Phim "Lấy chồng người ta": Bất ngờ vì tính bạo lực

22/09/2012 08:15 GMT+7 | Phim


(TT&VH) - Hôm qua (21/9), phim Lấy chồng người ta (ĐD: Lưu Huỳnh, 115 phút) chính thức ra rạp trên toàn quốc, có lẽ khán giả sẽ bất ngờ về tính bạo lực của nó; cấm người xem dưới 16 tuổi là hoàn toàn đúng. Phim này có thể cũng chia khán giả làm đôi, một bên yêu thích, một bên không, cũng vì cách nó kể chuyện về bạo lực.

Còn nếu nhìn tổng thể, đây là một tác phẩm có nhiều điểm đáng chú ý, ví dụ cách quay phim, dựng phim, cách diễn xuất và cả âm nhạc. Đứng về phía yêu thích, sẽ thấy đây là tác phẩm điện ảnh trọn vẹn của một đạo diễn sâu sắc. Cho dù Lưu Huỳnh nói rằng “không phải là phim nghệ thuật, chỉ là phim rất đời mà thôi”, thì nó vẫn khác biệt, mang đậm dấu ấn tác giả.

85% là cảnh cận

Lâu lâu mới có một phim Việt đạt đến tính biểu cảm cao như phim này, nó đầy tính ẩn dụ, có thể nhận ra từ hình ảnh, góc quay, diễn xuất, âm thanh và ánh sáng. Chất điện ảnh được chắt lọc ngay từ hình ảnh mà phim chọn lựa thể hiện, chứ không quá lệ thuộc vào câu chuyện muốn kể.

Cảnh trong phim Lấy chồng người ta. Ảnh: Vi-Phim

Đầu tiên là việc chọn điểm nhìn cận cảnh, khoảng 85% thời lượng của phim xài cảnh cận, chắc hẳn đạo diễn muốn một câu chuyện đầy tập trung. Mở đầu là cảnh Lụa đứng trần truồng giữa chợ, nhưng quay chủ yếu với khuôn mặt đầy nước mắt, chẳng một lời thoại, mà đè bẹp lên tất cả là thứ âm thanh dằn vặt, chát chúa. Chọn cảnh cận cho suốt phim, vì ngoài câu chuyện bề nổi đầy bạo lực, ba nhân vật chính còn phải ghì giữ trong mình một nội tâm dằn vặt, đau khổ. Nhìn từ góc độ phim trường, chọn lựa này hết sức khó khăn vì làng nổi La Ngà vốn rất đẹp, sức biểu hình cao, nếu không tỉnh táo thì sẽ tham cảnh toàn, hiệu quả tâm lý của câu chuyện sẽ bị chi phối hoặc thay đổi. Hơn nữa, sự bập bềnh của con nước cũng gây khó khăn rất nhiều trong việc đặc tả, quay cảnh cận sẽ rất khổ sở.

Kế đến, phải khen quay phim Tiến Vang đã lột tả xuất sắc ý đồ của đạo diễn. Tự thân những cảnh cận mà anh tạo ra đã làm cho câu chuyện thêm bất thường và ngột ngạt. Nhiều phân đoạn chỉ là những cận cảnh liền mạch với nhau, gây tù túng về tâm lý và thách thức thị giác người xem, vốn quen với sự cân bằng, cần đan xen trung cảnh, toàn cảnh và cận cảnh. Sự ức chế này còn được tôn tạo bởi âm nhạc của Đức Trí, nó giống như tiếng ong vo ve trong óc người nghe. Vài trường đoạn hình ảnh và diễn xuất thành yếu tố phụ cho thứ âm thanh căng thẳng, mệt mỏi đó.

Khát vọng sống

Chất bạo lực cũng là nét riêng biệt của phim này, vốn hiếm gặp trong các phim chiếu rạp của điện ảnh Việt. Ngoài những hành động bạo lực, tính bạo lực còn đến từ hoàn cảnh sống và tâm lý bất thường của các nhân vật. Lụa (Y Nhung) vì yêu chồng mà phải ngoại tình để có con; Khánh (Huy Khánh) vì yêu vợ và vì chút sĩ diện đàn ông mà đành câm lặng làm cha, dù đôi lúc muốn bỏ đi; Linh (Thái Hòa) vì chút tình cũ mà cho con, rồi “ngựa quen đường cũ” và ghen tị.

Bi kịch ở đây không đến từ riêng ai và cũng không chừa một ai, nhưng chung quy chỉ vì khát vọng sống. Vì suy cho cùng, cả ba đều rất yêu thương Phúc, đứa bé do cả ba “góp sức” sinh ra, dù cách thức sai quấy và cách ứng xử có thể bệnh hoạn. Rõ ràng trên cái làng nổi này, người ta có thể hy sinh mọi thứ, ngay cả hạnh phúc và nhân phẩm của mình để có tương lai, mà chưa biết có tốt đẹp hơn hay không. Thông điệp này trở thành cứu cánh để người xem có thể cảm thông với hoàn cảnh sống bất thường của nhân vật.

Bộ phim cũng được đạo diễn kể khá đặc biệt, nó dường như là chuyện riêng của ba người, “nhân” sinh ra ở đâu thì “quả” kết thúc ở đó. Nó cũng như cuộc đời rộng lớn ở bên ngoài, với nhiều trái ngang mà đâu phải lúc nào cũng có thể dùng tình lý là giải quyết được. Khánh muốn báo công an về hành vi sai quấy của Linh, nhưng Lụa lại can ngăn, vì dù sao đó “cũng là người ân của mình”. Cái vòng luẩn quẩn và bế tắc của câu chuyện đã kết thúc để ngỏ, nơi người phụ nữ cam phận và chịu đựng đã vùng lên, với ước muốn gìn giữ tương lai.

Một điểm nổi bật nữa là khả năng diễn xuất tài tình của Thái Hòa, thuộc vai cương, nhưng trong mỗi hành động anh đều biết tiết chế và sáng tạo để nhân vật “không bị làm quá”. Linh là vai diễn quái dị, vốn chỉ gặp trong dòng phim bạo lực tâm lý mà nhiều đạo diễn quốc tế đeo đuổi. Chính cách tiết chế của Thái Hòa, cộng với những yếu tố như đã đề cập, Lấy chồng người ta là một phim sâu sắc, rất đáng xem, nếu nhìn từ góc độ nghề nghiệp.

Văn Bảy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm