Những vụ con kiện cha trong làng giải trí

05/03/2015 12:40 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Vụ việc ngôi sao trẻ của Disney, Billy Unger, đâm đơn kiện người cha gian lận hàng nghìn USD khi làm quản lý cho anh, chỉ là một trong số vô vàn vụ kiện gia đình trong ngành giải trí.

Quy mô vụ kiện của Billy Unger chưa là gì so với trường hợp của siêu sao nhạc country LeAnn Rimes, hay vụ kiện “tan cửa nát nhà” của Macaulay Culkin, ngôi sao Ở nhà một mình.

Chuyện nhà LeAnn Rimes: Mẹ và con cùng kiện cha

Năm 2000, Rimes khi đó 17 tuổi, cũng đang là một ngôi sao tuổi teen. Cô đâm đơn kiện người cha Wilbur C. Rimes và người quản lý Lyle Walker, cáo buộc hai người này đã ăn chặn của cô 7 triệu USD trong vòng 5 năm trước đó.

Trong vụ việc này, luật sư của Rimes khẳng định đây là chuyện thường trong làng giải trí Mỹ chứ không phải là hiếm hoi. “Đây không phải lần đầu mối quan tâm ích kỷ của phụ huynh ảnh hưởng đến sự nghiệp của con cái họ” – luật sư Tom Rhodus nói. “Không đúng chút nào khi điều đó lại xảy ra thường xuyên”.


LeAnn Rimes (phải) và Macaulay Culkin, những ngôi sao từng kiện cha mẹ mình

Trong đơn kiện, Rimes tố cáo hai người đàn ông đã ăn chặn 30% thu nhập của cô dưới danh nghĩa chi phí làm quản lý, sản xuất âm nhạc và mua bảo hiểm nhân thọ cho Rimes qua công ty của con trai Walker. Điều đặc biệt ở trường hợp này là Rimes còn chưa đủ tuổi đâm đơn kiện nên mẹ cô, bà Belinda, đứng tên thay con để kiện chồng.

Đó là một chuyện không chỉ trái khoáy mà còn rất đau lòng. Với sự nghiệp của con gái mình, ông Rimes có cả công và tội. Ông chính là người dạy Rimes hát và biểu diễn, rồi sản xuất đĩa nhạc đầu tiên của cô, trong khi bà mẹ Belinda chuẩn bị trang phục diễn và trang điểm cho con gái.

LeAnn khởi nghiệp ở tuổi 13 và nhanh chóng trở thành ngôi sao nhờ đĩa đơn Blue bán được 6 triệu bản. Ngay lập tức, cô rơi vào guồng quay của danh tiếng: biểu diễn 500 buổi trong vòng 3 năm rưỡi sau khi nổi tiếng. Người cha theo sát và hậu thuẫn cô rất nhiều, nhưng “tiền bạc là gốc rễ của tội ác”, như Rimes từng nói, cha cô đã nảy sinh lòng tham.

“Nhiều người chửi tôi là đứa con bất hiếu nhưng họ không hiểu chuyện” – Rimes nhớ lại năm 2006. Sau vụ kiện, mối quan hệ giữa cô và người cha dường như cắt đứt. Nhưng sự việc kết thúc cố hậu. Năm 2002, Rimes lần đầu kết hôn và cô muốn cha mình có mặt trong đám cưới. “Tôi đã học được từ rất sớm rằng, nếu con cái nhận ra ý nghĩa của sự tha thứ thì cha mẹ sẽ nghe theo họ”.

Càng kiện nhiều, càng tiến bộ

Có những vụ việc khác không gây xúc động như chuyện nhà LeAnn Rimes. Các ngôi sao từng kiện cha mẹ mình trong quá khứ có diễn viên phim câm Jackie Coogan, “thiên thần” Shirley Temple, nữ diễn viên Mimi Gibson.

Vụ kiện đình đám hơn nữa phải kể đến Macaulay Culkin, nam diễn viên Ở nhà một mình. Culkin kiếm được số tiền kếch xù 17 triệu USD từ vai diễn trong Ở nhà một mình, nhưng cha mẹ anh, những người đã ly hôn, tranh giành nhau quyền quản lý số tài sản này. Cuối cùng, tòa án quyết định không ai trong cả hai có quyền, và nhiệm vụ đó được giao cho một người bên ngoài gia đình Culkin.

Nam diễn viên Gary Coleman cũng nổi tiếng từ rất sớm trong thập niên 80 và được bố mẹ quản lý tiền bạc. Đến năm 20 tuổi, Coleman sa thải bố mẹ, tố cáo họ đã ăn chặn và sử dụng sai mục đích tiền của ông. Năm 1993, Coleman thắng kiện bố mẹ nhưng chỉ còn 1,3 triệu USD so với tài sản 18 triệu USD ông từng có.

Trong làng giải trí là vậy, còn trong đời sống cũng không thiếu chuyện con kiện cha mẹ. Năm 2014, cô gái 18 tuổi Rachel Canning đã đâm đơn kiện cha mẹ mình vì không chu cấp cho cô đầy đủ. Canning cho biết cha mẹ cô có thu nhập từ 250.000 đến 300.000 USD mỗi năm, nên cô yêu cầu được chu cấp 654 USD mỗi tuần. Ngoài ra, cô còn đòi 6.000 USD tiền học phí trung học.

Nhưng thẩm phán đã bác bỏ mọi mong muốn của Canning trước tòa, cho rằng không thể dung túng trường hợp này để về sau không tạo thành thói quen các thiếu niên đua nhau đâm đơn kiện để vòi vĩnh vật chất từ cha mẹ.

Theo Tom Rhodus, người từng là luật sư của LeAan Rhimes, có sự bùng nổ các vụ kiện như vậy trong vòng 20 năm qua so với các thập niên trước đó. Nhưng điều đó không nên bị coi là sự xuống cấp đạo đức. “Người ta có thể nghĩ xấu về hành động đó, nhưng nó cũng tốt khi nâng cao nhận thức của con người”.

Hạ Huyền
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm