NSND Thanh Hoa: Luôn biết ơn vợ chồng nhạc sĩ Phạm Tuyên

06/01/2017 13:40 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - NSND Thanh Hoa gọi nhạc sĩ Phạm Tuyên và người vợ quá cố của ông bằng hai tiếng thân thương: anh chị. Bà kể: "Tôi luôn biết ơn chị Ánh Tuyết. Vì nhờ lời khuyên của chị Ánh Tuyết mà tôi giữ được hạnh phúc gia đình mình đến giờ".

NSND Thanh Hoa kể: “Tôi quen biết vợ chồng anh chị Phạm Tuyên – Ánh Tuyết mấy chục năm, chưa bao giờ thấy họ to tiếng. Lúc nào anh chị cũng nhẹ nhàng, tinh tế lắm”.

Bà kể thêm, chính cố PGS.TS Ánh Tuyết là người kiềm chế tính nóng giận của bà. “Nhờ lời khuyên của chị Ánh Tuyết mà tôi giữ được hạnh phúc gia đình mình đến giờ".


Nhạc sĩ Phạm Tuyên (giữa) và nhạc sĩ Nguyễn Lân Cường, NSND Thanh Hoa

“Tôi có quá nhiều kỷ niệm với âm nhạc của anh Phạm Tuyên. Tôi không thể quên những giây phút xúc động khi đứng hát giữa biển người ở Liên hoan âm nhạc Moskva. Những người dân Liên Xô (cũ) không biết tiếng Việt, nhưng họ vẫn hát vang: Việt Nam – Hồ Chí Minh. Âm nhạc của Phạm Tuyên luôn “có mặt” ở những thời khắc lịch sử quan trọng của dân tộc. Những ca khúc mà tôi từng hát rất nhiều lần trên sân khấu: Như có Bác trong ngày đại thắng; Đảng đã cho ta mùa Xuân; Chiếc gậy Trường Sơn”.

Cố PGS.TS Nguyễn Ánh Tuyết là vợ của nhạc sĩ Phạm Tuyên, đã qua đời cách nay 7 năm. Sinh thời, bà là Chủ nhiệm đầu tiên Khoa Giáo dục Mầm non - ĐH Sư phạm Hà Nội. Bà là tác giả, đồng tác giả của hàng chục đầu sách giáo dục.

Trước khi mất, bà đã trải qua thời kỳ chống chọi bệnh tật, nhưng điều đó không khiến bà ngừng viết cuốn hồi ký Chúng tôi đã sống như thế về gia đình.


NSND Thanh Hoa và các cháu thiếu nhi hát ca khúc của nhạc sĩ Phạm Tuyên tại buổi giới thiệu hồi ký "Chúng tôi đã sống như thế"

Theo chia sẻ của nhạc sĩ Phạm Tuyên, cuốn sách luôn gắn với những thời điểm đáng nhớ của gia đình. Năm 2007, sách được in lần đầu vài trăm bản để lưu hành nội bộ. Năm 2016 này, sách được in ấn và phát hành trên cả nước đúng dịp gia đình chuẩn bị thực hiện đêm nhạc Phạm Tuyên - Nhớ và quên vào tháng 1/2017.

Hồi ký gồm sáu phần: Nơi hai điểm xuất phát, Nơi gặp gỡ của tình yêu, Tổ ấm đầy biến động, Đường vào khoa học, Con đường âm nhạc Vượt núi chặng cuối cùng.

Đọc hồi ký, độc giả sẽ hiểu hoàn cảnh ra đời các ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ Phạm Tuyên: Tiến lên đoàn viên (1954), Chiếc đèn ông sao (1956), Trường cháu là trường mầm non (1973), Cô và mẹ (1975), Chú voi con ở bản Đôn (1983), Cánh én tuổi thơ (1987), Chiếc gậy Trường Sơn (1967), Như có Bác trong ngày đại thắng (1975)…

Ngày 14/1 tới, đêm nhạc của nhạc sĩ Phạm Tuyên với tên gọi Phạm Tuyên - Nhớ và quên sẽ được tổ chức tại Trung tâm Hội nghị quốc gia (Hà Nội) với sự tham gia trình diễn của NSND Trung Kiên, NSND Thanh Hoa, Đăng Dương, Tùng Dương...Với mục đích tôn vinh sự nghiệp âm nhạc đồ sộ trên 700 ca khúc của ông, chương trình được thực hiện bởi con gái ông cùng ê-kíp đạo diễn Phạm Hoàng Nam, nhạc sĩ Lưu Hà An và MC Lại Văn Sâm. 

Nghe NSND Thanh Hoa hát "Con kênh ta đào" của nhạc sĩ Phạm Tuyên:


Hoàng Anh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm