'Rasputin' của Boney M và một chương lịch sử nước Nga

09/09/2023 08:21 GMT+7 | Văn hoá

Năm 2016, khá nhiều tờ báo ở Nga lật lại kỳ án về người đàn ông bí ẩn nhất nước Nga, Grigori Rasputin, người đã bị ném xác xuống dòng Neva lạnh buốt ở St Petersburg vào đúng ngày này năm 1916.

Cuộc đời của Rasputin luôn làm hao tốn giấy mực của hậu thế và có khá nhiều câu chuyện được viết nên để miêu tả chân dung của nhân vật quyền lực này. Ca khúc Rasputin của nhóm Boney M cũng là một câu chuyện trong số ấy nhưng hơn thế, nó trở thành bài hit đỉnh cao của nhóm này và một lần nữa đưa Rasputin nổi tiếng khắp mọi nơi.

Một mình lũng đoạn triều đình

Rasputin là một nhân vật có thật thời Nga hoàng với tên thật là Grigori Yefinovitch Novykh, sinh năm 1869 trong một gia đình thuần nông ở vùng Siberia. Mù chữ, thất học, hay ăn cắp vặt, thường xuyên gây gổ đánh nhau, ngay từ nhỏ Grigori Yefinovitch Novykh đã được gán cho biệt danh Rasputin (từ chữ “rasputnik” trong tiếng Nga có nghĩa là một kẻ trụy lạc, thiếu đạo đức, bê tha, bần cùng của xã hội).

Năm 18 tuổi, vì ăn cắp vặt nên Rasputin bị bắt vào tu viện sám hối. Từ đây Rasputin bắt đầu nhập môn tôn giáo và khi ra viện ông kể rằng có Đức Mẹ hiện ra. Từ đó trở đi, Rasputin trở thành tu sĩ huyền bí đi hành hương khắp nơi, từ Hy Lạp đến Jerusalem sau đó về đóng đô tại Saint Petersburg. Uy tín cộng thêm những lời đồn thổi đã nhanh chóng biến Rasputin trở thành thần y với khả năng chữa bệnh thần thánh. Và không lâu sau, tin đồn này lan đến gia đình Nga hoàng.

'Rasputin' của Boney M và một chương lịch sử nước Nga - Ảnh 1.

Năm 18 tuổi, vì ăn cắp vặt nên Rasputin bị bắt vào tu viện sám hối, từ đây Rasputin bắt đầu nhập môn tôn giáo

Việc vô tình hoặc bằng một cách bí hiểm nào đó giúp Rasputin chữa được bệnh máu không đông cho hoàng tử Alexei mà Rasputin mau chóng được hoàng gia Nga xem là thánh sống, tiên tri của thượng đế… Rasputin dần dần tạo uy tín và ảnh hưởng lớn đến hoàng hậu Alexandra. Bà cho rằng thượng đế liên lạc với bà qua Rasputin.

Lúc ấy, dù không công khai, nhưng Rasputin bị xem là người đứng đầu giáo phái Khlysty, một nhánh Thiên Chúa giáo bị cấm lúc bấy giờ. Hoạt động của giáo phái này gắn liền với trụy lạc với niềm tin rằng gây ra tội lỗi mới có thể đưa con người ta đến được sự tinh khiết và thanh cao. Những công nương, các quý bà đài các bị lạc vào thế giới cứu rỗi linh hồn của Rasputin và xem việc ăn nằm với Rasputin là một niềm tự hào.

Có hoàng gia chống lưng, Rasputin nhanh chóng trở thành một quyền lực đáng sợ ở Nga. Không chỉ chăm lo sức khỏe cho hoàng tử Alexei mà Rasputin còn nhúng tay vào công việc của chính quyền, tham nhũng đủ đường, từ việc nhỏ nhất là xúi giục chính quyền tăng chức hay sa thải nhân viên đến việc lớn hơn là lũng đoạn, thao túng toàn bộ các hoạt động chính trị của nước Nga. Tất cả đều do Rasputin quyết định.

Đỉnh điểm là vào năm 1915, khi nước Nga thất thế tại thế chiến 1 với người Đức, Rasputin đã tuyên bố tin sấm truyền rằng chỉ khi nào chính Nga hoàng Nicolas ra cầm quân thì quân Nga mới chiến thắng. Nga hoàng lúc bấy giờ tuy bối rối nhưng phải nghe lời đích thân ra chiến trận, đưa đến hậu quả thảm hại cho chính mình và nước Nga sau này.

Và trong khi Nga hoàng vắng mặt, Rasputin ở nhà tung hoành trong cung cấm, trở thành nhân vật thân cận của hoàng hậu. Ông dùng thế lực tạo vây cánh tham nhũng lũng đoạn chính quyền. Chiến tranh kéo dài trong khi chính phủ suy đồi, kinh tế Nga từ đó còn lụn bại thê thảm hơn.

Và cuối cùng, chịu hết xiết những thủ đoạn dơ bẩn của Rasputin, các chính trị gia Nga đã liên kết với nhau lên kế hoạch ám sát Rasputin. Khá nhiều lần âm mưu ám sát bị hỏng nhưng cuối cùng, vào ngày 29/12/1916, Rasputin bị dụ vào cung điện Moika và bị bắn 3 phát nhưng không chết, tiếp đến Rasputin bị đánh liên tiếp rồi bị vải quấn chặt quanh người, sau đó ném xuống sông Neva ngay trước cung điện.

3 ngày sau, cái chết của Rasputin được công bố với lý do: chết đuối. Cả nước Nga lúc ấy ngập tràn niềm vui.

Tình nhân của nữ hoàng

Cái chết của Rasputin đã biến ông trở thành một huyền thoại và ông bầu của nhóm Boney M, Frank Farian, đã quyết định dùng câu chuyện của ông cho một single mới nhất của nhóm, có tên Rasputin.

Đó là thời điểm của tháng 8/1978, lúc đó Boney M đã ngự trên đỉnh vinh quang với hàng loạt bài hit disco đình đám. Nhưng Rasputin vẫn là một sự khác biệt. Bởi lần đầu tiên một nhóm nhạc disco của phương Tây dùng chính nhạc cụ truyền thống của dân tộc Nga, balailaika, để hòa âm. Hơn thế, họ còn dùng cả âm hưởng nhạc khiêu vũ của người Cossack (Trung Á) để hình thành nên giai điệu. Bài hát thu hút bởi tiết tấu vô cùng sôi động và thúc giục dù lời ca là để vẽ nên chân dung Rasputin theo hướng một tay chơi có hạng.

Rasputin nhanh chóng trở thành bài hát được yêu thích ở châu Âu. Một thời Rasputin cũng trở thành bài nhạc hiệu quen thuộc trong khoảng chờ các trận đấu bóng quốc tế tại Việt Nam.

Tháng 12 năm 1978, Boney M là nhóm nhạc phương Tây đầu tiên được diễn ở Liên Xô. Đích thân Tổng bí thư Leonid Brezhnev đón họ bằng một máy bay quân sự từ London (Anh) tới Moskva (Nga) để biểu diễn tại Quảng trường Đỏ trước 2.700 người. Nhưng lúc ấy, Boney được phép hát tất cả những bài họ thích, ngoại trừ Rasputin, một bài hát có quá nhiều nội dung nhạy cảm chưa được kiểm duyệt.

Tình hình tương tự được lặp lại ở Ba Lan một tháng sau đó (1979) nhưng dù có lệnh cấm nhưng Boney M vẫn quyết định biểu diễn bài này tại sân vận động Sopot. Hơn 10 nghìn người đã hát vang cùng họ bài hát này. Tuy nhiên, trong chương trình phát sóng lại của đài truyền hình Ba Lan vào hôm sau, bài hát này đã bị cắt bỏ.

Giờ thì Rasputin được hát lại ở mọi nơi và nó là một trong những bài disco được cover nhiều nhất thế giới.

Có một điều khá trùng hợp là Rasputin bị ám sát vào ngày 29/12/1916 thì đến 29/12/2010, ca sĩ nổi tiếng của nhóm Boney M, Bobby Farrell, cũng đã qua đời khi đang biểu diễn tại Nga. Trùng hợp hơn là khách sạn nơi Farrell qua đời lại chẳng cách xa mấy với dòng Neva ở St Petersburg nơi Rasputin đã bị ám sát. Và sự trùng hợp ấy lại càng làm Rasputin bất tử.


Nguyên Minh - Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm