"Quyền lực nữ" của mỹ thuật đương đại

20/09/2009 13:35 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Như tin đã đưa, chiều qua, 19/9, tại Gallery Âu Cơ - số 1 ngõ 124/22 đường Âu Cơ, Tây Hồ - Hà Nội đã khai mạc triển lãm tranh và tượng của 6 nữ họa sĩ - điêu khắc gia, thuộc số những gương mặt nữ điển hình nhất của nghệ thuật tạo hình hiện nay. Đó là Đặng Thị Khuê, Lê Thị Hiền, Mai Thu Vân, Đinh Ý Nhi, Nguyễn Thị Châu Giang, Lý Trần Quỳnh Giang.

Tác phẩm của
Mai Thu Vân
1.
Họ là những người sinh ra cách nhau trong vòng bốn thập kỷ. Nữ họa sĩ Đặng Thị Khuê sinh năm 1946. Lần này bà bày hai tác phẩm sắp đặt bằng gỗ và tre, sử dụng những motive quen thuộc trong các tác phẩm sắp đặt của bà. Đó là ngôn ngữ của những sắc màu giống như màu sắc trong trang phục, cờ phướn... của lễ hội (trước đây) với những màu bổ túc, nâu non, lá mạ, cánh sen... mà họa sĩ tự nhận rằng: “Các cụ (ý nói các thiếu nữ thời phong kiến) “lẳng lơ” mà duyên kinh khủng”. Cộng với ngữ điệu của những bàn tay: Bàn tay thiếu nữ, bàn tay “thủ ấn” trong các tượng Phật được làm gỗ và gốm... Tác phẩm của bà là sự cộng hưởng của những chất liệu trong văn hóa tạo hình cổ, được biến tấu với cái nhìn hiện đại trong cảm xúc đầy đặn, sôi sục của một người họa sĩ có nhiều năng lượng.


Nhà điêu khắc Lê Thị Hiền sinh năm 1957, hiện là giảng viên khoa Điêu khắc - ĐHMT Hà Nội, từng có nhiều tác phẩm điêu khắc đoạt giải và các tác phẩm trong trại sáng tác điêu khắc trên khắp cả nước. Một số tác phẩm điêu khắc như là trò chơi “gấp thép” (trẻ em có thể chơi trò gấp giấy, nhưng tác phẩm của bà lại bằng các tấm thép gấp lại và sơn màu hồng) và một số bức tượng bằng sành. Chúng thể hiện vẻ đẹp của trạng thái bồng bềnh, cũng như sự đau đớn, bất lực của những tâm hồn ẩn nhẫn, nền nã và chịu đựng...

Nhà điêu khắc Mai Thu Vân và nữ họa sĩ Đinh Ý Nhi cùng là thế hệ 6X. Tác phẩm của Mai Thu Vân (1964) là một số bức phù điêu gò đồng gợi cảm quen thuộc (đã từng đoạt rất nhiều giải thưởng mỹ thuật cao trong nước) với những hình tựa như một người đàn bà mơ mộng hay buồn nhớ được gò lồi ra, thi thoảng điểm xuyết những khối âm lõm như những vết thủng... bí ẩn. Nữ họa sĩ Đinh Ý Nhi (1967) vẫn là những bức tranh hai sắc đen - trắng với hình những cô gái nhỏ “vẹo vọ” bằng màu chồng nhiều lượt, “no” màu với những vệt bút xước xát. Là hình ảnh motive hội họa đặc trưng của họa sĩ, luôn gây cảm giác cực đoan đến thắt ruột. Có cảm giác nữ họa sĩ là người rất “ranh mãnh và đáo để”, chọn cách nói như đùa về những điều nghiêm trọng của thân phận con người (và thân phận đàn bà nói chung).

Hai họa sĩ Nguyễn Thị Châu Giang, và Lý Trần Quỳnh Giang thuộc lứa 7X, một người sinh vào năm giải phóng miền Nam, một người sinh năm con Ngựa (1978). Với họa sĩ Châu Giang, có thể gọi cô là nhà văn kiêm họa sĩ, hay họa sĩ kiêm nhà văn đều được, vì có vẻ như môn nào cô cũng được biết tiếng cả. Những tác phẩm vẽ về phụ nữ của cô là những câu chuyện mang nhiều chất hiện thực kịch tính, một số có ảnh hưởng bút pháp của nữ họa sĩ nổi tiếng người Mexico là bà Frida Kahlo. Họa sĩ Lý Trần Quỳnh Giang thì trưng bày một số tác phẩm tự họa bằng sơn dầu và vẽ khắc trên gỗ, nói lên nhu cầu “ám ảnh cô đơn”, một căn bệnh tối cổ của loài người, vừa như một sự khắc khoải, vừa là điều kiện cho một không gian tự do của mỗi cá nhân!


Tác phẩm của Nguyễn Thị Châu Giang

2. Làm nghệ thuật là một quá trình thám hiểm vào đáy sâu tâm hồn con người. Việc đó giống như một sự tự “bóc vỏ” bản thân để tìm đến cái “lõi” (hay cái hột) nhân văn của con người. Có người cứ mân mê ngắm nghía cái quả nghệ thuật của mình như cầm quả táo, mà chẳng dám ăn. Có kẻ ăn sống nuốt tươi cái trái nghệ thuật của mình nhưng rồi vứt hột vào đống rác. Có người thì “gặm” đến hột rồi nhưng vẫn bối rối ko biết cách đập hột ra để lấy nhân. Nhưng buồn nhất có lẽ là những người cứ bóc mãi gọt mãi cái “trái nghệ thuật” nhưng cuối cùng sững sờ chẳng thấy nhân đâu. Thì hóa ra cái “trái nghệ thuật” của riêng mình ấy nó lại như là củ hành Tây mà thôi...

Nhìn tác phẩm, xét theo bề dày tuổi tác và sự trẻ dần theo thời gian, thì thấy bề mặt tranh của các nữ họa sĩ trẻ tuổi hình như ngày càng “xấu” đi, ít thích trẻ trung, làm duyên hơn thì phải. Có thể hiểu đó là sự từ chối dần dần vẻ đẹp của hình thể, và màu sắc tự nhiên bên ngoài để đi sâu vào bộc lộ và biểu hiện nội tâm. Dẫn tới bề mặt tranh nhìn bằng mắt thường càng ngày càng “khó nhìn”. Nhưng việc thể hiện con người cá nhân ngày càng rõ rệt, bạo liệt và ám ảnh hơn. Quá trình đó cũng gần tương đồng với văn chương và thi phú của các nữ tác giả trẻ đương đại. Nhưng có điều hình như ngày càng hiện đại, càng tự do, càng bình đẳng giới quyền thì tâm hồn người phụ nữ Á đông nói chung thể hiện một chút qua họ có vẻ cũng ngày càng “tiều tụy”, vừa hoang mang vừa khôn ngoan hơn thì phải. Thế mới thấy không thể áp đặt những giá trị chung cho cả thế giới, cũng như áp đặt giá trị của giới tính nọ cho giới tính kia...

3. Đàn bà bình thường đã khổ, đàn bà làm nghệ thuật lại càng khổ gấp đôi. Đó là tâm sự của một số tác giả nữ có tác phẩm trong cuộc triển lãm lần này. Khi người tổ chức triển lãm giới thiệu rằng: Đây là những gương mặt tiêu biểu của mỹ thuật đương đại, thì nữ họa sĩ Đặng Thị Khuê, người cao tuổi nhất trong số 6 nữ họa sĩ, điêu khắc gia nói vui mà đầy ngậm ngùi: Phải gọi chúng tôi là những người sống sót mới đúng!!!

Nói gì thì nói, đối diện với những tác phẩm của những người phụ nữ làm nghệ thuật nổi tiếng này không ít đấng mày râu trong giới có lẽ cũng cảm thấy ngượng ngùng khi tự nhìn lại mình - khi suốt ngày huênh hoang những chuyện động trời, nhưng kỳ thực chỉ sa vào “bia rượu, nhậu nhẹt, nói thánh, nói tướng” hoặc dính vào những chuyện không đâu chỉ mất thì giờ. Để đến một lúc nào đó ngậm ngùi tiếc nuối cái “trái nghệ thuật” của riêng mình không bao giờ được hái xuống...

Vũ Lâm

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm