NSND Tường Vi: Nhớ về những mối tình đã qua

22/07/2008 18:38 GMT+7 | Văn hoá

“Hiếm khi, cô bỗng nhiên ngẫm lại cuộc đời mình, nhớ về tuổi trẻ để rồi trút cho cháu nghe bao nỗi niềm không dễ gì chia sẻ. Có lẽ cô đã già rồi, ký ức càng cố quên lại càng nhớ, tưởng đã phai nhạt lại bùng lên da diết. Cái ký ức không ít buồn thương nhưng cũng đủ làm nên ngọn lửa cháy miệt mài trong trái tim cô, tại sao cô lại không có quyền kiêu hãnh về nó chứ”.

NSND Tường Vi hồi trẻ 
NSND Tường Vi tiếp tôi trong căn nhà rộng mênh mông và trống trải. Gia đình nhỏ của người con trai độc nhất của bà bay qua Mỹ lưu diễn từ mấy tháng nay, để lại bà một mình với nỗi nhớ con nhớ cháu da diết. Hôm nay, các em học sinh cũng không có giờ học, căn nhà rộng trở nên quạnh quẽ hơn vì vắng tiếng trẻ con nô nức cười đùa, vắng những giọng hát líu lo, những thanh âm trong trẻo và cao vút từ phím đàn bên từng ô cửa sổ.

NSND Tường Vi có một ký ức về tuổi thơ thật đẹp. Bà sinh ra và lớn lên ở thị xã Tam Kỳ, Quảng Nam. Trước mặt ngôi nhà là một cánh đồng, nằm bên một con sông rất đẹp, sông Tam Kỳ. Mỗi một buổi chiều tan trường, cô bé Tường Vi vẫn hay ra cánh đồng trước nhà ngồi ngắm sông. Trên con sông Tam Kỳ êm ả, có những con thuyền đi đánh cá, tiếng người đạp nước xen lẫn tiếng hò khoan, mắt cô bé Tường Vi không rời những cánh buồm lững lờ trôi ra biển.

Phía trước là cánh đồng, dòng sông, phía sau ngôi nhà là nhà thờ Tin Lành. Ngày nhỏ, cô bé Tường Vi vẫn nép mình bên tường nhà thờ lắng nghe những bài Thánh ca vang lên từ nhà thờ. Âm nhạc vì thế đến với Tường Vi rất sớm. Bắt đầu là những điệu hò khoan nhặt trên sông, tiếp đó là giọng hát trong veo và ngọt ngào từ người mẹ chuyên trồng dâu nuôi tằm thuộc rất nhiều điệu lý, điệu hò Quảng, các bài hát dân gian và dòng âm nhạc thính phòng ở nhà thờ.

Nhà của bà ngoại Tường Vi có một cái sân rất rộng, bộ đội về đóng quân trong nhà rất đông. Hầu như tối nào bộ đội cũng sinh hoạt văn nghệ. Gia đình Tường Vi từ mẹ đến các chị đều hát rất hay, riêng Tường Vi bộc lộ tài năng thiên bẩm. Tường Vi hay hát cho các chú bộ đội nghe, và được các chú dạy cho các bài hát của Văn Cao, Đoàn Chuẩn, Phan Huỳnh Điểu. Nếu không có một sự kiện đau buồn trong tuổi thơ của Tường Vi, có lẽ ngay từ đầu, bà đã đến với nghiệp ca hát mà không phải đi đường vòng khi rẽ sang nghề y tá trước khi thành ca sỹ.

Năm đó, Tường Vi chỉ mới 15-16 tuổi, một trận bom, bà ngoại mắt bị mù, không kịp chạy ra hầm nên đã trúng thương. Vết thương vào phần mềm, lẽ ra có người sơ cứu kịp thời và đi viện ngay thì bà đã không mất, nhưng do không có ai biết cấp cứu cho bà, để mất máu nhiều quá, bà đã mất. Đau lòng, mẹ của Tường Vi gọi con gái út lên và bảo rằng: "Út ơi, con đi vào bộ đội đi, học y tá để cứu người, việc đó quan trọng con ạ". Vậy là cô con gái út trong gia đình nhiều đời làm nghề dạy học đã rẽ lối vào bộ đội và học nghề y tá.

Chính Tường Vi cũng không thể ngờ được rằng, vào bộ đội rồi tập kết ra Bắc, từ đó bà trong nỗi đau chia cắt của đất nước có nỗi buồn riêng của bà. Bà không ngờ rằng kể từ đó, bà phải xa gia đình, xa ba mẹ kính yêu dằng dặc tới 21 năm. Phải 21 năm sau khi Bắc Nam thống nhất một nhà, Tường Vi ngày ra đi là cô bé 16 tuổi, lúc trở về là người phụ nữ 37 tuổi đã trưởng thành và có gia đình.

Ngày đó, trước khi vào bộ đội, 16 tuổi, Tường Vi đã có mối tình thật đẹp và lãng mạn với anh ĐQ, phụ trách công tác thiếu nhi. Đó là mối tình đầu tiên của thời thiếu nữ trắng trong. Người yêu của Tường Vi đánh đàn măngđôlin rất hay, lại sáng tác rất giỏi, anh là nguồn cảm hứng vô tận cho cô gái nhỏ Tường Vi trong những lần biểu diễn các ca khúc cho bộ đội nghe. Tình yêu đẹp và lãng mạn, gia đình hai bên đã qua lại đặt vấn đề cho các con tìm hiểu.

Tường Vi vào bộ đội, anh cũng đi học Hải quân ở Trung Quốc, hai người tạm xa nhau trong lời hẹn ước mai sau. Chính trong thời gian học y tá, rồi tập kết ra Bắc năm 18 tuổi, về công tác ở Bệnh viện Quân đội 108, trong nỗi nhớ nhung người yêu đang xa cách, Tường Vi đã sáng tác bài hát: "Quê hương anh là biển cả", "Như con chim Hải Âu bay trên sóng nước bạc đầu/ Đêm nay anh lướt đi trên sóng xô mạn tàu/ Như con chim Hải Âu bay trên sóng nước dạt dào/ Anh đi mang trái tim này thiết tha tình thương/ Biển là quê hương pháo hạm là nhà/ Biển hát ca ru tâm hồn chúng ta".

Yêu thương là thế nhưng sự xa cách đối với tâm hồn mong manh, dễ rung động của những người nghệ sỹ là một thử thách khó khăn. Khi còn là y tá ở Viện 108, tiếng hát của Tường Vi như một phương thuốc thần kỳ giúp những người chiến sỹ vượt qua cơn đau. Tiếng hát xao xuyến vút cao ấy đã chinh phục một cán bộ của Tổng cục Chính trị đang nằm viện, thế là Tường Vi được nhận về Đoàn văn công của Tổng cục.

Trong ngày đầu tiên về đơn vị mới, nhạc sỹ XG chính là người đã thử giọng cho Tường Vi. Tình yêu đến nảy nở trong tâm hồn của hai con người đồng điệu. Nhưng nghị quyết của chi đoàn hồi đó đặt ra là dưới 23 tuổi thì chưa được yêu, chưa được kết hôn, để dành tuổi thanh xuân phục vụ cho cách mạng. Tường Vi mới 18 tuổi, không được nghĩ tới chuyện yêu.

Kỷ luật sắt trong quân đội đã góp phần ngăn cản hai người đến với nhau, làm tan vỡ một mối tình đẹp, cộng với sự xa cách về không gian, thời gian đã làm tan vỡ luôn cả lời hẹn ước trong trắng năm xưa với người lính Hải quân.

Từ đó trở đi, Tường Vi gần như khép lòng mình, không dám yêu ai. Lúc này Tường Vi chỉ nghĩ đến công việc và chăm chút cho giọng hát của mình. Tường Vi lao vào làm việc, lao vào hát để quên đi những nỗi buồn riêng không trọng vẹn.

Tên tuổi của Tường Vi gắn liền với những ca khúc một thời: “Tiếng đàn Ta Lư” (Huy Thục), “Cô gái vót chông” (Hoàng Hiệp, thơ Molovklavi), “Em là hoa Pơ Lang” (Đức Minh), “Người con gái sông La” (Doãn Nho), “Cánh chim báo tin vui” (Đàm Thanh), “Người lái đò trên sông Pô Cô” (Cẩm Phong, thơ Mai Trang), “Bóng cây Kơ- nia” (Phan Thanh Nam, thơ Ngọc Anh)...

Tiếng hát của Tường Vi đã vang lên trên mọi chiến hào, trên những công sự và theo bước chân của những người lính nơi chiến trường. Tường Vi vinh dự được gặp Bác Hồ nhiều lần. Tường Vi nhớ như in kỷ niệm lần đầu tiên gặp Bác, vinh dự hát cho Bác Hồ nghe, Bác đã khen: “Cháu hát hay quá! Cháu hãy vào chiến trường hát cho bộ đội nghe”. Bà nghẹn ngào xúc động không nói nên lời, và sau lần đó Tường Vi vâng lời Bác xin vào hát phục vụ bộ đội trong chiến trường.
 
NSND Tường Vi được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp
trong một buổi diễn

Sau này, khi Tường Vi đã lấy chồng, một lần Tường Vi bị ốm nặng, Bác nghe tin, nhắn Tường Vi vào gặp Bác. Vào đến nơi, Bác lấy ngón tay trỏ vạch mi mắt dưới của Tường Vi ra nhìn kỹ và nói: “Cháu bị thiếu máu đấy, khoan đã hát vội, cố gắng giữ gìn sức khỏe cho tốt đã”. Lần đó, cảm động quá, gặp Bác không nói được lời nào, Tường Vi chỉ biết khóc rưng rức.

Tiếng hát của Tường Vi đã vượt qua biên giới và mềm lòng biết bao người trong đó có không ít những người ngoại quốc nổi tiếng mê giọng hát và con người Tường Vi. Tình yêu không biên giới của những người hâm mộ giọng hát Tường Vi và con người bà đã mang lại cho Tường Vi những kỷ niệm đẹp và cảm động.

Chính Tướng Coong Le - nguyên Đại úy Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Dù 3 của Hoàng Thân Suvanafuma đã viết cho bà biết bao nhiêu thư tình. Những bức thư tình chân thật chứa đựng nỗi si mê cháy bỏng của một người chinh chiến: "Tường Vi ơi, giọng em đẹp như vàng. Mấy ngày hôm nay, anh đi lên chùa cầu nguyện cho giọng hát của em đẹp mãi mãi. Anh cầu nguyện cho anh trở thành người bạn đời của em". "Tường Vi ơi, mỗi khi giọng hát của em cất lên, lính của anh nhảy khỏi chiến hào và múa Lăm Vông".

Suốt trong 2 năm liền kể từ ngày ông biết bà, mê giọng hát của bà, ông đã viết bao nhiêu thư mà bà không hồi âm. Tường Vi không biết tiếng Lào, nên những bức thư với bà chỉ là một sự hâm mộ như bao người hâm mộ khác. Chỉ Tướng Coong Le là không nghĩ vậy, không giấu giếm mối tình mãnh liệt. Ông luôn chạy đến đoàn chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào để nhờ cậy tha thiết làm sao cho ông được có Tường Vi.

Một vị Tướng trong quân đội đã hỏi Tường Vi ý của cô thế nào. Tường Vi trả lời, Coong Le là một người yêu nước, không phải là nhà cách mạng. Em chỉ giữ mối quan hệ hữu nghị vậy thôi". Lúc này đây, nhớ lại mối tình đó, bà Tường Vi thú nhận lòng mình: "Nếu ông ấy là một nhà cách mạng, chắc cô đã làm vợ ông ấy rồi cháu ạ". Đôi mắt của bà Tường Vi ánh lên những nỗi buồn xa xăm.

Cuối cùng hạnh phúc riêng cũng đã đến gõ cửa trái tim Tường Vi khi bà nhận lời cầu hôn của nhạc sỹ TC. Cuộc hôn nhân kéo dài tới 20 năm. Hai mươi năm hạnh phúc xa ngái và ít ỏi. Bà Tường Vi nói rằng, chồng bà rất tốt, rất yêu thương vợ con và ủng hộ cho vợ trong nghề nghiệp rất lớn.

Thế nhưng, có những chuyện khó nói khác chỉ đàn ông và đàn bà mới có thể nói ra được với nhau, chia sẻ được với nhau. Hai người như hai dòng sông, chảy bên cạnh nhau nhưng không bao giờ gặp nhau được. Tường Vi là dòng sông dạt dào, cuộn chảy nóng bỏng, đam mê và tha thiết. Còn chồng bà lại là một dòng chảy khác, chần chừ và lạnh lùng. Và những sự khác nhau ấy cuối cùng đã đẩy hai người ra xa nhau.

Nhưng trái tim ấm nóng của Tường Vi đã tìm thấy một bến đỗ an lành và hạnh phúc. Bà dồn hết tất cả tâm nguỵện cho 3 Trung tâm nghệ thuật tình thương ở Hà Nội, Quảng Nam và Đà Nẵng với gần 300 trẻ em có số phận bất hạnh. Bao nhiêu yêu thương dồn góp cho các cháu nhỏ, Tường Vi đã sáng tác rất nhiều bài hát hay dành cho các em thiếu nhi.

Hơn chục năm nay, trái tim, sức lực và công việc bà dành vẹn nguyên cho các con cháu và trẻ em mồ côi, thương tật có hoàn cảnh bất hạnh. Những sáng tác của bà được các em đón nhận và yêu thích, nó như tiếng lòng dịu dàng của một người phụ nữ nhân hậu mang tình yêu và hơi ấm tình thương đến động viên các cháu có những mảnh đời chịu nhiều thiệt thòi ấy. Hạnh phúc đối với bà giản dị là vậy.
 
NSND Tường Vi dạy hát cho những em nhỏ ở
Trung tâm Tình thương do bà thành lập

Hơn 40 năm phục vụ trong quân ngũ, ngay cả khi đã về hưu, mỗi lần lên sân khấu, Tường Vi đều ưa chọn trang phục yêu thích đó là bộ quân phục bộ đội màu xanh. Bà nói, bộ quân phục luôn luôn nhắc nhớ trong tim bà tình yêu và niềm kiêu hãnh là Bộ đội Cụ Hồ. Tình yêu lớn đối với Đảng, Bác kính yêu đã giúp cho Tường Vi bước lên đỉnh cao của nghệ thuật, đồng thời mang lại những ân nghĩa lớn lao trong cuộc đời bà.

Giờ đây, trong một chiều mưa, bà Tường Vi vẫn ướt nước mắt khi nhớ lại quá khứ. Tất cả chỉ còn là những mảnh ký ức đẹp trong tuổi trẻ của bà. Mái ấm tình thương trong âm nhạc nơi đây là nơi tâm hồn bà được trú ngụ cùng với tâm hồn trẻ thơ. Với bà đó là công việc có ý nghĩa nhất, quan trọng nhất, thiết tha nhất với bà sau tất cả những gì đã trải.
Theo CAND

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm