Phim 'Mất xác': Gửi thông điệp 'nhân - quả'

18/08/2014 08:11 GMT+7 | Phim

(Thethaovanhoa.vn) - Bộ phim chiếu rạp đầu tay Mất xác của Đỗ Thành An đã có suất chiếu chiêu đãi trước khi công rạp chính thức ngày 15/8. Dù vô tình hay hữu ý, phim này đã dùng lại motif “trong rừng trúc” mà đại văn hào Akutagawa Ryunosuke (1892-1927) đã tạo ra trong truyện ngắn cùng tên (Yabu No Naka) năm 1921.

Motif “trong rừng trúc” như sau: Có một vụ giết người và cưỡng bức qua lời kể của nhiều người chứng kiến, trong đó có cả nạn nhân, để cuối cùng không biết đâu là sự thật. Từ hai truyện ngắn Trong rừng trúcRashōmon (Lã sinh môn), đạo diễn Kurosawa Akira (1910-1998) đã làm nên kiệt tác điện ảnh Rashōmon, công chiếu năm 1950. Sau phim này, điện ảnh thế giới đã bước qua một trang mới trong việc cấu thành kịch bản mở; motif này trở thành motif được tự do nghiên cứu, giảng dạy trong vô số trường, học viện điện ảnh. Đã có vô số phim làm lại motif này như The Outrage, Vantage Point, One Night at McCool's, Courage Under Fire, The Usual Suspects, Basic, Hoodwinked!, Anh hùng…

Vô tình “rừng trúc” kiểu Việt

Dù giết người và hiếp dâm kiểu khác, trong bối cảnh khác, nhưng Mất xác vẫn đảm bảo được yếu tố then chốt: sự thật vốn đa diện và không duy nhất. Vì loài người vừa thích sĩ diện vừa thích thêu dệt (một diện mạo khác của sáng tạo), nên khi đối diện với sự thật (cái trần trụi), đa số sẽ tìm cách để kể một sự thật bóng bẩy khác.

Hành trình đi tìm cái xác trong Mất xác được xem là lấy cảm hứng trực tiếp từ vụ án mỹ viện Cát Tường, nhưng qua lăng kính của motif vừa nêu, nó cho thấy việc tìm cái xác đã khó, nhưng để tìm đến sự thật đằng sau càng khó hơn.


Cảnh trong phim Mất xác. Ảnh do đoàn phim cung cấp

Đỗ Thành An tâm sự rằng khi viết Mất xác, anh chưa hề đọc truyện ngắn Trong rừng trúc và cũng chưa xem phim Rashomon. Anh phân trần: “Cái này nói ra giống như tình ngay lý gian, nên tôi sẽ không tìm cách chối bỏ, hay biện minh. Có thể trong quá trình học và đọc, tôi đã vô tình bị ảnh hưởng mà không hề hay biết. Với lại, những vụ án chồng chéo sự thật và sự gian dối ở Việt Nam cũng không thiếu; có sự nghi ngờ về các lời khai trong vụ án mỹ viện Cát Tường là không chân thật, đó có thể là một ví dụ”. Sau này, khi phim chuẩn bị ra mắt, nhận thấy nguồn cội cảm hứng của mình, Đỗ Thành An mới bổ sung chú thích vào générique của phim.

“Mất xác” có gì để xem?

Dù chưa thể so sánh với các phim lớn từng làm lại motif “trong rừng trúc”, nhất là ở cách kể chuyện, nhưng thẳng thắn nhìn nhận thì Mất xác là một phim bi kịch, được sản xuất bởi một ê-kíp làm nghề có đủ sự nghiêm túc. Nó có cùng tần suất về mối ưu tư nhân tình thế thái, giống các phim Cánh đồng bất tận, Lấy chồng người ta… Loạn luân, không chung thủy, tính dục, tái diễn bạo lực với phụ nữ, sự éo le về đạo đức… đã xuất hiện khá nhất quán trong phim này.

Trên poster phim Mất xác xuất hiện một câu: “Không vớt được xác, không thể kết tội giết người”. Thế nhưng xem xong phim thì lại thấy đúng với lời khẳng định của Đỗ Thành An hơn: “Tôi khẳng định lại, tôi lấy cảm hứng từ vụ án mỹ viện Cát Tường, chứ không miêu tả lại vụ án đó. Tôi chỉ lấy cốt lõi và tinh thần của nó để khai thác cho câu chuyện, để gửi gắm thông điệp. Thông điệp đó là: Xác mất có thể tìm lại được, nhưng mất lương tâm, mất tính người thì mất tất cả”.

Như dân gian ta thường nói: “Cha ăn mặn con khát nước”, vượt qua các yếu tố có tính câu khách, Mất xác là một hành trình nhân quả. Sự đam mê xác thịt và thú tính của bác sĩ Sinh không chỉ đẩy ông đến tình huống loạn luận, mà còn đẩy con trai ông vào vết xe đổ khó cưỡng lại. Từ vụ án gây phẫn nộ dư luận, phim đã bước một bước xa hơn vào câu chuyện nhân sinh, nơi sự thật hiếm hoi phải chống lại vô vàn sự giả dối.

Văn Bảy
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm