Quần áo “giấy”

02/08/2009 16:02 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - 1. Một bận, không hiểu nhân chuyện gì, tôi kể với mẹ là dạo này tôi rất hay mơ thấy bà ngoại. Mẹ tôi bảo: “Mày hợp “căn” với bà đấy. Hồi trước, trong mấy đứa cháu, bà quý mày nhất. Thế bà về có bảo gì mày không?” - mẹ tôi hỏi thêm, có phần lo lắng. “Con hay thấy bà đội nón mê đi trên đường ra chợ, có lần bà bảo gửi cho bà ít quần áo mới. Quần áo bà cũ rách lắm rồi”.

Tôi vừa dứt lời, mẹ tôi đã khóc tu tu lên.


Minh họa: Lê Trí Dũng
Tôi hay mơ thấy bà ngoại tôi thật, dù bà đã mất gần 15 năm rồi. Quang cảnh trong giấc mơ thường giống nhau… Âu cũng không có gì lạ, bởi cái cảnh bà đội nón mê đi chợ, tôi lẽo đẽo theo sau hai ba chục năm trước đã in dấu trong trí nhớ tôi nhiều nhất. Còn việc tôi mơ thấy bà bảo “gửi quần áo xuống” thì có lẽ là do hồi bà còn sống, trong những ngày giỗ tết, bà rất hay mua quần áo giấy về đốt cho những người dưới âm. Hồi đó, bà thường bắt tôi phải gò lưng viết đầy đủ tên họ, địa chỉ của bà (nhân đó tôi mới biết tên thật của bà) lên một góc quần áo, đề rõ là “người gửi”. Còn “người nhận” thì đề nhiều cái tên lắm, mỗi cái quần, cái áo, đôi hài… đề một cái tên “người nhận” khác nhau (tôi chưa từng nghe những cái tên đó bao giờ). Tôi lờ mờ đoán rằng bà có rất nhiều “anh chị em” ở dưới đó - những người mà thỉnh thoảng trong cơn đau bụng (bà bị đau dạ dày kinh niên) – bà thường rên rẩm kêu khóc họ.

Thuở đó, tôi đã học cấp 2 cho nên lờ mờ biết rằng cái việc đốt đồ mã thế này hình như có phần “mê tín dị đoan”. Nhưng bà nghiêm nghị bảo: “Họ dưới đó đói rét lắm, mỗi năm chỉ có ngày giỗ, tết và ngày rằm tháng 7 là được nhận quần áo, tiền vàng thôi. Chừng nào tao sống tao phải gửi đủ cho mọi người. Tao chết, chúng mày không gửi thì thôi”.

Tôi đùa bảo bà rằng, tưởng gửi quần áo “thật” mới tốn kém chứ, quần áo giấy đáng gì! Cháu mua thếp giấy “thủ công” về thì gấp được hàng trăm bộ quần áo cho mọi người dưới đó mặc cả năm luôn.

Bà không nói gì.

2. Bà mất khi tôi đã trưởng thành. Về sau ngẫm lại, tôi thấy rằng để hiểu tinh thần của một bà già Việt thì chẳng cần phải đi xa, tìm kiếm khảo sát những ai mà hãy cứ ngẫm lại những ký ức về bà mình là đủ. Các cụ nhà ta dạy: “Tử viết tử, bất nhân. Tử viết sinh, bất trí”, đại loại có nghĩa rằng: Chết mà nói là “hết” thì là không có lòng nhân hậu. Chết mà nói là “như còn sống” thì là người mất trí (u mê). Cách ứng xử của nhà nho là trung dung.

Tôi lại nhớ trong tiểu thuyết “Tiếng chim hót trong bụi mận gai” của nhà văn Australia, có nhân vật nói rằng chỉ khi người thân của mình nằm xuống thì ta mới thấy mảnh đất này máu thịt với ta biết chừng nào. Tôi nhớ câu này nhất, vì quả thật, cái chết của bà khiến tôi cảm thấy có một phần ký ức tôi gắn với bà không sao tìm lại được trên mặt đất nữa – nhưng nó ẩn sâu dưới đất và không mất đi.

Tôi không phải là người “mê tín” cho nên giỗ, tết thì tưởng nhớ bà, nhưng chuyện “gửi quần áo” thì không bao giờ. Người chết không phải là “hết”, nhưng chắc chắn không phải là “như còn sống” mà áp cái tư duy của người sống vào – như thế là u mê. Tôi quan niệm đốt vàng mã thì là tâm linh - nhưng đốt đồ mã (là những đồ bằng giấy mô phỏng lại đồ vật thật) thì là mê tín.

Nhớ lần tôi cùng cô bạn lên chợ quê ở Bắc Giang chơi vào ngày giáp Tết. Chợ có hai dãy bán đồ hàng mã: quần áo “giấy”, mũ “giấy”, giày “giấy”… với các màu xanh đỏ tím vàng bày thành xấp chẳng khác gì hàng quần áo ở chợ Đồng Xuân. Giá cả cũng đa dạng, “quần áo” đẹp, màu sắc sặc sỡ, may kiểu cách thì đắt. Áo tứ thân, quần gụ thì rẻ. Người nghèo khi đi chợ Tết, chẳng những phải tiết kiệm tiền mua cá, mua thịt, mà phải tiết kiệm cả tiền mua quần áo “giấy” cho người thân ở thế giới bên kia. Lang thang qua hàng mã thấy vắng vẻ, tôi mới đùa cô bạn đi cùng là chẳng thấy mấy người trần vào mua, nhưng người âm thì đứng đầy xung quanh, chen lấn xô đẩy cả vào chúng mình để chờ “hàng” gửi xuống.

Ai dè, tôi vừa dứt câu đùa thì cô bạn bật khóc. Lúc bấy giờ tôi mới nhớ ra là mẹ cô ấy mất sớm.

3. Có thể tôi đã không nhớ tất cả những câu chuyện trên, bởi nó cũng đã xảy ra một hai năm rồi, nhưng đêm trước khi tôi ngồi viết những dòng này, tôi lại mơ thấy bà ngoại tôi, xúng xính trong bộ quần áo mới, vẻ mặt bà rất vui, khác hẳn với vẻ tiều tụy trong những giấc mơ trước. Lần đầu tiên, tỉnh dậy tôi bật khóc khi nhớ tới câu nói của bà: “Tao chết, chúng mày không gửi quần áo thì thôi”.

Thiếu Phương

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm