Phim Nhìn ra biển cả và những “cái lạ”

23/04/2010 12:08 GMT+7 | Phim

(TT&VH) - Hôm qua 22/4 bộ phim Nhìn ra biển cả, nói về quãng thời gian 2 năm Bác Hồ dạy học ở trường Dục Thanh, Phan Thiết đã được chiếu ra mắt. Mục tiêu của phim là hướng tới đối tượng khán giả trẻ, do đó hình ảnh Bác Hồ xuất hiện trong phim này sẽ có nhiều điều mới lạ hơn so với những phim trước đây.

Cách thể hiện vai Bác Hồ khá mới lạ

Với tất cả các phim về Chủ tịch Hồ Chí Minh thì cái khó nhất nằm ở khâu tuyển chọn diễn viên sẽ thủ vai Bác Hồ. Nhìn ra biển cả ((kịch bản Nguyễn Thị Hồng Ngát, đạo diễn Vũ Châu, Hãng phim Truyện Hội Điện ảnh VN sản xuất) cũng không tránh khỏi cái khó trên. Việc tuyển diễn viên thủ vai Bác Hồ lúc còn dạy học ở trường Dục Thanh cũng đã trải qua một quá trình khá gian nan. Dù đã có hơn 300 gương mặt cả trong Nam lẫn ngoài Bắc tham gia ứng tuyển, nhưng việc chọn được diễn viên chính không hề dễ dàng.


Diễn viên trẻ Nguyễn Minh Đức (phải), người thủ vai Bác Hồ thời kỳ dạy học
ở trường Dục Thanh. Trong ảnh là một cảnh trong phim

Bởi với vai Nguyễn Tất Thành, yêu cầu của phim là phải chọn được diễn viên nam có vóc dáng cao, gầy, mắt sáng, gương mặt hơi xương (cũng phải có một số điểm tương đồng với vóc dáng và khuôn mặt của Bác lúc còn trẻ). Và Nhìn ra biển cả cũng là phim đầu tiên trong hợp đồng với diễn viên có điều khoản quy định về đền bù toàn bộ thiệt hại kinh tế nếu diễn viên tự ý bỏ vai giữa chừng.

Sau rất nhiều khâu tuyển lựa, cuối cùng vai Bác Hồ được giao cho diễn viên trẻ Nguyễn Minh Đức. Quả thật để vượt qua được cái bóng của nghệ sĩ Tiến Hợi trong Hẹn gặp lại Sài Gòn, cũng là một phim về Bác thời thanh niên, là không dễ cho Minh Đức. Ưu điểm của Minh Đức là sự trong sáng trong cách diễn. Diễn viên có tuổi đời gần với tuổi thật của Bác ở thời điểm ấy, sự thuyết phục về mặt hình ảnh cũng dễ dàng hơn. Nhưng cũng có một số ý kiến cho rằng vai diễn của Minh Đức là... hơi lạ so với những hình dung về hình ảnh Bác Hồ thời trẻ. Diễn viên có ngoại hình và cách diễn hơi mềm dẻo, chưa toát lên được sự nghiêm nghị và quyết đoán trong thần thái cũng như hành động - những điều vẫn thường thấy ở các vai diễn khác về Bác trên phim.

Phải chăng các nhà làm phim muốn mang đến cho khán giả trẻ, như mục tiêu hướng tới của bộ phim, một hình ảnh Bác đời thường gần gũi hơn nên chọn lựa cách diễn cho diễn viên như vậy?

Những cố gắng của đoàn làm phim

“Chấp nhận có một cơ hội làm phim, chúng tôi bị sức ép về tiến độ, về dư luận khi sử dụng tiền Nhà nước, vì đến tháng 4/ 2010 phải xong phim để nộp” - bà Nguyễn Thị Hồng Ngát, Giám đốc Hãng phim Truyện Hội Điện ảnh đồng thời cũng là nhà biên kịch của phim Nhìn ra biển cả - chia sẻ . Thời gian sản xuất của Nhìn ra biển cả là khoảng 7 tháng (từ tháng 9/ 2009 - 4/2010), một quãng thời gian không phải là quá thoải mái để làm một bộ phim lịch sử.

Kinh phí theo như thông báo lúc đầu là 7,2 tỷ đồng. Để dựng được bối cảnh phim như đã thể hiện quả là đoàn làm phim đã có sự cố gắng rất nhiều. Bối cảnh chính của phim được diễn ra vào khoảng những năm 1910 - 1911, thời gian cách nay cũng chưa xa, chính vì thế tính chân thực sẽ là yếu tố phải được đặt lên hàng đầu.

Tính chân thực của bối cảnh mà đoàn làm phim đã dựng là khá tốt, đánh giá trên trên những điều kiện cho phép. Chuyện dựng một bối cảnh có tầm bao quát rộng về các khu phố cũng như các địa danh lịch sử là không thể với một kinh phí quá eo hẹp như trên.

Do đó bối cảnh chính của phim chủ yếu được quay ở Huế, góc quay không rộng để tránh “lấy các bối cảnh không hợp thời”. Hai ngôi trường liên quan đến giai đoạn này của Bác đã được dựng lại khá kỹ càng. Cổng trường Quốc học Huế, nơi Bác theo học, được phục hồi lại theo sử liệu: cổng trường có 2 tầng với 1 gác chuông được treo trên tầng 2, tính chân thực lịch sử khá cao. Trường Dục Thanh - nơi Bác từng dạy học - giờ đã là di tích lịch sử, do đó, đoàn làm phim không thể sử dụng hiện vật và bối cảnh của trường mà phải copy mẫu rồi dựng lại trên một khu đất khác.

Tiếc cho trang phục và giọng nói

Ngoài những cái làm được, giá như đoàn làm phim chú ý hơn nữa ở những chi tiết nhỏ như: phục trang, giọng nói của diễn viên... thì có lẽ tính chân thực của phim sẽ được nâng cao hơn nữa. Không quá xa về thời gian nên sử liệu về trang phục của thời kỳ này vẫn còn đầy đủ. Đoàn làm phim cũng đầu tư trang phục khá tốt khi đặt may hàng loạt phục trang cho các vai từ chính đến phụ, vai quần chúng. Nhưng cũng giống như bối cảnh được dựng lại, giá như quần áo cũng cũ đi một chút sẽ thuyết phục hơn. Từ trang phục của những người lao động nghèo và nông dân cho đến trang phục của các diễn viên đóng vai “nhà giàu” như: bà Hương Bình (NSƯT Thu Hà), ông Hồ Bá Tang (NSƯT Mạnh Cường)... đều quá là lượt phẳng phiu.

Có một điều hơi lạ nữa là tất cả bối cảnh xảy ra của phim cũng như các vai diễn trong phim đều nằm ở miền Trung, nhưng tất cả các diễn viên đều nói giọng Bắc, dù phim vẫn qua quá trình lồng tiếng. Sự lạc giọng này của diễn viên không phải là chuyện xảy ra lần đầu tiên trên phim ảnh, nhưng có một điều đáng tiếc là diễn viên chính Nguyễn Minh Đức là người Nghệ An, cùng quê với Bác, nhưng lợi thế về thổ ngữ của diễn viên đã không được khai thác. Hơn nữa sự lạc giọng của nhiều diễn viên trong phim đôi khi cũng gây cho người xem sự thiếu thuyết phục khi cứ sau một hồi nói toàn giọng Bắc người ta lại chêm vào một vài câu từ mang chất địa phương của miền Trung bằng một thứ giọng lơ lớ.

Việt Anh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm