Phiên tòa ở Nuremberg

12/10/2016 20:41 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Nhân kỷ niệm 70 năm Phiên tòa Nuremberg lịch sử, bộ phim cùng tên sẽ được chiếu tại Salon điện ảnh Saigon vào đúng ngày 1/10/2016, lúc 19g00 tại 19b Phạm Ngọc Thạch, Q.3.

Từ lịch sử…

Ngay sau khi kết thúc Thế chiến thứ 2, một phiên toà đặc biệt do bên chiến thắng (lực lượng đồng minh) tổ chức ở Nuremberg (Đức) để xét xử các cá nhân và tổ chức của chế độ Đức Quốc xã bị cáo buộc phạm tội ác chiến tranh.

Phiên toà ở Nuremberg xét xử 4 loại tội trạng: Lập kế hoạch, khởi động và gây chiến tranh xâm lược. Tội ác chống hoà bình, Tội ác chiến tranh… và lần đầu tiên trong lịch sử xuất hiện một tội danh mới: Tội ác chống nhân loại.

Bốn nước Mỹ, Anh, Pháp, Liên Xô, mỗi nước cử một Chánh án và một Phó Chánh án. Ngoài ra còn có sự tham gia của các Thẩm phán đại diện cho 17 nước Châu Âu có liên can đến Thế chiến thứ 2, cùng với hàng triệu trang tài liệu, hồ sơ, phim ảnh và các nhân chứng sống… Ngày 18/10/1945 phiên toà bắt đầu, và kéo dài trong suốt một năm, và kết thúc vào ngày 1/10/1946 với bản án lệnh dài 250 trang đã được tuyên (phải đọc từ ngày 30/9/1946).

Dù còn rất nhiều sơ sót và gây tranh cãi, nhưng Phiên toà ở Nuremberg đã đi vào lịch sử nhân loại, như một minh chứng cho quyết tâm bảo vệ và tôn trọng luân lý, đạo đức và những quyền tối thiểu của con người, dù cho đó có là chiến tranh đi chăng nữa. 


Poster phim "Judgement at Nuremberg"

… đến phim

Giữa thập niên 1950 đến thập niên 1960 là kỷ nguyên bùng nổ của truyền hình tại Mỹ với những chương trình có nội dung rất phong phú và có chất lượng cao. Trong số đó phải kể đến loạt phim Playhouse 90 của kênh CBS rất ăn khách và kéo dài từ 1956 đến 1960, tổng cộng 133 tập (60 phút) với nhiều chủ đề khác nhau, trong đó tập 28, Judgement at Nuremberg (Phiên toà ở Nuremberg), phát sóng mùa thứ ba 1959, là một trong những tập được nhiều khán giả yêu thích.

Ngay lập tức, Hãng United Artists liên hệ với nhà biên kịch Abby Mann để chuyển thể Judgement at Nuremberg của ông, thành kịch bản điện ảnh với kinh phí lớn. Stanley Kramer, một tên tuổi đang lên ở Hollywood được mời làm sản xuất và đạo diễn. Lúc kịch bản hoàn tất dự kiến phim dài đến hơn 3 giờ.

Khi thấy Hãng phim có vẻ ngần ngại vì chủ đề nặng nề mà thời lượng lại quá dài, sợ khó thu lại 3 triệu USD kinh phí sản xuất. Để làm tăng sự ủng hộ của Hãng phim và phát hành, Stanley Kramer đã đảm bảo sẽ quy tụ được một dàn diễn viên tên tuổi, để đẩy mạnh quảng bá cho bộ phim. Một thử thách nữa đối với khán giả, là Kramer và các nhà làm phim quyết định quay phim này đen trắng để bộ phim mang phong cách tài liệu và chân thật hơn.  

Quay phim toà án không dễ chút nào

Ban đầu Stanley Kramer muốn quay tại địa điểm thật, nơi đã từng diễn ra phiên toà ở Nuremberg. Nhưng chỗ này lại đang hoạt động rất bận rộn, không phù hợp với lịch trình quay phim. Ông đành phải cho dựng lại một mô hình giống hệt nhưng với kích thước nhỏ hơn để phù hợp cho việc quay phim.

Phần ngoại cảnh chiếm 15% thời lượng của phim, và nó đã được quay ở chính Nuremberg và Berlin. Thật may mắn là thời điểm quay phim này diễn ra, khi nước Đức đang trong quá trình tái thiết lại sau chiến tranh, nên vẫn còn khá nhiều những tàn tích chưa dọn dẹp xong… rất phù hợp với không khí của bộ phim.

Để phá vỡ sự đơn điệu thường thấy trong những bộ phim về toà án. Stanley Kramer quyết định cho máy quay chuyển động theo diễn viên, điều này không hề dễ dàng và không phải lúc nào cũng đúng như dự tính vì bối cảnh trong trường quay khá hẹp. Có những lúc ông cho máy quay chuyển động 360 độ xoay quanh diễn viên, phải tập đi tập lại rất nhiều lần khiến cả đoàn phim phải khốn khổ với đống thiết bị và dây cáp khổng lồ.

Diễn viên cũng chẳng sung sướng gì, khi bị hàng chục ngọn đèn cao áp chĩa vào trong không gian chật hẹp, mà cứ phải tập đi tập lại khiến họ mồ hôi nhễ nhại, thở không ra hơi. “Tôi thấy mình mới là kẻ có tội phải xử ở phiên toà này”, Kramer đã nói vui như vậy nhiều năm sau bộ phim.

Ngôi sao lớn… và kẻ vô danh  

Với uy tín đang lên của Stanley Kramer, và một kịch bản đầy lý tưởng dành cho diễn xuất, bộ phim đã quy tụ được một dàn diễn viên hùng hậu phải nói là bậc nhất trong số các bộ phim của đầu thập niên 1960. Spencer Tracy, Burt Lancaster, Richard Widmark, Marlene Dietrich, Montgomery Cliff, Judy Garland…

Và điều quan trọng nhất, nhiều ngôi sao trong số này chỉ nhận mức thù lao dưới mức bình thường, do họ nhận thức được chủ đề quan trọng của bộ phim. Nhà biên kịch Abby Mann thậm chí còn nói vui rằng, với dàn ngôi sao này thì đạo diễn Kramer chả cần phải chỉ đạo diễn xuất, cứ để họ tự làm theo bản năng là đủ.

Ngôi sao hàng đầu của bộ phim là Spencer Tracy trong vai Chánh án Dan Haywood. Ông nhận đóng phim này khi tuổi đã xế chiều, với bệnh thận và nhiều vấn đề trầm trọng khác về sức khoẻ, do ông mắc chứng nghiện rượu lâu năm.

Tracy đồng ý đến Đức để quay ngoại cảnh – trong khi Burt Lancaster thì từ chối – và khi về studio ở Mỹ, ông cũng là người làm việc hăng hái nhất trong số các ngôi sao. Người tình của Tracy, ngôi sao Katharine Hepburn đã ở bên ông trong suốt thời gian này để săn sóc.

Nỗi sợ hãi lớn nhất của Tracy, và ám ảnh đạo diễn Kramer là Tracy không thể nhớ được lời thoại. Kramer phải sắp xếp một lịch quay đặc biệt sao cho Tracy chỉ làm việc đến 5 giờ chiều, để cho ông có thêm thời gian nghỉ. Tuy vậy, Tracy rất yêu thích kịch bản này đến mức, ông không muốn cắt bỏ một lời thoại nào, thậm chí ông còn thuộc cả thoại của các nhân vật khác. Bất cứ ngôi sao nào diễn cùng với ông mà sai thoại là ông chỉ mặt ngay.

Một lần nọ, Tracy phát hiện ra Marlene Dietrich âm thầm đưa cho bạn mình là đạo diễn Billy Wilder viết lại lời thoại vai diễn của bà. Tracy phàn nàn điều này với nhà biên kịch Abby Mann khiến anh này giận dữ. Đến khi Marlene bước vào phim trường trên tay cầm phần kịch bản đã được đánh dấu “thay đổi chút ít”, Abby Mann lập tức xé nó ngay tại chỗ và yêu cầu Marlene ra ngoài học lại kịch bản của anh.

Sự việc này khiến Tracy nổi giận với Abby Mann vì anh làm mất mặt Marlene trước mặt cả đoàn phim… nhưng nó cho thấy Tracy thiết tha với kịch bản này như thế nào.

Trong phim có một trường đoạn Tracy phải độc diễn lời thoại trong suốt 14 phút, và Tracy chấp nhận thử thách lớn nhất: Quay liền một mạch không cắt cảnh. Ngày quay đó là ngày khiến cả phim trường Universal khẩn trương, vì tập trung nhiều diễn viên ngôi sao, và các nhà điều hành hãng phim.

Đạo diễn Kramer biết rằng ông sẽ không có cơ hội quay lần hai, nên đã tập dượt rất kỹ với hai máy quay đặt hai góc khác nhau… và trong sự nín thở của mọi người, Tracy đã hoàn tất chỉ trong một lần quay, trong sự reo hò và tán thưởng của cả trường quay.

Trong số các ngôi sao lớn tham gia phim này thì diễn viên Đức gốc Áo, Maximilian Schell đóng vai luật sư bào chữa Hans Rolfe, là một kẻ vô danh. Ông được chọn vì đã đóng xuất sắc vai này trong phiên bản truyền hình Playhouse 90. Stanley Kramer đã phá lệ chọn diễn viên truyền hình sang đóng điện ảnh, mà lại còn lập lại vai diễn của mình – một điều hiếm khi xảy ra ở Hollywood.

Chính Spencer Tracy khi xem Maximilian Schell diễn đã phải quay sang nói với diễn viên Richard Widmark: “Chúng ta phải chú ý đến chàng trai trẻ này, cậu ta diễn hay thật. Cậu ta sẽ ẵm tượng vàng Oscar với phim này cho xem”.

Và điều đó đã xảy ra đúng như dự đoán của Tracy. Năm 1961, bộ phim Judgement at Nuremberg đã được đề cử 11 giải Oscar, trong đó có tới 2 đề cử Nam diễn viên xuất sắc cho Spencer Tracy và Maximilian Schell. Schell đã ôm được tượng Oscar danh giá về nhà, với vai diễn lớn đầu tiên khi tên tuổi chưa mấy ai biết. Giải Oscar kia trao cho Abby Mann với giải Kịch bản chuyển thể.

Bộ phim Judgement at Nuremberg có buổi ra mắt quốc tế lần đầu tại Đức, mặc dù phim hoàn toàn chìm nghỉm tại đây, do phần lớn người Đức vẫn còn cảm thấy tủi hổ với sự kiện này. Nhưng bộ phim lại thành công lớn tại Mỹ và các nước khác với doanh thu tổng cộng 10 triệu USD - một thành công không tưởng, với chủ đề khô khan và độ dài 3 giờ của nó. Giờ đây, Judgement at Nuremberg đã trở thành một kiệt tác kinh điển.

Bá Vũ
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm