Ống kính của người vô gia cư: Một cách nhìn đời khác lạ

02/08/2009 10:37 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH Cuối tuần) - Tại viện bảo tàng thành phố Duesseldorf (Đức) cuối tháng Bảy đã khai mạc triển lãm ảnh của những người vô gia cư. Gần 90 bức ảnh của nhiều tác giả có cùng một điểm chung, đó là cái nhìn khác lạ về con người, về cuộc đời.


Thomas Struth (bìa phải), người tổ chức cuộc triển lãm ảnh do người vô gia cư chụp
Dự án tổ chức triển lãm ảnh của những người vô gia cư được triển khai từ năm 2004. Lúc ấy 12 người bán báo trên đường phố của tờ Fiftyfifty (có nghĩa là “50/50”, một tờ báo dành cho người vô gia cư) ở Duesseldorf được nhiếp ảnh gia Thomas Struth giao cho máy ảnh kỹ thuật số và được hướng dẫn cách sử dụng. Họ đã chụp hơn 600 bức ảnh và Struth lựa chọn những tấm độc đáo nhất để tổ chức triển lãm.

Theo phóng viên tờ Deutsche Welle (Đức), cuộc triển lãm không gây ấn tượng là một dự án xã hội, cũng chẳng nhằm gợi lên sự xót thương đối với tình cảnh lang thang cơ nhỡ bởi bản thân những người vô gia cư không xuất hiện trong các bức ảnh. Càng không hề có phóng sự ảnh về những câu chuyện khủng khiếp trên đường phố. Tuy nhiên điều này chẳng thể khỏa lấp một sự thực đau lòng là số phận đắng cay của người không nhà không cửa : trong số 12 người tham gia dự án triển lãm ảnh đã có 3 người mất mạng trong 5 năm qua, 2 người biệt tăm, 1 người bị cắt cụt cánh tay vì nhiễm trùng. Nếu những người vô gia cư bây giờ không còn nghiện rượu, tiêm chích ma túy thì hậu quả của chúng vẫn còn hành hạ họ. Chỉ một người duy nhất trở về cuộc sống bình thường - mua nhà, sắm sửa đồ đạc và tái hòa nhập xã hội.


Những bức ảnh “lệch tâm” do người vô gia cư chụp

Thành công lớn của cuộc triển lãm những tấm ảnh do người vô gia cư chụp là nó không cầu xin sự châm chước, không cần người xem “hạ cố” rằng các tác giả không phải là những tay máy thực sự, rằng họ đáng được thương xót. Thomas Struth, tác giả của dự án, chỉ chú tâm đến bản chất sự việc - những người vô gia cư nhìn nhận đời sống thị thành như thế nào và rút ra điểm khác lạ trong cách nhìn người, nhìn đời của họ. Khách đến xem triển lãm không quan tâm đến số phận người cầm máy mà lưu ý tới những gì được họ thu vào ống kính. Về một khía cạnh nào đó thì đây là cuộc thí nghiệm về nhân chủng học. Ký ức của một tay máy vô gia cư được đặt tên Thức ăn không nhưng máy ảnh thì có. Không thể thờ ơ trước những bức ảnh và chúng buộc ta phải suy ngẫm.



Hình ảnh người vô gia cư do các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp chụp
Những người không cửa không nhà làm công việc phát hành tờ báo dành cho người vô gia cư đứng tại một chỗ hết ngày này
sang tháng khác, tựa vào lưng vào bức tường quen thuộc và nhìn ra một hướng bất biến. Nói chính xác, phần lớn những người bán báo không đứng mà ngồi bệt xuống vỉa hè, ngắm khách lại qua, qua lại từ tư thế ở dưới ngước lên.

Một trong những điểm khác lạ rất dễ nhận ra là các bức ảnh do người vô gia cư chụp thường xuyên bị lệch tâm. Chẳng hạn, bức ảnh chụp cảnh mua bán ở chợ rau quả thì khuôn mặt của nhân vật lại nằm ở tít góc dưới, còn những tấm khung trên trần nhà và lưới che thì lại “thừa thãi”. Có vẻ như người chụp nhắm trượt nhân vật, trượt rất xa.

Lại có những bức ảnh nhắm vào dưới khuôn mặt của người được chụp. Chẳng hạn, ảnh một cặp vợ chồng trung niên giàu có. Bộ mặt khó đăm đăm của bà vợ lọt vào khuôn hình còn đầu của người chồng thì bị "cắt", tấm ảnh là cái bụng phệ, đôi tay, ống quần và thừa thãi nền đường. Nhìn chung là trong các bức ảnh ta thấy rất nhiều nền đường nhựa, đá lát vỉa hè và những bàn chân đang cất bước. Trong ảnh có rất nhiều tấm lưng của những người đang bước ra khỏi khung hình. Đây là điểm khác biệt đặc trưng của ảnh do người vô gia cư chụp. Dường như nó muốn nói lên rằng cộng đồng xã hội đang quay lưng lại với tầng lớp dưới đáy.

Dĩ nhiên trên thực tế không hẳn là người bộ hành luôn quay lưng lại với ống kính của người vô gia cư, trong ảnh có nhiều khuôn mặt, thậm chí có cả ảnh chân dung, tức là người đi đường chịu đứng làm “mẫu”. Có một bức ảnh nhắm vào khoảng trống giữa hai cô bé, do đó khuôn mặt của các nhân vật bị nhòe nhưng hậu cảnh lại rất nét. Tuy nhiên điều đáng nói là chẳng có người, cũng chẳng có vật gì đáng chú ý trong hậu cảnh cả.

«Những bức ảnh không cầu xin sự châm chước, không cần người xem “hạ cố” rằng các tác giả không phải là những tay máy thực sự, rằng họ đáng được thương xót»

Bí ẩn lớn nhất của các bức ảnh do người vô gia cư chụp là chúng giống như những tấm hình được bấm máy một cách vô thức. Nhìn chúng, ta có thể nói: Có gì đặc biệt ở đây? Bất cứ người nào cứ bấm bừa những gì đập vào mắt mà chẳng cần động não thì cũng cho chúng ta những sản phẩm như thế? Điều bí ẩn nằm ở chỗ những bức ảnh này không phải được tạo ra vô thức, người chụp có động cơ rõ ràng nhưng khó nhận ra bằng mắt thường. Những cảnh vật chốn thị thành không hẳn là đẹp nhưng chúng được xếp theo một trật tự nào đó, theo một trục nào đó trong không gian. Không thể là chụp vô thức được.

Vậy thì tìm câu trả lời ở đâu? Các “nghệ sĩ vô gia cư” ngồi hàng giờ ở một chỗ và nhìn thẳng về phía trước, mắt “đóng khung” vào một cảnh vật bất biến. Họ luyện cho mình cách nhìn cân bằng tầm mắt, cân bằng thị giác. Hướng cặp mắt hàng giờ liền vào một hướng, những người vô gia cư không ngắm cảnh vật mà nhìn vào điểm có thể tạo ra cảm giác bình an, không kích động hệ thần kinh.

Ngồi ở góc phố, tựa lưng vào tường, người vô gia cư hoàn toàn “lộ thiên”, không có gì che chắn, bao bọc. Nhưng họ có thứ vũ khí là cặp mắt và tri giác của họ được tôi luyện. Họ nhìn vào cảnh vật trước mặt như nhìn thấu qua tường, qua lỗ thủng vô hình. Rõ là ngoài những người bị “chôn chặt” vào một địa điểm bất di bất dịch, thì chẳng ai lại nhìn người, nhìn đời như thế cả.

Trần Quang Vinh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm