NSNA Đào Hoa Nữ và "Việt Nam - Những nẻo đường": Sức đi như Tư Mã Thiên

25/09/2010 20:25 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - “Sức đi nghề nghiệp của chị làm ta nghĩ đến Tư Mã Thiên người đời Hán đã cưỡi ngựa đi chu du ngang dọc khắp đất nước Trung Quốc, thu nhặt tài liệu để viết sử ký”. Đó là nhận xét của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường về cuốn sách ảnh Việt Nam - Những nẻo đường của nghệ sĩ nhiếp ảnh Đào Hoa Nữ.

Tuần qua, tại Nhà văn hóa Phụ nữ TP.HCM, nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Đào Hoa Nữ đã có buổi giới thiệu tập sách ảnh Việt Nam - Những nẻo đường (NXB Văn nghệ). Tập sách không chỉ đẹp về hình thức, công phu về thực hiện với hai khổ in khác nhau, mà còn thể hiện sức đi của một trong những tay máy nữ hàng đầu Việt Nam hiện nay.

Hơn 500 “câu thơ bằng hình”

Đào Hoa Nữ bộc bạch rằng, chị vào nghề nhiếp ảnh khá muộn, khoảng năm 1979, lúc hơn 30 tuổi đời chị mới biết cái máy chụp hình nó như thế nào. Do vào nghề muộn, nên có nhiều ước mơ về nghề chị không thể thực hiện kịp vì giới hạn của tuổi tác và sức khỏe.

Sau hơn 30 cầm máy rong ruổi trên những nẻo đường Việt Nam, chị cũng kịp ghi tên mình vào làng nhiếp ảnh và người mộ điệu. Ngoài những triển lãm chung và riêng, Đào Hoa Nữ tạo được một số “tài sản” là những cuốn sách ảnh, như Việt Nam quê hương tôi (1990), Huế đất mẹ của tôi (2000), Huế thành phố festival (2008). Đọc những tên sách chị đã in, ấn tượng trong đầu của nhiều người về “quý bà” Đào Hoa Nữ là tình yêu quê hương sâu đậm, nhất là xứ Huế nơi “chôn nhau cắt rốn” của chị.

Thật vậy, xem các tác phẩm của Đào Hoa Nữ, riêng trong Việt Nam - Những nẻo đường, mới cảm nhận hết tình yêu quê hương của Đào Hoa Nữ chuyển tải sang người thưởng lãm. Dường như, “những nẻo đường Việt Nam” qua đôi mắt của chị nơi nào và khoảnh khắc nào cũng đẹp. Hơn 500 tác phẩm trong Việt Nam - Những nẻo đường như những “câu thơ bằng hình”. Những “câu thơ bằng hình” của Đào Hoa Nữ nằm ngoài thế sự, như thoát đi khỏi cái xô bồ của cuộc sống thường nhật, rồi khiến người xem quay lại đời thường để thêm quý trọng mỗi phút giây đang sống trên đất Việt.

Nữ mà “đào hoa”

Tên thật là Phạm Thị Nữ. Thời còn học tiểu học ở Huế, do tham gia gần như đầy đủ các hoạt động văn nghệ của nhà trường, kể cả làm báo... tường, nên chị được các thầy cô giáo yêu quý đặt cho “biệt danh” là Đào Hoa Nữ. Đào Hoa Nữ tâm sự: “Hồi đó còn nhỏ, mình đâu hiểu “đào hoa” nghĩa là gì, vì thấy hay hay nên mình xưng danh là Đào Hoa Nữ luôn”.


Gành đá dĩa ở Phú Yên
Khoảng giữa những năm 1960, gia đình Đào Hoa Nữ chuyển vào Sài Gòn sinh sống. Tuy lúc đó khoảng 15 tuổi nhưng Đào Hoa Nữ đã có cơ duyên theo ca sĩ Thanh Thúy đi hát ở các phòng trà. Trước những tiết mục “đinh” của Thanh Thúy - nữ danh ca một thời, Đào Hoa Nữ chỉ “hát lót” thế nhưng lại được khán giả cổ vũ nhiệt tình. Trước năm 1975, Đào Hoa Nữ được gia đình cho phép đi làm ca sĩ phòng trà vào 2 ngày cuối tuần. Sau này, nghệ danh Đào Hoa Nữ tiếp tục cùng chị ghi dấu ấn trong lĩnh vực nhiếp ảnh nghệ thuật.

Nhận xét về Việt Nam - Những nẻo đường của Đào Hoa Nữ, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường trân trọng: “Người ta phải thán phục về sức đi của chị. Chị đã đi như một nhà văn viết bút ký, 500 bức ảnh đủ triển khai thành bao nhiêu km trên thực địa?... Sức “đi đến tận nơi” là một bản năng tính nghệ sĩ của Đào Hoa Nữ. Từ chợ nổi ở Cà Mau, Phụng Hiệp ở phía Nam, rẽ sang làng Việt cổ Đường Lâm, Ước Lễ ở đồng bằng Bắc Bộ, lên tận Đồng Văn, Mèo Vạc ở biên giới phía Bắc. Sức đi nghề nghiệp của chị làm ta nghĩ đến Tư Mã Thiên người đời Hán đã cưỡi ngựa đi chu du ngang dọc khắp đất nước Trung Quốc, thu nhặt tài liệu để viết sử ký”.

Có thể nói, chữ “đào hoa” trong nghệ danh của chị đã “bén duyên” với rất nhiều vùng miền của nước Việt và hơn thế còn “bén duyên” với khán giả yêu nghệ thuật nhiếp ảnh.

Thanh Kiều

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm