Nơi trú ngụ của âm nhạc

29/01/2014 06:27 GMT+7 | Âm nhạc

(Thethaovanhoa.vn) - Đà Lạt có một duyên nợ kỳ lạ với tân nhạc Việt Nam. Nhiều tên tuổi lớn của tân nhạc Việt được phát hiện, được thăng hoa từ vùng đất này…

Nhiều người nhận xét rằng, nếu không có Đà Lạt thì sẽ không thể có một thứ âm nhạc độc đáo kiểu Lê Uyên & Phương. Giữa một miền Nam những năm khốc liệt nhất của cuộc chiến, trong âm nhạc của mình, thế hệ chán ngán chiến tranh, tất cả chỉ có tình yêu và sự tận hiến. Người làm nên bộ mặt âm nhạc độc đáo ấy là nhạc sĩ Lê Văn Lộc.

Lê Văn Lộc sinh ở Đà Lạt năm 1941, sau một thời gian lưu lạc từ Pleiku, Ban Mê Thuột, Quy Nhơn tới Nha Trang và làm đủ thứ cực nhọc từ dạy học, dinh điền tới chuyện đi hát để kiếm sống đến năm 24 tuổi, ông về ở hẳn tại Đà Lạt và một năm sau ông gặp “chiếc cánh tình yêu còn lại của cuộc đời”, tức Lâm Phúc Anh và từ lúc đó trở đi họ trở thành Lê Uyên & Phương. Đà Lạt là thánh địa cho âm nhạc của Lê Uyên & Phương hành hương. Không có Đà Lạt, Lộc như “một người bị mất mát không thể thay thế”.

Những năm đầu 1970, cặp uyên ương này xuống phố, xuống Sài Gòn và trở thành một cặp song ca được yêu mến nhất. Có những thời điểm, một đêm hát của họ được trả 4.000 đồng. Đó là một số tiền rất lớn lúc bấy giờ, ngay cả ca sĩ Khánh Ly, khi cô bắt đầu có tiếng tăm tại Đà Lạt cũng chỉ được trả 2.500 đồng/tháng, bằng lương của một viên trung úy. Vậy mà Lê Văn Lộc đã từ bỏ tất cả chỉ mong được về Đà Lạt để sống và sáng tác. “Sống ở Sài Gòn tôi chịu không được. Không viết được một dòng nhạc nào cả. Tôi gần điên lên”, khi còn sống nhạc sĩ Lê Văn Lộc từng nói. Những bài hát làm nên tên tuổi của đôi uyên ương này hầu hết được sáng tác tại Đà Lạt, từ Cho lần cưới, Khi loài thú xa nhau, Bài ca hạnh ngộ, Còn nắng trên đồi, Dạ khúc cho tình nhân…


Khánh Ly: Nữ ca sĩ Khánh Ly những ngày ở Đà Lạt

Năm 1964, Khánh Ly ở tuổi 18 đã cùng 2 con lên Đà Lạt sinh sống. Trong tạp bút Nhớ về Đà Lạt của mình, Khánh Ly kể lại : “Từ ngày di cư vào Nam, dẫu mới có 10 tuổi, tôi phải trông em, giặt quần áo, đi chợ rồi mới đi học. Mấy anh chị em chúng tôi sàn sàn tuổi nhau nhưng lại chẳng bao giờ có thì giờ hay có chuyện gì để chia sẻ với nhau. Nói tóm lại, tuổi thơ của tôi hoàn toàn mờ nhạt, không có gì đáng ghi nhớ trong sinh hoạt gia đình, ngoại trừ ông bố đêm nào cũng say rượu và bà mẹ hết ca cẩm chồng đến mắng chửi con. Đà Lạt chính là khoảng trời tôi mơ ước, tưởng chừng như cuộc sống ngừng lại ở đó… Nhưng không. Cuộc đời tôi bắt đầu. Từ đó, ở đó”. Bắt đầu ở đó, Khánh Ly miệt mài hát tại vũ trường Night Club. Ở đó, Khánh Ly đã mơ ước được trở lại tuổi 14, 15 để có thể trở thành một con người khác. Ở đó, cô ca sĩ 18 tuổi quăng giày dép, chân không, đi, chạy, nhảy khắp Đồi Cù, xuống Tòa Tổng Giám mục, men theo con đường Tình Yêu dẫn lên Tòa Tỉnh rồi lại lên Đồi Cù nằm khểnh dưới gốc thông hoặc thẳng tay chân trên bãi cỏ thênh thang nhìn ngắm mây trời. Cũng ở đây, cô gặp Trịnh Công Sơn và Khánh Ly để lại đằng sau một tình yêu mang tên Đà Lạt để bắt đầu một chương mới của cuộc đời cũng như sự nghiệp ca hát.

Đà Lạt là cái nôi nuôi dưỡng những tâm hồn văn nghệ. Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 từng có 4 năm học nội trú tại Đà Lạt và chính tại đây sự nghiệp âm nhạc của ông bắt đầu. Ông học piano và được nhạc sĩ Hoàng Nguyên (tác giả ca khúc Ai lên xứ hoa đào) dẫn dắt, có nhiều sáng tác được phát trên đài phát thanh Đà Lạt và sau đó lan xuống Sài Gòn. Tình yêu âm nhạc dần lớn lên trong ông đến nỗi năm 18 tuổi, sau 4 năm nội trú tại trường Yersin, Nguyễn Ánh 9 trốn gia đình vào Sài Gòn lập nghiệp. Trong âm nhạc của Nguyễn Ánh 9 luôn bắt gặp những thoáng buồn rất Đà Lạt là vì vậy.

Những năm nửa cuối thập niên 1960 nhạc sĩ Từ Công Phụng về Đà Lạt để để hợp tác âm nhạc cùng Lê Uyên & Phương. Tại đây họ lập ra nhóm nhạc Ngàn Thông đi lưu diễn tại rất nhiều quán bar, vũ trường và cũng biểu diễn hàng tuần tại Đài phát thanh Đà Lạt. Và cũng chính ở đây, ca khúc Bây giờ tháng mấy của Từ Công Phụng được phát qua làn sóng radio và được đón nhận cực kỳ nồng nhiệt.

Nhạc sĩ Đức Huy sau này cũng thổ lộ anh rất yêu Đà Lạt và đó chính là một phần đời không thể nào quên. Chính tại Đà Lạt, Đức Huy đã có sáng tác đầu tay và thành công vang dội, Cơn mưa phùn (1969). Bài hát với tâm trạng của một người chán chường nhưng lại đẫm hình ảnh của thành phố sương mù “cơn mưa phùn bay qua thành phố nhỏ, đêm đêm lặng thầm gục trên đường phố”.

Hoa Thiên
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm