Những tờ tiền của ông

08/05/2011 14:01 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH) - 1. Ngày còn bé, tôi hay được bố mẹ đưa sang nhà ông bà chơi. Ông bà trông tôi suốt cả ngày cho tới khi bố mẹ tan làm về qua đón. Buổi trưa, ông thường nằm ngủ trên phản, bà thì cặm cụi trồng rau, xới đất ngoài vườn. Vốn tính chiều cháu, ông bà chẳng bao giờ bắt tôi phải ngủ trưa. Được thả rông, cứ ăn cơm xong là tôi vù ra ngõ chơi với lũ bạn nhà hàng xóm.

Bắn bi, búng chun, đập bài. Không bao giờ được bố mẹ cho tiền tiêu vặt, nên tôi chỉ chơi bằng những viên bi sứt, chun giãn, bài rách của lũ bạn cho. Nhưng rồi những thứ vay mượn đó cũng hết. Tôi đứng cắn móng tay nhìn chúng mải mê chơi trong thèm thuồng.

Thế rồi ma xui quỷ khiến thế nào, một lần trong lúc ông ngủ trưa, tôi lẻn vào nhà, đưa bàn tay nhỏ xíu và run rẩy lục lọi túi chiếc áo khoác ông treo trên mắc. Những tờ giấy bạc một nghìn, hai nghìn nhàu nhĩ nằm trong bàn tay nắm chặt, mướt mát mồ hôi của tôi như cả một gia tài đồ sộ. Tôi lấy tiền của ông đi mua bi, mua chun, mua những lá bài mới cứng. Thua hết, lại đánh liều lấy tiền, lại mua...

Đến lần thứ ba, thứ tư gì đó thì tôi bị phát hiện. Mẹ kiểm tra cặp sách, phát hiện ra tiền thừa tôi còn giấu trong đó. Sau một hồi truy hỏi, chuyện vỡ lở, bố mẹ phạt tôi một trận đòn quắn đít và cấm túc một tháng.

Minh họa Lê Trí Dũng


2. Nhưng hình phạt đó không làm tôi nhớ và khiến tôi thấm thía bằng mẩu đối thoại ngắn ngủi mà tôi đã trải qua sau đó với chú tôi.

Chú đi bộ đội về nghỉ phép chỉ vài ngày sau khi tôi ăn đòn. Biết chuyện, chú gọi tôi vào phòng. Hai chú cháu ngồi đối diện nhau trong căn phòng không có ai cả. Tôi thậm chí không dám chùng lưng xuống. Căng thẳng. Sợ hãi. Im lặng chờ đợi cơn tức giận chuẩn bị ập lên đầu. Nhưng không, chú chẳng nói gì nhiều, cũng không quát lác hay đánh đập gì hết. Chỉ hỏi tôi một câu thế này: “Cháu có biết tiền mà cháu lấy của ông, ông giữ để làm gì không?”

“Không ạ.” - Tôi lí nhí đáp, mặt cúi gằm xuống đất.

Tôi nghe tiếng chú tự trả lời, giọng nghèn nghẹn: “Tiền đó là ông để dành. Để dành để khi nào chết đi, con cháu không phải tốn tiền mua quan tài cho ông, làm đám ma cho ông.”

Tôi bật khóc. Hình ảnh những tờ tiền nhàu nát cáu bẩn trong phút chốc ngợp đầy tâm trí tôi. Những đồng bạc vụn mà ông tôi - người ông với tấm lưng còng, với đôi mắt kèm nhèm, với đôi cánh tay gầy gò lấm chấm đồi mồi và đôi bàn chân bước đi chậm chạp như chỉ chực đổ ngã về phía trước - đã chắt góp tằn tiện không biết bao nhiêu năm trời để có được? Chỉ vì thương con thương cháu, không muốn mình trở thành một gánh nặng của chúng, ngay cả khi đã nhắm mắt xuôi tay thôi sao?

Tôi khóc, nước mắt nước mũi chảy dài, nỗi ân hận trào dâng. Chú vẫn ngồi yên ở đó, trước mặt tôi, đợi cho những tiếng nức nở thưa dần nhỏ dần rồi mới bảo tôi đi rửa mặt đi.

3. Cuộc đối thoại ngắn ngủi đó cho đến ngày hôm nay vẫn không một ai biết. Chú đã giữ kín nó cho tôi trong suốt những năm tháng khôn lớn trưởng thành.

Ông tôi qua đời. Đám tang ông được các con các cháu tổ chức đầy đủ, trang trọng. Khi đứng trước linh cữu ông tôi đã thầm hỏi: những tờ giấy bạc cũ nát đó giờ ở đâu? Chúng vẫn ngủ yên dưới đáy túi áo khoác ông thường mặc, hay đã theo ông lên tới thiên đàng?

Teppi

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm