PGS.TS Phạm Trung Lương: Du lịch còn nhiều vấn đề đáng quan tâm hơn chuyện Đại sứ

03/05/2014 07:11 GMT+7 | Văn hoá


(Thethaovanhoa.vn) - Sau khi Đại sứ Du lịch (ĐSDL) Lý Nhã Kỳ kết thúc nhiệm kỳ đầu tiên, Bộ VH,TT &DL vẫn chưa thể tìm ra ĐSDL mới. Hiện đã xuất hiện nhiều ứng viên ứng cử nhưng vẫn chưa thể đi đến quyết định cuối cùng. PGS.TS Phạm Trung Lương, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Du lịch, trao đổi với TT&VH Cuối tuần xung quanh câu chuyện nan giải này.

* Vừa qua, theo lời mời của Cục Hợp tác quốc tế, diễn viên Lục Tiểu Linh Đồng - ngôi sao phim Tây Du Ký, đã có mặt tại Hội chợ Quốc tế du lịch Việt Nam 2014. Sau đó ngôi sao này bày tỏ nguyện vọng được làm ĐSDL cho Việt Nam tại Trung Quốc. Người dân khá bất ngờ, không hiểu cơ duyên gì khiến ngôi sao này ra quyết định như vậy. Ông đánh giá thế nào về việc mời người nước ngoài làm ĐSDL?

- Trường hợp Lục Tiểu Linh Đồng đến Việt Nam, cá nhân tôi khi đến hội chợ mới biết.

Về việc lựa chọn ĐSDL, có thể chọn cả người nước mình và người nước ngoài. Tuy nhiên, nên là người của nước mình thì tốt hơn, vì đã là đại sứ tầm quốc gia thì phải hiểu về quốc gia của mình. Việc chọn đại sứ người nước ngoài sẽ gây ra những thắc mắc, rất có thể người nước ngoài sẽ hỏi vì sao một quốc gia lại không thể chọn ra cho mình một đại sứ, lại phải mời người nước ngoài làm. Bản thân người dân trong nước cũng thắc mắc cớ gì không để người trong nước làm? Nhưng nói điều đó không có nghĩa là không có ĐSDL người nước ngoài nhé, trong những trường hợp cụ thể vẫn cần.


PGS.TS Phạm Trung Lương

* Sau khi có ĐSDL đầu tiên (diễn viên Lý Nhã Kỳ), có vẻ cho đến thời điểm hiện tại chúng ta vẫn cứ lúng túng về vấn đề chọn ĐSDL. Ông nói nguyên nhân là vì chúng ta chưa có hệ thống tiêu chí chuẩn, vậy theo ông ĐSDL cần có những tiêu chuẩn gì?

- Thứ nhất ĐSDL phải hiểu biết về đất nước, lịch sử, văn hóa, thiên nhiên, con người... Việt Nam. Khi người ta hiểu tường tận thì mới có thể chuyển tải thông điệp của nước mình tới đất nước khác. Thứ hai ĐSDL phải làm với tất cả trách nhiệm. Tiêu chí này hơi khó định lượng nhưng rất quan trọng. Vì khi anh làm không có trách nhiệm thì rất có thể sẽ làm lệch lạc hình ảnh của đất nước. Thứ ba ĐSDL phải là người nổi tiếng, có uy tín. Ví dụ với người Pháp khi nói đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp ai cũng biết. Ở Việt Nam, nhắc đến Cuba là mọi người đều biết Chủ tịch Fidel Castro. Đó là những con người có sức ảnh hưởng to lớn, là hình ảnh của quốc gia nên bất kỳ thông điệp nào họ truyền đi cũng có giá trị hơn. Nói vậy để thấy tầm quan trọng của những người nổi tiếng. Ngành du lịch phải biết chọn từng gương mặt thích hợp cho từng thị trường mình nhắm tới. Thứ tư ĐSDL hướng tới quốc gia nào thì phải giỏi ngôn ngữ quốc gia đó. Họ phải có kỹ năng để truyền đạt được thông điệp nữa. Thứ năm là có yếu tố ngoại hình ưa nhìn thì sẽ dễ thuyết phục hơn.

Tôi thấy chúng ta chưa có tiêu chí lựa chọn ĐSDL một cách rõ ràng. Việc lựa chọn ĐSDL chưa minh bạch, nên cứ khi lựa chọn cái gì là lại dấy lên tranh cãi.

* Như ông nói thì nên có ĐSDL cho từng thị trường chứ không phải “một cho tất cả”?

- Đúng thế, cần có ĐSDL cho thị trường từng nước mà ta nhắm tới, chứ chắc chắn không thể dùng một ĐSDL cho tất cả các thị trường. Ví dụ như các ngôi sao Hàn Quốc rất nổi tiếng ở châu Á, họ có thể làm ĐSDL của Hàn Quốc nhắm tới thị trường các nước châu Á, nhưng ở châu Âu thì chưa chắc nhé.

Trong việc xúc tiến quảng bá du lịch của ta, có một lỗi rất thiển cận, đó là không nghiên cứu kỹ các thị trường. Người ta thích Coca Cola mình lại mời nước lọc là thất bại rồi. Phải nghiên cứu biết người ta thích gì thì mới mời chào được sản phẩm thích hợp và kinh doanh hiệu quả chứ.

* Trong lần quyết định chọn ĐSDL Lý Nhã Kỳ, cơ quan chọn đã nhấn mạnh đến khả năng tự chi trả của cô ấy trong công tác xúc tiến quảng bá du lịch. Đến lần này, mời Lục Tiểu Linh Đồng, người ta cũng nhấn mạnh đến việc ông ấy sẽ làm tình nguyện không đòi hỏi bất cứ khoản kinh phí nào. Ông nghĩ sao về việc này?

- Phải xác định thế này, ĐSDL chỉ là một kênh xúc tiến quảng bá. Khi làm xúc tiến quảng bá thì phải bỏ tiền đầu tư chứ, tại sao lại bắt ĐSDL phải trả tiền. Malaysia một năm chi 180 triệu USD cho hoạt động xúc tiến quảng bá, Thái Lan là 10 triệu USD, Việt Nam là 2 triệu USD. So với họ số tiền mình bỏ ra thấp thật đấy, nhưng không vì thế không thể bớt một phần nhỏ cho hoạt động của ĐSDL. Ừ thì các ĐSDL nào có lòng tình nguyện bỏ tiền ra thì ta ghi nhận. Nhưng mình nên trả tiền cho các hoạt động của người ta, như thế mới là tôn trọng họ, và cũng là cách để gắn trách nhiệm cho họ.

* Trong tiêu chuẩn chọn ĐSDL Việt Nam có đặt ra yêu cầu: “Có khả năng vận động tài chính từ những nguồn lực xã hội phục vụ cho công tác xúc tiến và quảng bá du lịch Việt Nam”. Theo ông đặt lên vai ĐSDL trách nhiệm này có hợp lý không?

- Trách nhiệm quan trọng nhất của người đại sứ là chuyển tải thông tin của đất nước mình đến đất nước khác, để lôi kéo khách du lịch nước khác đến nước mình. ĐSDL nào có khả năng vận động tài chính thì càng tốt, nhưng không nên đặt nhiệm vụ này cho họ.


Sau Lý Nhã Kỳ, chiếc ghế Đại sứ Du lịch vẫn đang bỏ trống

* Nhiệm kỳ của ĐSDL Lý Nhã Kỳ được đánh giá là thành công, nhưng năm 2013 không có ĐSDL ngành du lịch vẫn tăng trưởng ngoạn mục. Phải hiểu thế nào về kết quả này đây thưa ông?

- Muốn biết có hiệu quả hay không thì phải có điều tra, có căn cứ. Lấy ví dụ tại thị trường du lịch A, khi chưa có ĐSDL, tăng trưởng 5%, đến nhiệm kỳ của ĐSDL Lý Nhã Kỳ tăng 7%. Muốn biết mức tăng này có nhờ Lý Nhã Kỳ hay không thì phải làm bảng hỏi các khách du lịch. Chỉ cần đặt một câu hỏi đơn giản thế này thôi, bạn biết đến Việt Nam qua kênh nào: internet, sách báo, ti vi, bạn bè, qua ĐSDL Lý Nhã Kỳ? Tổng kết, nếu 70% trả lời là biết tới Việt Nam qua Lý Nhã Kỳ thì có thể khẳng định mức tăng 2% là nhờ cô ấy. Quay lại việc chúng ta bỏ 2 triệu USD để thực hiện xúc tiến quảng bá du lịch. So với nước ngoài ít thật đấy, nhưng nếu biết làm vẫn hiệu quả. Vấn đề hiệu quả tới đâu thì không ai biết vì chẳng có đánh giá nào dựa trên số liệu, hoàn toàn thiếu căn cứ khoa học, thiếu chuyên nghiệp.

* Xin hỏi thật, ngành du lịch cần ĐSDL đến mức nào?

- Không nên vội kết luận là cần hay không cần ĐSDL. ĐSDL chính xác chỉ là một trong nhiều hình thức xúc tiến quảng bá thôi, chứ không phải là tất cả trong câu chuyện của ngành du lịch. Nếu ta làm tốt từng kênh sẽ tạo ra sức mạnh chung cho du lịch.

Thời gian qua mọi người đặt vấn đề ĐSDL lên cao quá, kỳ vọng nhiều quá.

* Ông có nghĩ rằng việc tuyển chọn ĐSDL vừa qua cũng là cơ hội để cho một số cá nhân đánh bóng hình ảnh?

- Hoàn toàn đúng, chính xác là như thế đấy.

* Tôi thấy ở đây có một vấn đề, ngành Du lịch phải là ngành biết mình muốn gì cần gì nhất thì lại không được quyền chọn ĐSDL cho mình, việc này được trao cho cơ quan khác.

- Tổng cục Du lịch có được tham gia lựa chọn ĐSDL hay không, tôi không biết. Trong quản lý Nhà nước có chút trái khoáy thế này. Khi Tổng cục Du lịch nhập về Bộ VH,TT&DL thì hoạt động xúc tiến quảng bá chia thành hai mảng xúc tiến trong nước và xúc tiến nước ngoài. Xúc tiến nước ngoài được Bộ giao cho Cục Hợp tác quốc tế, còn Tổng cục Du lịch chỉ lo xúc tiến trong nước. Câu chuyện này đã nói quá nhiều rồi, Cục Hợp tác quốc tế đâu có chuyên về du lịch mà lại phải làm về du lịch. Hiệu quả đến đâu, có ai đánh giá đâu.

* Du lịch Việt Nam có quá nhiều vấn đề còn đáng quan tâm hơn cả chuyện ĐSDL?

- Chúng ta được Trời cho nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp, văn hóa đa dạng, có nhiều di sản văn hóa, và thiên nhiên được thế giới công nhận. Sức hấp dẫn về du lịch phải nói là rất lớn, nhưng chúng ta chưa biết cách làm du lịch.

Vấn đề lớn của ngành hiện nay là phát triển nguồn nhân lực. Hiện có nhiều cơ sở đào tạo nhưng đều nhỏ lẻ và chương trình đào tạo không thống nhất. Chưa có trường đại học du lịch nào. Chúng ta cũng có chiến lược phát triển nguồn nhân lực cho du lịch nhưng là để đấy thôi. Các doanh nghiệp vẫn phải tự đào tạo nhân lực.

Nói đâu xa, những chuyến ra nước ngoài để học hỏi, những người nghiên cứu để về tham mưu chính sách chẳng bao giờ được đi. Những câu chuyện chúng tôi nói không lọt tai những người tiêu tiền.

Năng lực quản lý yếu, dịch vụ kém nên khách đến Việt Nam luôn ở lại ngắn ngày và tiêu tiền ít hơn. Việc phối hợp giữa các ngành rất yếu. Riêng giá vé máy bay nội địa còn đắt hơn cả nước ngoài thì sao có thể cạnh tranh. Rồi còn rất nhiều chuyện chặt chém khách ở địa phương, gây ảnh hưởng đến hình ảnh Việt Nam rất nhiều.

Trong thời khủng hoảng kinh tế, mà du lịch vẫn rất phát triển, chứng tỏ ngành này rất có niềm năng. Nhưng làm du lịch rất khó, đòi hỏi phải có cả tâm lẫn tầm.

Ngọc Diệp (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm