NSƯT Thái Bảo: Nước mắt trong phim là… thật

02/11/2009 12:42 GMT+7 | Phim

(TT&VH) - Từ tháng 9 tới giờ, NSƯT Thái Bảo liên tục xuất hiện: Ra album vol. 5 Như giọt nắng phai, tham dự Tuần lễ văn hóa Việt Nam tại Venezuela và Brazil. Vừa về tới Hà Nội, chị lại tất tả lên đường vào TP.HCM thực hiện nốt những cảnh quay cuối cùng của vai diễn đầu đời trong bộ phim Ám ảnh xanh - bộ phim truyền hình với chủ đề chống tham nhũng (KB: Chu Lai, ĐD: Châu Huế, Hãng phim Truyện VN - chi nhánh phía Nam thực hiện). Người ngoài nhìn vào thấy Thái Bảo đang có vận đỏ với hàng loạt sự kiện như thế, nhất là cái vận đỏ đến khi chị đang ở tuổi như “giọt nắng phai…”.

“Không ngờ mình đóng phim giỏi thế!”

* Trước đây có lời đồn thổi, xì xào rằng Thái Bảo đang muốn hâm nóng tên tuổi để gây chú ý nhân dịp ra album nên mới đi đóng phim. Bỗng dưng đi đóng phim vào cái tuổi chẳng còn trẻ này có thật là với mục đích đó?

- Điện ảnh thì không có tuổi, đôi khi họ mời một bà quét rác già “mõm mòm” vào một vai nào đó cũng được mà. Thực tế, chuyện tôi đi làm phim là thế này: Vào một ngày đẹp trời nọ, bỗng dưng tôi nhận được một cú điện thoại của anh Giám đốc Xưởng Phim truyện Việt Nam, chi nhánh TP.HCM - Lê Hồng Sơn mời tôi đóng phim Ám ảnh xanh. Tôi trả lời ngay: “Không, không, em có biết đóng phim đâu mà anh mời. Mà anh nói đùa hay thật đó?”. Anh Sơn bảo là nói thật và sẽ gửi kịch bản qua email cho tôi xem, nếu vai đó tôi thấy làm được thì trả lời. Khi anh Sơn gửi email thì tôi đọc kịch bản luôn và thấy rất thích vai này.

* Vai diễn này có gì để chị thích?

- Vai này có nhiều điểm dễ đồng cảm nên khi nhập vai tôi “khóc” rất dễ, nhập vai rất dễ. Chính tôi không ngờ mình làm được điều đó rất là... ngoạn mục. Kịch bản của nhà văn Chu Lai, ông cũng là thần tượng của tôi nên tôi càng thích.

Đây là vai người đàn bà yếu đuối, đau khổ, dằn vặt với những toan tính, mưu mô của chồng. Khi còn trong chiến tranh, chị và chồng vốn cùng ở một đơn vị, nhưng chị đã yêu người khác. Chồng chị đã dùng thủ đoạn để đến với chị. Khi hòa bình ông chồng chị bắt đầu làm ăn khuất tất, âm mưu thủ đoạn, làm các công trình trên mồ hôi nước mắt, xương cốt của đồng đội. Những người đồng đội khác đã phản đối cách làm ăn của chồng chị và chính chị cũng phản đối. Hai vợ chồng có một đứa con, nhưng đây lại là con của người yêu cũ của chị. Người đàn ông ấy sống đàng hoàng, tốt bụng nên chị càng đau khổ. Chị khuyên chồng không được, nên uất ức và lui vào chốn cửa thiền để đi tu. Vai không phải là nhiều đất “sống” lắm nhưng là vai ấn tượng bởi chỉ diễn những cái bức xức đau khổ, dằn vặt, buồn chán, ủ dột của người đàn bà thôi.

* Vai diễn như vậy thì có gì giống với chị? Chị cũng đang chịu cảnh bi đát, buồn rầu, khổ sở vì cuộc sống sao?

- Giống vì buồn, nên khi vào vai tôi nhập tâm được ngay. Hôm trước vào Sài Gòn, hôm sau đạo diễn cho tôi đóng ngay cái phân đoạn khó nhất, kịch tính nhất là đoạn người phụ nữ khuyên chồng không được và đi tu. Thế mà tôi làm ngon lành. Thế mới nói là tôi không ngờ mình đóng phim giỏi thế mà (cười lớn).

Thực tình là bởi cuộc sống của tôi cũng có nhiều cái không được thoải mái, không được trọn vẹn, lúc đó mình nghĩ đến những điều đó, tự nhiên mình có thể “xuất thần” mà rơi nước mắt. Đạo diễn phim rất thích... nước mắt mình vì đó là “nước mắt thật” chứ không phải nước mắt từ thuốc nhỏ mắt.

Chẳng hạn, cảnh diễn đầu tiên của tôi là cảnh người phụ nữ ngồi cầm bức ảnh đứa con và khóc vì nhớ đến người yêu cũ. Lần đầu tiên tôi đứng trước ống kính điện ảnh và phải làm sao hai dòng nước mắt chảy ra. Lúc đó tôi nghĩ đến mẹ tôi. Bà vừa bị đột quỵ do huyết áp cao mà trong chuyến vào TP.HCM đóng phim này, tôi đã kịp thăm mẹ vào tối hôm trước. Lúc vào thăm, mẹ không còn nhận ra tôi nữa. Nghĩ đến đó, tôi cứ thế khóc...

Được chọn vào vai vì… đôi mắt

* Khi đóng phim,, chị có hỏi lại đạo diễn vì sao anh ấy lại chọn chị cho vai diễn này?

- Có hỏi chứ. Tôi nói với anh Sơn là bây giờ “nhân tài điện ảnh” quá nhiều, anh không mời họ mà lại mời em, một ca sĩ chưa đứng trước ống kính điện ảnh bao giờ. Em cũng ngốc lắm không biết diễn đâu. Anh Sơn mới nói là về diễn anh chưa dám khẳng định là tôi có làm được hay không, nhưng anh ấy đã thấy tôi hát, nghe tôi hát và anh chọn tôi vào vai vì đôi mắt. Người đàn bà trong phim này từ 42-45 tuổi có đôi mắt đẹp, buồn, biết nói. Trong phim hầu hết tôi phải diễn bằng mắt chứ không thoại nhiều. Chẳng hạn thể hiện nhân vật khi lên chùa thì chỉ nói “Mô Phật” thôi, còn mọi cảm xúc đều biểu hiện bằng mắt.

Anh Sơn có nói là chỉ có đôi mắt của tôi mới có thể làm được những điều ấy.


* Nghe chị nói thì anh Lê Hồng Sơn có vẻ ưu ái chị quá, không biết vì đâu lại có sự ưu ái này?

- Chúng tôi đâu có quen biết gì nhau đâu! Anh ấy chỉ chọn tôi qua việc xem tôi hát. Và tôi thì cố gắng để không phụ cái sự tin tưởng của anh ấy. Khi vào làm phim, đạo diễn Châu Huế có nói với tôi là phim phản ánh sự thật của đời sống, khi khóc đừng sợ xấu, khi nói chuyện đừng làm duyên, đời sống có thế nào cứ như thế ấy thì mới diễn hay được, thế là tôi nhập vai ngay thôi. Có điều cũng làm tôi tự hào là nhiều người đóng phải làm đi làm lại, tôi chỉ làm 1-2 đúp là xong ngay. Đạo diễn thì nói chung là ai cũng khó tính, đôi khi diễn viên làm không được thì mắng diễn viên, mà ông đạo diễn Châu Huế này không mắng tôi một lời, họ nể diễn viên là ca sĩ có thương hiệu cũng một phần nhưng vì mình làm được mọi thứ theo yêu cầu.

“Giọt nắng phai” chứ chưa tàn

* Chị làm được phim này, nếu vai thành công, được mời vào phim khác nữa chị có đi làm phim nữa không?

- Không, tôi không đóng phim nữa, đóng phim vất vả lắm, tôi làm ca sĩ nhàn hạ quen rồi (cười to). Đi đóng phim là đi từ 5h sáng đến chỗ quay, chọn cảnh, dàn xếp đạo cụ xong, đến chiều quay mỗi cảnh đi vào bệnh viện tìm người yêu mà đến 6h tối mới về. Như thế làm sao sướng bằng đi hát được? Đi hát, lên sân khấu 10 phút là xong.

* Nhưng đóng phim sẽ là một cách để chị quảng bá tên tuổi, tên tuổi chị sẽ bền vững hơn với những bộ phim đó?

- Tôi cũng không ham lắm đâu. Tôi đã có được nhiều thứ mình muốn rồi. Giờ tôi còn tự hào là chưa đến nỗi phải về hưu, vẫn còn đi hát được, vẫn còn được sống với nghề là mừng rồi.

Tôi luôn thấy mỗi ngày giống như một đời người vậy. Sáng thức dậy nhìn thấy cây cỏ vươn lên, con trâu ra đồng, con người tỉnh dậy đón những giọt nắng mới. Tối về ăn cơm nghỉ ngơi và đi ngủ. Ngủ cũng như đã hết một đời. Cho nên chẳng ham hố chi nhiều. Tại sao tôi đặt album vol. 5 là Nghe giọt nắng phai? Vì tôi là giọt nắng phai nhưng không phải già, cũng không tàn. NS Nguyễn Trọng Tạo có nói Thái Bảo là ca sĩ không còn trẻ nhưng chưa chịu già. “Phai” chứ chưa tàn.

* Vậy lúc này chị có ước gì cho cuộc sống, sự nghiệp của chị?

- Tôi không ước, chỉ là mong muốn thôi. Con người sinh ra có số phận, tôi tin là như thế, trời đặt đâu thì nằm đấy, không xoay chuyển gì cả. Mình cứ để cho cuộc đời trôi đi mà thôi. Tôi sợ nghèo khổ nhưng không tham giàu, mà tôi cũng không biết làm giàu nữa; chẳng hạn, nếu phải đếm 1 triệu đồng thì cũng phải ngồi giãi thẻ ra giường mới đếm được. Tôi chỉ mong một điều là có sức khỏe để còn cống hiến được cho khán giả là niềm vui, đem đến nụ cười cho bạn bè, có một đứa con thì mong nó ngoan; còn sự nghiệp chẳng biết mong gì nữa, tôi thấy mình còn hát được là may rồi.

* Xin cảm ơn chị!

Mạc Vy (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm