Rắc rối - Người đàn bà thứ hai

30/10/2009 16:30 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Bộ phim Người đàn bà thứ hai, đã phát sóng trên VTV3 được ít lâu và để lại những dư vị khác nhau trong lòng độc giả. Song có điều thú vị nhất là bộ phim này đã làm sống lại bài thơ Người thứ hai đã được phổ nhạc thành bài hát trong phim. Xung quanh bài thơ này bỗng dưng có chuyện.


Cảnh trong phim Người đàn bà thứ hai.

Chúng ta cùng đọc lại bài thơ:

Mẹ đừng buồn khi anh ấy yêu con
Bởi trước con anh ấy là của mẹ
Anh ấy có thể yêu con một thời trai trẻ
Nhưng suốt đời anh yêu mẹ, mẹ ơi !
Mẹ đã sinh ra anh ấy trên đời
Hình bóng mẹ lồng vào tim anh ấy
Dẫu bây giờ con đuợc yêu thế đấy
Con cũng chỉ là người đàn bà thứ hai...
Mẹ đừng buồn những chiều hôm, những ban mai
Anh ấy có thể nhớ con hơn nhớ mẹ
Nhưng con chỉ là cơn gió nhẹ
Mẹ luôn là bến bờ thương nhớ của đời anh.
Con chỉ là cơn gió mong manh
Những người đàn bà khác có thể thay thế con trong tim anh ấy
Nhưng có một tình yêu âm ỉ cháy
Anh ấy chỉ dành cho mẹ, mẹ ơi!
Anh ấy có thể sống với con suốt cuộc đời
Cũng có thể chia tay trong ngày mai, có thể
Nhưng anh ấy suốt đời yêu mẹ
Dù thế nào, con chỉ là người thứ hai...


Bài thơ này được Phạm Thị Bích Hà (giáo viên Trường THCS Hùng Lô - Việt Trì) sáng tác khi đang là sinh viên Trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội. Người thứ hai được trao giải Nhất Thơ Sinh viên cụm 10, quận Cầu Giấy, Hà Nội và được đăng báo Phụ nữ Việt Nam ngày 18/5/1992.

Sau 17 năm, Người thứ hai sống lại khi trở thành bài hát trong phim Người đàn bà thứ hai. Nhưng đây cũng là lúc có ý kiến khen chê khác nhau về bài thơ.

Báo Phú Thọ, Tạp chí Văn nghệ đất Tổ đều có các bài giới thiệu đánh giá cao bài thơ Người thứ hai và tác giả Phạm Thị Vĩnh Hà. Nhà thơ Kim Dũng còn công phu tìm hiểu để chứng minh rằng Phạm Thị Vĩnh Hà mới là tác giả của bài thơ chứ không phải nhà thơ Xuân Quỳnh như một số người yêu thơ trên mạng “nhầm tưởng”. Xuân Quỳnh là tác giả bài thơ Mẹ của anh (kính tặng thân mẫu anh Lưu Quang Vũ) chứ không phải bài Người thứ hai. “Người ta có thể nhớ hoặc thuộc một câu, một bài thơ hay mà không nhớ tên tác giả của nó... Đấy chính là sức sống của những bài thơ hay đi cùng thời gian vào lòng công chúng, vào tâm hồn người yêu thơ” (Văn nghệ đất Tổ, tháng 5/2009, tr.43).

Trái lại, những ý kiến trên báo Văn nghệ (Nghĩ về việc đặt tên phim, số 19, tháng 5/2009 và Một sai số từ văn học đến điện ảnh, số 34, tháng 8/2009) còn bày tỏ những băn khoăn về nội dung bộ phim Người đàn bà thứ hai và bài thơ phổ nhạc nền cho phim.

Một số ý kiến không tán thành cách gọi mẹ là người đàn bà thứ nhất, vợ là người đàn bà thứ hai. Trên báo điện tử Tổ quốc gần đây, tác giả Ngô Kim Đỉnh cho rằng ngày sinh viên ngây thơ, tác giả sáng tác bài thơ với tình cảm trong sáng, chấp nhận được. Nhưng bây giờ, lên phụ huynh rồi mà cứ tung hô mãi thì thành ra những người tán dương thơ cũng khá là “bạo gan”. Một tình thơ say đắm yêu chồng đến độ... đặt tình cảm của mình (người vợ) lên cùng hàng giá trị với mẹ chồng là một so sánh không hợp đạo lý Việt Nam. Chưa khi nào, chưa bao giờ các nhà thơ lại so sánh bậc cha mẹ với ai cả. Cha mẹ chỉ có thể so với đất nước, quê hương, dòng sông, ngọn núi, cây cao bóng cả. Tình cảm với bậc cha mẹ là cao cả và linh thiêng.

Dù cách hiểu khác nhau, nhưng ai cũng phải thống nhất rằng MẸ và VỢ là 2 phạm trù khác nhau, cũng như TÌNH MẪU TỬ khác với TÌNH YÊU TRAI GÁI.

Có người lại bảo văn chương “tự cổ vô bằng cớ “ và văn chương “ý tại ngôn ngoại”. Sự so sánh có khập khiễng hay không nằm trong chính logic nội tại của bài thơ. Vì thế các bạn hãy đọc lại bài thơ một lần nữa để có những đánh giá riêng mình.

Dư Hồng Quảng (Phú Thọ)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm