Nóng sốt video online

13/04/2012 09:44 GMT+7 | Âm nhạc


(TT&VH Cuối tuần) - Năm 1979 nhóm nhạc The Buggles cho ra đời ca khúc Video Killed The Radio Star như một dự báo về những ngôi sao của những kênh truyền hình âm nhạc sẽ soán ngôi của những ngôi sao radio. Và giờ, hơn 30 năm sau, chính những ngôi sao của các kênh truyền hình âm nhạc lại đang “ngó” sang một địa hạt mới: video online.

Thị trường mới

Những kênh âm nhạc như MTV, Chanel V vẫn tiếp tục trình chiếu những video clip (music video - MV) mới nhất của Superheavy, Madonna, Rhihana… và dân tình vẫn có thể xem thoải mái những MV này trên YouTube. Chuyện đó chẳng còn lạ lẫm nữa.

Thị trường nhạc số đang mở ra những lối đi mới mà ngay cả những kênh truyền hình âm nhạc được xem là danh tiếng nhất vẫn đi theo không kịp. Ngay ở Việt Nam, dù được chiếu khá nhiều trên YanTV nhưng MV Nếu như anh đến của nữ ca sĩ trẻ Văn Mai Hương vẫn được xem nồng nhiệt hơn trên YouTube hoặc các trang nhạc số khác. Năm 2011, theo thống kê của Zing music thì lượt người xem MV này lên đến 15 triệu lần và hơn 3 tháng liên tục có mặt trong Top 3 MV được xem nhiều nhất.

Rapper Karik, ca sĩ đi lên từ YouTube

Một loạt những ca sĩ trẻ như Đông Nhi, Dương Triệu Vũ, Văn Mai Hương, Khắc Việt, Trịnh Thăng Bình… lần lượt có nhiều ca khúc, MV tạo nên cơn sốt trong cộng đồng mạng cho dù một phần trong số đấy vẫn được chiếu trên YanTV hay MTV Việt Nam. Trong khi đó Top 10 Video Clip nhạc Việt trên YouTube với các MV: Trọn đời bên em (Lý Hải), Hãy để anh yêu em lần nữa (The Men), Không giới hạn (Tim Ft. Khổng Tú Quỳnh), Nơi mặt trời buông xuống (Ưng Đại Vệ), Em yêu anh nhiều lắm (Bảo Thy), Bình yên nhé - Cầu vồng sau mưa (Cao Thái Sơn), Người thứ ba (Thanh Thảo), Phố kỷ niệm (Nguyên Vũ), Nửa vầng trăng (Đàm Vĩnh Hưng), Sau một tình yêu (Nhật Tinh Anh)… tất cả đều chưa thấy xuất hiện trên Yan TV, Yeah1! hay MTV Việt Nam - những kênh MV chính thống, nhưng sức lan tỏa của chúng trong cộng đồng người nghe nhạc khá mạnh.

Dường như đã qua rồi thời kỳ rực rỡ của những MV được trình chiếu trên VTV3 (Bài hát tôi yêu), qua rồi thời những nhóm nhạc như Trio 666, MTV với ông bầu Tuấn Khanh gây được khá nhiều sự tò mò khi tuyên bố được Đài truyền hình RAI của Ý hay MTV châu Á mời lên sóng, rồi Kasim Hoàng Vũ, Minh Thư được lên MTV Thái Lan… Giờ khái niệm muốn trở thành “ca sĩ toàn cầu” thì chỉ duy nhất một đường thẳng tiến: internet.

Tạo thị trường hay tạo thị phi?

Internet lúc nào cũng lá mặt lá trái, được lòng người này nhưng mất lòng kẻ khác. Nếu như YouTube, Vimeo được xem là con đường tiến cử mình cho công chúng của những nghệ sĩ độc lập nước ngoài (những nghệ sĩ danh tiếng khác đều có những bệ phóng riêng chuyên nghiệp hơn rất nhiều) thì ở Việt Nam cả nghệ sĩ chiếu trên lẫn chiếu dưới hoặc vô danh đều có thể nương nhờ Internet làm bệ phóng để đẩy mình lên cao hơn. Thậm chí, những kênh MV chính thống ở Việt Nam còn “xem ké” các kênh MV internet để tìm kiếm “nhân tài”. Tiêu biểu cho trường hợp này là Karik, chàng ca sĩ được xem là “thảm họa nhạc Việt” 2011. Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng sau khi xem những MV tự làm của chàng rapper đã quyết định mời Karik tham gia chương trình Giải thưởng Video âm nhạc Việt của MTV Việt Nam và cuối cùng chàng ca sĩ thích gây rắc rối này nhận được 46.278 phiếu bầu để rồi sẽ được lên sóng tại kênh MTV châu Á trong năm nay.

Chẳng ai biết Mai Quốc Việt là ai cho đến khi clip nhại 16 giọng hát của anh và nhóm It’s time được tung lên YouTube. “Bọn tôi đi hát hàng quán bao nhiêu năm trời chẳng bao giờ được để ý và rồi khi clip này được đưa lên cuộc đời chúng tôi bắt đầu thay đổi”, Mai Quốc Việt chia sẻ. Chẳng ai biết Lil Pig là ca sĩ nào cho đến khi bài rap Tau thích mi rầm rộ trên Internet thì lúc đó các kênh truyền hình âm nhạc mới vào cuộc và thậm chí cả VTV cũng làm phóng sự về ca khúc này…

Phương My nổi tiếng vì tung ra “thảm họa” MV

Sức mạnh của Internet đang đẩy nền công nghiệp âm nhạc chính thống và tự phát vào tư thế đối đầu. Hồ Ngọc Hà bỏ tiền tỉ để làm MV Invincible độc quyền cho YanTV cũng không thể có lượng rating người xem trên YouTube bằng “thảm họa” Phương My với MV Nối dối chỉ làm mất vài chục triệu đồng. Nhật Thu bỏ 4 tỷ đồng làm 2 MV Lạc bước và Dù là lần cuối (với máy quay Alexa vẫn được dùng để quay cho những ngôi sao “thứ dữ” của nước ngoài) vẫn không thể đọ được với vài MV bùng nổ được quay bằng máy ảnh hàng chợ của nhóm HKT. Đàm Vĩnh Hưng bỏ cả 600 triệu để quay MV Dạ khúc cho tình nhân độc quyền trên MTV Việt Nam cũng không có nhiều người xem bằng YouTube.

Những tín hiệu ngược chiều như trên đang xảy ra nhan nhản là bởi các nhãn hàng, các công ty marketing, các ông bầu… đang tìm kiếm mặt hàng phù hợp với thị hiếu trên internet. Một ca sĩ trẻ, với một MV thành công trên YouTube thì hoàn toàn có thể đi show, quảng cáo thậm chí bay show cả ở hải ngoại. Có con đường nào đơn giản mà hiệu quả hơn thế? Xu thế hiện nay, nếu chưa có tên tuổi, rất ít ca sĩ nào dám bỏ vài trăm triệu làm video clip để chiếu trên các kênh truyền hình âm nhạc. Họ thường bỏ ít vốn (vài chục triệu), tự sản xuất, tự quay và tung lên thị trường nhạc số. Mới đây khi thị trường MV 3D đang bắt đầu phát triển (cho dòng điện thoại màn hình 3D) thì ở Việt Nam công nghệ này đang rất được chú ý. Minh Phúc, ông bầu của nhóm TVM cho rằng “chỉ một thời gian ngắn nữa thôi, showbiz Việt Nam cũng sẽ bắt đầu sử dụng công nghệ này, đó là điều tất yếu cho một thị trường giải trí trẻ trung và đang phát triển”.

Music video khởi thủy ra đời là để quảng bá cho album nhạc sắp ra đời. Ở Việt Nam hiện nay, khái niệm MV gần nghĩa với “single” (đĩa đơn) hơn. Cả những người không có những dự án sắp ra lò như Phương My cũng xem việc làm MV trực tuyến như một cách giới thiệu tên tuổi, nếu thành công mới tính đường đi tiếp.

Với xu thế “làm ít, ăn nhiều, quan trọng là ý tưởng” nên hiện nay xuất hiện khá nhiều công ty bắt tay nhau làm dịch vụ quay MV với giá chỉ vài chục triệu đồng. Giữa năm ngoái, Công ty VNG (sở hữu Zing music) đã bắt tay với kênh truyền hình VBC và Yeah1! để thực hiện chương trình dựa trên các nội dung do Zing Mp3 cung cấp. Các chương trình sẽ được phát trên kênh truyền hình VBC và phát lại trên chuyên mục Zing TV. Hiện tại, các MV được xem trên Zing lúc nào cũng có độ rating cao nhất, trong khi kênh âm nhạc Yeah1! hiện đang đối diện với những khó khăn tài chính do khó cạnh tranh được với lượng người xem trực tuyến ngày càng đông đảo. Sau năm đầu tiên gây được chú ý, Giải thưởng Video âm nhạc Việt 2012 của MTV Việt Nam sẽ khởi động vào tháng 8 tới. Năm nay sẽ không còn chuyện khống chế 24 MV dự thi cũng như không còn chuyện bao cấp 40 triệu đồng/MV như năm ngoái. Sở dĩ năm ngoái có chuyện giới hạn và bao cấp này là bởi ban tổ chức e ngại không đủ MV tham gia. Năm nay, số lượng MV gửi tham gia chương trình sẽ không hạn chế và MV được tham dự Giải thưởng Video âm nhạc Việt sẽ là MV được trình chiếu thường xuyên trên MTV. Cách làm này không mới nhưng nó đang chỉ ra rằng những kênh âm nhạc lớn như MTV Việt Nam cũng đã bắt đầu nhận ra mình khó có thể đóng cửa và tự giải quyết trong nhà. MV đã trở thành mặt hàng nóng sốt của thị trường trực tuyến mà bất cứ kênh âm nhạc nào cũng muốn giành phần hơn.

Nguyên Minh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm