'Phục dựng' văn học du ký

20/04/2017 07:43 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - PGS -TS Nguyễn Hữu Sơn (Viện Văn học) vừa tiến một bước dài với thể loại văn học du ký khi tổng hợp các bài viết của"chuyên gia bèo hoa dâu" Nguyễn Công Tiễu để xuất bản cuốn Du lịch châu Âu - Hội chợ Marseille - Đấu xảo quốc tế Paris.

Dày 236 trang, cuốn sách không chỉ kể về chuyến sang Pháp dự Hội chợ Marseille của Nguyễn Công Tiễu giai đoạn đầu thế kỷ XX. Xa hơn, theo PGS Sơn, đây còn là một công trình có giá trị về văn hóa, khi tác giả trải nghiệm đời sống xã hội phương Tây và có sự so sánh với hoàn cảnh Việt Nam thời đó để mở ra nhiều tư tưởng canh tân tiến bộ.

* Nghĩa là, theo ông, "chuyên gia bèo hoa dâu” Nguyễn Công Tiễu cũng có đóng góp không nhỏ cho văn hóa, văn học Việt đầu thế kỉ XX?

- Khác với các quan chức “đi Tây” chỉ cưỡi ngựa xem hoa, đảo vài món đồ mang về, Nguyễn Công Tiễu sang Pháp với tư cách cá nhân nhưng tính tập thể lại cực lớn.

Ông là người tiên phong truyền bá tri thức khoa học tiến bộ cùng văn minh phương Tây đến Việt Nam, chủ yếu thông qua các tờ báo do ông làm chủ bút: tờ Khoa học tạp chí (dành cho đại chúng) và Vệ nông báo (dành cho nông dân). Mọi nghiên cứu của ông đều hướng tới sự đơn giản, dễ hiểu và đặc biệt là phải ứng dụng được.


PGS-TS Nguyễn Hữu Sơn

* Nhưng khoảng thời gian đầu thế kỉ XX là "thời kỳ hưng thịnh" của thể loại du ký, đâu chỉ Nguyễn Công Tiễu là... nhất?

Riêng về hệ thống tác phẩm du ký đến Pháp đầu thế kỉ XX, ta Phạm Quỳnh với Pháp du hành trình nhật kí, Nguyễn Công Tiễu với Du lịch châu Âu - Hội chợ Marseille - Đấu xảo quốc tế Paris. Hoặc tôi cũng vừa hoàn thành bản thảo cuốn Sang tây - 10 tháng ở Pháp, sưu tầm từ 50 kì đăng trên báo Phụ nữ Tân Văn của Phạm Vân Anh.

Còn về du kí trong nước, vào đầu TK XX ta cũng có những tác phẩm, nổi bật như 10 ngày ở Huế của Phạm Quỳnh hay viết về chùa Hương của Nguyễn Háo Đàng.

Nhìn chung, du ký đầu thế kỉ 20 mang bản sắc tự do, tính chất ký giả nhân văn rất rõ đồng thời có sự tổng hợp văn hóa cao. Người viết cực kỳ đề cao tính cộng đồng và suy nghĩ cho đất nước. Các ký giả dám nói lên thực trạng của đất nước một cách rất cụ thể, rõ ràng, đặt vấn đề sâu sắc nhưng không vì thế mà thiếu đi sự tinh tế, thậm chí cái tinh tế còn rất “văn chương”.


Bìa cuốn "Du lịch châu Âu - Hội chợ Marseille - Đấu xảo quốc tế Paris"

* Ông có thể nói thêm về những tác phẩm du ký... thời nay?

Ở thời sau này ta không còn thấy sắc thái cá nhân nữa mà trở thành một sự chung chung, đều đều giữa các tác phẩm. Thời gian gần đây rộ lên những tác phẩm du ký của thế hệ 8x, 9x như Xách ba lô lên và đicủa Huyền Chip, hay những ghi chép của nữ nhà văn Di Li.

Những cuốn sách này theo tôi thấy chủ yếu viết về cảnh vật trời tây, du ngoạn cá nhân, thấy gì kể nấy. Sách chứa đựng vô số những trải nghiệm, à cái tầm về tri thức quảng bác như thời kì trước thì chưa đủ.

* Vậy đâu là nguyên nhân của sự... hụt hơi này, theo ông?

- Vấn đề nằm ở điểm nhìn, ở vai trò chủ thể của tác giả. Nguồn thông tin rất nhiều, quan trọng là họ phải đi đến ngọn nguồn, làm thật sâu thật kĩ thì mới hay. Ai đi qua cũng tả phơn phớt thì chỉ thấy được cảnh đẹp bên ngoài mà thiếu trầm trọng về chiều sâu.

Radar văn hoá ngày 12/07/2013: Văn học du ký

Radar văn hoá ngày 12/07/2013: Văn học du ký

Kính mời quý vị và các bạn theo dõi Radar văn hoá của Thể thao & Văn hóa phát trên sóng Truyền hình Thông tấn - Vnews ngày 12/07/2013 với chủ đề: Văn học du ký.


Các tác phẩm du ký đòi hỏi một chiều sâu về nhận thức và tổng hợp, để hiểu cả nước ngoài cũng như tình hình nội bộ trong nước mình. Các bậc tiền bối từ đầu thế kỉ XX đâu có nguồn thông tin phong phú như hiện nay, vậy mà họ có sự so sánh và nghiên cứu rất sâu sắc.

* Cuối cùng, ông có thể chia sẽ một chút về việc biên soạn, sưu tầm các tác phẩm du ký của mình?

-  Tôi chỉ đơn thuần vì mong muốn khôi phục thể loại này.Và thời giantooi, tôi vẫn muốn tiếp tục hành trình tìm tòi, phục dựng những tác phẩm có giá trị để truyền đến cho bạn đọc, từ đó làm sống lại hơi thở thời đại của một thời kỳ đáng nhớ trong lịch sử dân tộc.

* Xin cám ơn ông về cuộc trò chuyện.

"Chuyên gia bèo hoa dâu" Nguyễn Công Tiễu

Nhà khoa học - nhà báo Nguyễn Công Tiễu (1892-1976) tốt nghiệp Cao đẳng Nông Lâm (1912) và là người Việt Nam duy nhất trong Hội đồng khảo cứu về khoa học Đông Dương. Ông là nhà khoa học chuyên nghiên cứu về nông nghiệp hàng đầu ở Việt Nam - từ thời Pháp thuộc tới thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Đặc biệt, ông chuyên tâm nghiên cứu về bèo hoa dâu và có nhiều công trình, bài viết về loài thực vật rất hữu ích này với nhà nông nên được mệnh danh là "chuyên gia bèo hoa dâu".


Hà My
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm