“Phục dựng” sư tử máy của Da Vinci

15/07/2009 16:13 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Sau gần năm thế kỷ, con sư tử bằng máy huyền thoại của Leonardo Da Vinci - một thách thức đối với các nhà khoa học suốt nhiều thập niên qua - lại cất bước. Đó là cỗ máy do nhà thiết kế thiết bị tự động Italia Renato Boaretto tạo ra dựa theo phác họa sơ bộ của danh họa bậc thầy thời Phục hưng.

Da Vinci thiết kế sư tử máy vào năm 1517 dựa theo một bản phác họa sơ bộ do ông vẽ ra. Gần 500 năm sau, Renato Boaretto (66 tuổi) đã làm lại cỗ máy đó theo đúng kích thước, sử dụng các phép tính và phác họa có từ thế kỷ 16.


Renato Boaretto trong xưởng thiết kế của mình

Con sử tử máy này dài 1,9m, cao 1,3m và trông rất thân thiện. Nó có thể đi lại, xoay đầu, vẫy đuôi và há miệng. Da Vinci “đẻ” ra con sư tử máy này vừa để chứng tỏ năng lực của mình, vừa nhằm làm vui lòng Vua Pháp Francois I. “Cỗ máy sư tử” của Boaretto hiện được trưng bày tại triển lãm về Da Vinci ở Chateau Du Clos Luce, Amnoise, bên dòng Loire (Pháp), nơi nghệ sĩ thiên tài người Italia sống ba năm cuối đời và tạ thế vào năm 1519.

Ngoài cuộc triển lãm kể trên, ông Francois Saint Bris, Chủ tịch của Chateau Du Clos Luce và Parc Leonardo Da Vinci, cũng có kế hoạch biến ngôi nhà và khu vườn tại Clos Luce thành một công viên chủ đề văn hóa nhằm tôn vinh không chỉ Da Vinci mà còn cả những danh nhân khác ở thời Phục hưng, từ nhà soạn kịch Anh William Shakespeare tới triết gia Italia Niccolo Machiavelli...


Bản phác thảo sư tử máy của Da Vinci

Các tính toán cho sư tử máy của Da Vinci hơi lộn xộn, song dựa vào đó, ông đã tạo ra ít nhất 3 “phiên bản”. Khoảng năm 1509, ông làm ra chú sư tử máy đầu tiên để chào đón Vua Pháp Louis XII chiến thắng trở về. Nó có thể nhấc hai chân sau và chìa tặng một bó huệ tây - biểu tượng hoàng gia của nước Pháp - nhưng không đi lại được. “Chúa sơn lâm đệ nhị”, được Da Vinci thiết kế ngay trước khi ông chuyển tới Clos Luce, có thể đi lại và động đậy đầu. Con sư tử máy này đã chào đón Vua Francois I khi ông tới thăm thành phố Lyon năm 1515. Khi vị vua bước tới và gõ chiếc kiếm vào con sư tử thì lưng nó lập tức mở ra để dâng tặng bó huệ tây. Vua Francois I ấn tượng với cỗ máy này đến mức ông đã mời Da Vinci sang Pháp vào năm sau đó để giữ vai trò họa sĩ, triết gia kiêm kiến trúc sư triều đình. Danh họa bậc thầy Italia đang độ về già được trả 700 đồng crown vàng/năm, một khoản lương hậu hĩnh thời ấy. Ông còn được cấp một căn nhà mới ở Chateau Du Clos Luce và đó là nơi để Da Vinci “suy nghĩ, làm việc và mơ mộng”.

Con sư tử máy mà người ta đang trưng bày ở triển lãm nói trên được làm theo phác họa của “chúa sơn lâm đệ tam” do Da Vinci tạo ra năm 1517. Mặc dù Da Vinci để lại nhiều cuốn sổ và mảnh giấy ghi chép, trong đó có cả bản thiết kế, nhưng không còn giữ được tài liệu mô tả con sư tử có thể di chuyển như thế nào.


Con sư tử được làm theo thiết kế của Da Vinci

“Vấn đề đặt ra cho tôi là phải cố nắm bắt được ý nghĩ của Da Vinci, dựa vào kỹ thuật đã có hay các tính toán để chế tạo những cỗ máy khác. Vấn đề lớn của Da Vinci là ông đã tạo ra cỗ máy quá nặng, khoảng 50-60 kg, mà để nó cử động đầu, đuôi và di chuyển trong không gian hạn hẹp thì cần tới một chiếc mô-tơ có công suất khá mạnh”, Boaretto cho biết. Theo ông, Da Vinci đã giải quyết vấn đề hóc búa đó qua việc gắn kết nhịp nhàng giữa các bánh răng, ròng rọc, dây xích, bánh xe, quả lắc và trục máy. Rõ ràng, Da Vinci đã đi trước thời đại khá xa khi kỹ thuật dùng quả lắc đến đầu thế kỷ 17 mới xuất hiện, còn trục máy - làm cho chân của sư tử có thể chuyển động - thì phải đến thế kỷ 19 mới được phát triển hoàn chỉnh.

Lương Tuấn Vĩ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm