Ông Ngô Hòa, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế: Ghế tôi cũng "nóng" đấy nhỉ...

25/03/2012 09:07 GMT+7 | Văn hoá


(TT&VH) - Đây là lần thứ 4 (2006, 2008, 2010) ông Ngô Hòa làm Trưởng BTC Festival Huế. Ông Hòa hóm hỉnh rằng cái ghế này rất “nóng”. Năm nay càng nóng khi Festival Huế  được coi là điểm nhấn, là hoạt động trọng tâm gắn liền với Năm du lịch QG các tỉnh duyên hải Bắc trung bộ- Huế 2012, Huế cũng đang muốn làm “hình ảnh” để hướng tới được công nhận thành phố trực thuộc trung ương. Dưới đây là bài phỏng vấn của TT&VH với ông Hòa khi Festival Huế 2012 đang lan tỏa khắp cố đô.

Một Festival đặc biệt


Đây là lần thứ 4 ngồi “ghế nóng” Trưởng BTC Festival nên ông Ngô Hòa tự tin mình sẽ góp phần điều hành để Festival 2012 thành công rực rỡ

* Festival Huế 2012 đang sắp bước vào giờ G. Là người ngồi ghế Trưởng BTC nhiều lần nhất, tâm trạng của ông thế nào?

- Nếu nói về tâm trạng, thì lạ lắm.  Ăn, ngủ, nói chuyện với bạn bè hay bất cứ hoạt động gì tôi cũng bị ám bởi Festival. Tôi có mơ ước: trên cơ sở tài nguyên văn hóa mà tạo hóa ban tặng cho mảnh đất này, làm sao để Festival Huế 2012 phải mới, phải là lễ hội mới. Để tạo được sự đặc biệt cho Festival không phải chuyện đơn giản. Tôi rất vui khi những gì mình nói, suy nghĩ về Festival cơ bản được dư luận, bạn bè quan tâm, theo dõi, động viên, và cũng háo hức chờ đợi  những cái mới sẽ diễn ra. Có được sự đồng hành với mình thì rất phấn khởi. Đấy cũng là động lực tiếp thêm sức mạnh với cá nhân tôi. Tất nhiên, trong công việc có cái tập thể lãnh đạo, nhưng  với tư cách cá nhân  tôi nghĩ mình đã “chiến đấu” hết mình vì sự thành công của lễ hội này. Tôi tin Festival 2012 sẽ thành công, nếu như thiên thời, địa lợi ủng hộ. Nhân thì đã “hòa” rồi.

* Đâu là sự khác biệt, hay là cái mới mẻ như ông kỳ vọng sẽ tạo nên sự đặc biệt của Festival Huế năm nay?

- Bất cứ lễ hội nào thành công, đều  phải có sự hòa hợp giữa cái mới và cũ. Hay nói cách khác, phải kế thừa, nâng cấp  được những tinh túy của cái cũ, cái mới phải phù hợp với thị hiếu thẩm mĩ số đông, đặc biệt tính thời sự cao.

Một điều cực kỳ quan trọng là không gian diễn xướng thế nào vừa tôn vinh được  những giá trị văn hóa phi vật thể đặc sắc được nghệ thuật sân khấu hóa, vừa tạo điều kiện cho cộng đồng cũng như du khách thưởng thức, chạm được vào trái tim họ. Đặc biệt, chúng tôi còn đưa các chương trình nghệ thuật quốc tế về các thị trấn, huyện lỵ, bệnh viện trung ương Huế, phục vụ các bệnh nhân, chiến sỹ, công nhân…để người dân biết nghệ thuật phương tây và quốc tế thế nào.

Nối tiếp những giá trị

- Festival là những chuỗi dài nối tiếp. Một số chương trình đã đọng lại trong lòng du khách ấn tượng thì năm nay vẫn được tiếp tục. Ví dụ Đêm Hoàng Cung là một chương trình nghệ thuật gắn với lễ hội nhằm tái hiện những vẻ đẹp lung linh của Đại Nội về đêm với quan binh, voi ngựa, thái giám, thị nữ và những chân dung xưa gắn với các công trình kiến trúc, các sinh hoạt văn hóa trong các cung điện Huế xưa.

Lễ Tế Đàn Nam Giao bắt đầu từ năm 2004 cho đến nay vẫn tiếp tục, sẽ là một trong những lễ hội quan trọng nhất. Đây là lễ tế trời, đất và các vị thần linh quan trọng nhất trong bờ cõi quốc gia. Trong chế độ quân chủ phong kiến ở nước ta, đây là lễ tế quan trọng nhất và được tiến hành hoành tráng, trang trọng nhất (đứng đầu hàng Đại tự).

Đêm phương đông bắt đầu từ năm 2010 cũng sẽ tái hiện. Tôi nhớ chương trình này biểu diễn tước sân điện Thái Hòa lúc nào cũng đông đảo du khách đến theo dõi. Đây là chương trình phô diễn những vẻ đẹp sặc sỡ, lộng lẫy các trang phục của các quốc gia ở châu Á.

Hay “Cuộc thao diễn thuỷ binh thời các chúa Nguyễn” cũng rất hoành tráng và ý nghĩa. Đây là một lễ hội mang đậm sắc thái văn hóa và giàu tính sáng tạo tại Festival Huế,  phô diễn sức mạnh quân sự, kỹ thuật, kỹ năng của thủy binh thời các chúa Nguyễn thông qua tài thao lược của quân binh, tướng sĩ, cũng như việc trang bị, sử dụng những khí tài, khí cụ, thuyền chiến.

Tính thời sự phải được chú trọng. Ví dụ năm 2010, hướng đến 1000 năm Thăng Long- Hà Nội, chủ đề chính là Hành trình mở cõi. Giang sơn thống nhất là cả một hành trình bền bỉ  của bao thế hệ.

Năm nay, trên cơ sở những áng thơ tuyệt tác của tổ tiên được khắc họa trên các công trình trong điện Thái Hòa, với khát vọng hòa bình thịnh trị đất nước nên chúng tôi sẽ có lễ hội mang chủ đề Thiên hạ Thái bình, tiếp nỗi sau Hành trình mở cõi.  Lễ hội được xây dựng từ ý tưởng tôn vinh khát vọng cháy bỏng của cả nhân loại và cũng là của dân tộc Việt Nam, một dân tộc luôn luôn phải đương đầu với họa ngoại xâm trong suốt mấy ngàn năm lịch sử hình thành và phát triển, về một đất nước thống nhất, thiên hạ thái bình, nhân dân no ấm. Lễ hội năm nay sẽ diễn ra trên sông Hương. Vừa tôn vinh sông Hương, không gian lại hợp để diễn tả khung cảnh đất nước thái bình, thịnh trị. Đây cũng  là sự kế thừa, phát triển của các lễ hội từng làm nên danh tiếng của những Festival Huế trước đây như Huyền thoại Sông Hương, Hành trình mở cõi.

Khách sạn 5 sao trên đường Hùng Vương, Huế được đưa vào phục vụ
khách du lịch Festival Huế 2012

* Không gian diễn xướng đóng vai trò cực kỳ quan trọng cho sự thành công của các sản phẩm văn hóa- nghệ thuật. TT-Huế có rất nhiều địa điểm lý tưởng…

- Nhưng cũng phải lựa chọn kỹ không gian mới chuyển tải được thông điệp, mang hơi thở thời sự.  Ví dụ, Quảng trường Ngọ Môn là nơi luôn khai mạc Festival. Năm nay, khai mạc Festival cũng đồng thời khai mạc năm du lịch QG với chủ đề: Du lịch di sản, nên chúng tôi chọn toàn bộ lầu Ngũ Phụng làm cái phông chủ đạo, vì đây là di sản văn hóa vật thể. Có ý cả đấy!

* Festival có nhiều màu sắc và ấn tượng hay không còn phụ thuộc vào các chương trình nghệ thuật nước ngoài. Năm nay, có gì mới không thưa ông?

-  Sẽ có 36 đoàn nghệ thuật quốc tế tham dự. Có những đoàn chúng tôi đăng ký từ năm 2006 nay mới đến Huế được. Hay ở chỗ, họ tự lo kinh phí,  tự tìm tài trợ hoặc Đại sứ quán lo vật chất. Dĩ nhiên, chúng tôi kiểm soát rất kỹ. Tất cả đều phải gửi đĩa trước để mình duyệt, cả danh sách diễn viên. Qua thảo luận trao đổi, thấy ổn mới duyệt. Tôi đảm bảo năm nay lực lượng này sẽ mang đến cho Huế những giây phút tuyệt vời.

* Cứ sau mỗi kỳ Festival, hiệu ứng tích cực nhất mà ông cảm nhận được cho Huế là gì?

-  Du lịch Huế phát triển nhanh chóng hơn. Doanh thu từ 800-900 tỷ lên 1.800 tỷ/năm. Lượng khách đã tăng từ 1,3 triệu lên tới hơn 2 triệu lượt khách. Bên cạnh đó, hệ thống cơ sở phục vụ du lịch tăng nhanh, hệ thống khách sạn 3 sao đến 5 sao đáp ứng được tất cả những hội nghị quốc tế và liên hoan lớn của thế giới. Không chỉ trong thành phố mà một số khu du lịch trọng điểm ở xa cũng được tỉnh đầu tư.

Hướng tới lễ kỷ niệm 37 năm giải phóng thành phố Huế (26/3/1975 - 26/3/2012); Festival Huế 2012 và Năm du lịch quốc gia các tỉnh duyên hải Bắc trung bộ 2012, Thông Tấn xã Việt Nam, Báo Thể thao & Văn Hóa sẽ đồng hành cùng những thành tựu của Đảng bộ và nhân dân Thừa Thiên - Huế.

Du lịch đã trở thành ngành kinh tế trọng điểm bởi hiện nay dịch vụ du lịch của Huế đang chiếm 45% trong tổng sản phẩm GDP của địa phương. Đến năm 2015, dịch vụ và du lịch sẽ chiếm khoảng 50% trong tổng sản phẩm của địa phương. Đây là con số cao nhất so với cả nước. Mặt khác, Festival trước hết là thúc đẩy kinh tế phát triển, thứ hai làm cho người dân có trách nhiệm hơn trong việc giữ gìn các tài sản quý báu, các di sản văn hóa có giá trị của địa phương nói riêng và đất nước nói chung. Và cuối cùng là tạo nên sự kính trọng, ngưỡng mộ của các quốc gia khác khi nhìn về văn hóa Việt Nam. Có nhiều hội nghị, hội thảo  quốc tế cũng đồng hành cùng với Festival. 

Thành phố trực thuộc Trung Ương - Huế có hướng đi riêng

* Việc TT-Huế được chọn tổ chức năm du lịch QG các tỉnh duyên hải Bắc trung bộ cũng là niềm tự hào. Đây cũng là cú hích để TT-Huế bước đi trên hành trình thành phố trực thuộc Trung ương. TT-Huế định đi theo hướng nào, thưa ông?

- Tôi thấy rất phấn khởi, cảm ơn Chính phủ và Bộ VH-TT& DL đã chọn năm  năm du lịch QG tổ chức tại TT-Huế. Chúng tôi đang phấn đấu đưa toàn tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trước 2014. Đến năm 2020, Thừa Thiên Huế xứng tầm là trung tâm đô thị cấp quốc gia, khu vực và quốc tế, một trong những trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học - công nghệ, y tế, giáo dục đào tạo lớn của cả nước, khu vực Đông Nam Á và quốc tế.

Còn Huế  sẽ làm theo cách của mình, không thể làm theo kiểu Đà Nẵng và TP.HCM bởi chúng tôi không có nguồn lực. Thế nên,  hạ tầng đô thị TT-H phát triển theo hướng Thành phố bền vững, là đô thị sinh thái, cảnh quan, di sản, văn hóa và thân thiện với môi trường. Trong đó, nhiệm vụ cụ thể được xác định cho giai đoạn 2011 - 2015 là xây dựng kế hoạch chi tiết đầu tư phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng đô thị, chú trọng các tiêu chuẩn Hệ thống công trình hạ tầng đô thị và tiêu chuẩn Kiến trúc cảnh quan đô thị, phấn đấu đạt tiêu chuẩn của đô thị loại I - thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2014. Tập trung vào khu vực đô thị trung tâm, đặc biệt là khu vực thành phố Huế hiện nay và vùng phụ cận như Hương Thủy, Hương Trà, Thuận An, Bình Điền và đô thị vệ tinh độc lập Chân Mây - Lăng Cô. Tổng nhu cầu vốn đầu tư phát triển hạ tầng đô thị Thừa Thiên Huế giai đoạn 2011 - 2015 dự kiến khoảng 15.789 tỷ đồng. Chúng tôi sẽ biến lợi thế là đô thị văn hóa di sản thành sức mạnh để nâng tầm Huế lên đúng như lộ trình vạch ra. Tôi luôn có niềm tin đó, đấy là niềm hạnh phúc lặng lẽ nhưng cháy bỏng của tôi trong vai trò và cương vị đang đảm trách.

* Cảm ơn ông về cuộc trao đổi và chúc ông có thêm sức khỏe để tiếp tục dấn thân cho sự nghiệp nâng tầm TT-Huế.

Ngọc Hòa (Thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm