúc chính trị của Cộng hòa Dân chủ Đức đến diễn tại Sài Gòn năm 1977 và sau đó là nhóm nhạc Lứa tuổi 49 của Cuba. Hai ban nhạc này đã làm nhạc trẻ sống lại với phong cách sôi động chẳng khác gì các ban nhạc trẻ của Sài Gòn trước 1975. Từ đó phong trào nhạc trẻ Sài Gòn như được hồi sinh dưới dạng những nhóm ca khúc chính trị phát triển rầm rộ bắt đầu từ 1977-1978. Một số người có tiếng của những ban nhạc trẻ trước 1975 đứng ra thành lập các ban nhạc như: nhóm Hy Vọng (Lê Hựu Hà, Lý Được, ca sĩ Nhã Phương...), Hương miền Nam (Bảo Chấn, Quốc Dũng, ca sĩ Lan Ngọc, Thái Châu...), CLB Nhà nghệ thuật quần chúng (Vũ Văn Tuyên, ca sĩ Hoàng Cúc, Lệ Thu...), cùng các nhóm khác như Seamen, Đại Dương, Sinco, Biển Xanh, Sao Sáng, Lướt Sóng v.v... Có thể nói đây là thời kỳ hồi sinh của nhạc trẻ Sài Gòn sau 1975.

* Trong phong trào này có những ban nhạc nào được xem là những ban nhạc rock?

- Có thể nói ban nhạc Đại Dương và Sinco là những ban nhạc “rock” nhất vào lúc đó...

* Theo anh rock Sài Gòn chính thức được công chúng biết đến từ sự kiện nào?

- Năm 1992, Liên hoan pop/rock tổ chức lần đầu tiên tại NVH Thanh niên được xem là sự ra mắt của thế hệ rock Sài Gòn đầu tiên sau năm 1975: Ba Con Mèo (Phương Uyên), Da Vàng (Nguyễn Đạt, Lê Quang, Tuấn, Nghĩa), Đen Trắng (Ngọc Lễ), Buổi Sáng (tức Rock Alpha: Ký, Tích, Hải, Vinh, Hoàng Triều), Tia Chớp (Quốc Hùng), Hạc Kim (Khánh, Châu) v.v… sau đó vài năm thì có Atomega (Quang Thắng) tuy ra đời sau nhưng lại có album Đất mẹ vào năm 1997, trước album S.O.S. của Da Vàng (1998). Các ban nhạc thời kỳ này đều tự sáng tác nhạc cho riêng mình cho nên đã hình thành các phong cách, ý tưởng khác nhau cho từng ban. Đến nay, một số lớn trong các ban nhạc này đã tan rã hoặc không còn chơi rock nữa, chỉ còn lại vài ban như Da Vàng, Alpha...

Đặc điểm chung của rock Sài Gòn là thiên về kỹ thuật, vấn đề tư tưởng và lời của ca khúc chưa được nhiều ban nhạc chú trọng.

* Anh có thể nói những sự kiện đáng chú ý của rock Sài Gòn sau 1992?

- Liên hoan pop/rock năm 1992 có thể xem là sự kiện lớn đối với rock Sài Gòn. Tiếp sau đó là Festival Đầm Sen năm 1993,

  • Tin liên quan
  • Rock Hà Nội sau 1975 (Kỳ 4)
  • Rock Sài Gòn sau 1975 (Kỳ 3)
  • Nhạc Việt có rock từ bao giờ? (Kỳ 2)
  • Rock - thứ âm nhạc cuồng nhiệt (Kỳ 1)
  • đây gần như là đại hội nhạc rock khi có sự tham gia của những ban nhạc thời kỳ trước như Sao Sáng, The Jazz Brothers Band (tiền thân là ban nhạc Đại Dương) v.v... đến những ban nhạc đương thời lúc đó. Năm 1995, tại Nhà tròn (công viên Chiến Thắng) có những buổi biểu diễn rock vào sáng Chủ nhật hàng tuần với sự tham gia của các ban nhạc như Da Vàng, Atomega, Horizon, Sagometal v.v... “Những đêm nhạc xanh” do NVH Thanh niên tổ chức năm 1996 với các ban nhạc Đại Dương, Da Vàng, Alpha, Đen Trắng, Tia Chớp. Năm 1997 đêm nhạc rock qui tụ 10 ban nhạc, thu hút khoảng 10 ngàn người do Bến Thành audio & Video tổ chức tại Đồi Hoa Vàng (Kỳ Hòa) được xem là một trong những đêm nhạc rock lớn của Sài Gòn thời đó. RFC ra đời năm 1997 do Trần Văn Tuấn thành lập trên mạng trí tuệ Việt Nam và sau đó anh mở riêng một trang web là rockfanclub.org. Đây là diễn đàn để các ban nhạc và những người yêu rock trao đổi về âm nhạc, thông tin những hoạt động và tổ chức những show diễn định kỳ cho các rock fans... Đây được xem như giai đoạn co cụm ở ẩn của rock trước sự bành trướng làm mưa làm gió của nhạc thị trường và hát đĩa, hát nhép tràn lan khắp nơi, nhưng đây cũng chính là thời kỳ mà rock Sài Gòn đi sâu vào chuyên môn vì nó chỉ diễn ra trong phạm vi những rocker và những người hiểu rock và yêu rock thực sự. Lúc này có một loạt ban nhạc của thế hệ sau Da Vàng, Đen Trắng... như Little Wings, Kết Cấu Thép, Heroin Danger cũng đã để lại nhiều ấn tượng. Sau năm 2000 tiếp tục có các ban nhạc mới như Atmosphere, Metronome, Microwave, Canceled, Salon Coca, Mama Kin, Some Old Guys, The Cell, Mắt Xích... gần đây là Unlimited, Lazee Dolls, Titanium, God Father, End Of Road, Disgusted, Black Infinitive, Prophecy, 5PM và còn rất nhiều nữa…

    "...Da Vàng được chọn làm đại diện cho rock Việt Nam
    tham gia Festival Asean Rocks tại Singapore" 

    Việc ban nhạc Da Vàng được chọn làm đại diện cho rock Việt Nam tham gia Festival Asean Rocks tại Singapore cùng 10 ban nhạc của các nước Đông Nam Á tháng 1 năm 2007 cũng góp phần cho việc mở rộng ranh giới của rock Sài Gòn ra đến tầm khu vực. CLB Sài Gòn Rock ra đời vào năm 2006 với 2 đêm Sài Gòn Rock I (2006) & II (2008), cuộc thi Super Band 2007 và 2 chương trình rock gần đây là Rock Storm và cuộc thi Tiger translate Rock Your Passion cũng đã giúp rock Sài Gòn khuấy đảo không khí trở lại.

    * Theo anh điều đáng nói nhất của rock Sài Gòn đến thời điểm này là gì?

    - Cách chơi nhạc, cách quản lý và thành lập ban nhạc đã chuyên nghiệp hơn ngày trước rất nhiều, nhưng cũng chính vì vậy mà chất cuồng nhiệt, hồn nhiên cũng bị vơi bớt đi mà nhường lại cho sự tính toán, dùng các “chiêu thức” như các ca sĩ nhạc thị trường. Trước đây các ban nhạc chơi nhạc vì khát khao được thỏa mãn chính niềm đam mê của mình, không màng sự nổi tiếng không còn nhiều nữa, nhưng ngày nay sự nổi tiếng đã trở thành mục tiêu số 1 đối với một số ban nhạc. Ngoài ra các ban nhạc rock và rock fans của Sài Gòn nói riêng và cả nước nói chung chưa có sự đoàn kết cao, đây cũng là một trong những nguyên do khiến rock tại Việt Nam vẫn chưa phát triển đến mức phổ thông như các nước quanh khu vực.

    * Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này.

    Hữu Trịnh
     

    Cùng chuyên mục
    Xem theo ngày
    Đọc thêm