Những đêm chung kết 'Chuông vàng" luôn có rating cao

30/07/2015 21:28 GMT+7 | Văn hoá

Chiều ngày 30/7, Đài Truyền hình TP.HCM (HTV) họp báo cuộc thi Chuông vàng vọng cổ 2015 do đơn vị này phối hợp với Công ty Kiết Tường tổ chức. Đây là cuộc thi lần thứ 10 của Chuông vàng vọng cổ nhằm tìm kiếm những tài năng trẻ bổ sung cho nghệ thuật đờn ca tài tử và cải lương Nam bộ.

Chuông vàng vọng cổ lần đầu được  HTV tổ chức vào năm 2006 dành cho các thí sinh ở TP.HCM và khu vực Nam bộ. Đến nay, cuộc thi này đã mở rộng toàn quốc dành cho những ai yêu thích loại hình nghệ thuật truyền thống của đất phương Nam.

Chuông vàng vọng cổ lần thứ 10 có 321 thí sinh đăng ký dự thi, nhiều nhất vẫn là thí sinh ở khu vực miền Tây Nam bộ. Qua các vòng sơ tuyển, cuộc thi đã chọn ra 48 thí sinh vào vòng chung kết khu vực. Các tỉnh Bến Tre, Bạc Liêu và Đồng Tháp có nhiều thí sinh vào chung kết nhất, mỗi tỉnh 8 người.

Vòng chung kết khu vực sẽ diễn ra trong 4 đêm. Khu vực Miền Trung và miền Bắc ngày 6/8 và miền Đông và TP.HCM ngày 13/8 tại Nhà hát Truyền hình HTV. Khu vực miền Tây diễn ra ngày 20/8 tại tỉnh Tiền Giang và 27/8 tại tỉnh An Giang.

Ban giám khảo vòng chung kết khu vực, gồm: NSƯT Kim Tử Long, NSƯT Quế Trân, NS Lê Tứ sẽ chọn ra 12 thí sinh vào chung kết xếp hạng.

NSƯT Kim Tử Long sẽ cùng với Quế Trân, Lê Tứ chọn ra 12 thí sinh vào tranh giải Chuông Vàng 2015

Vòng chung kết xếp hạng diễn ra trong 4 đêm tại tại Nhà hát Truyền hình HTV trong các ngày cuối tuần 3, 10, 17, 24/9. Sau mỗi đêm diễn, các thí sinh sẽ bị loại dần đến đêm cuối chỉ còn lại 3 thí sinh. NSƯT Kim Tử Long, NSƯT Quế Trân, NS Lê Tứ sẽ làm “huấn luyện viên” 3 thí sinh cho đêm thi cuối cùng.

Các NSND Trần Ngọc Giàu, NSND Bạch Tuyết, NSƯT Minh Vương sẽ là những người quyết định ai sẽ nhận giải Chuông Vàng 2015 với tiền thưởng 50 triệu đồng cùng các giải thưởng khác.

Ông Nguyễn Minh Hải, Trưởng ban Văn nghệ HTV, cho biết: “8 đêm diễn chung kết khu vực và xếp hạng như 8 mảnh ghép tái hiện lại sự hình thành và phát triển của cải lương nói chung và 10 năm cuộc thi Chuông vàng vọng cổ nói riêng. Sẽ có 8 chủ đề cho từng đêm diễn, chẳng hạng như: sự ra đời của cải lương miền Bắc, cải lương hài, cải lương miền Nam trước 1975… Chúng tôi mong muốn lần thứ 10 này, Chuông vàng vọng cổ sẽ chất lượng hơn để mở ra chặng đường mới”.

Trước sự lo lắng của nhiều người, khi mà nghệ thuật cải lương hiện nay ít được nhiều người xem như một loại hình nghệ thuật đại chúng. Ông Cao Anh Minh, Phó Giám đốc HTV, Trưởng Ban tổ chức Chuông vàng vọng cổ 2015, khẳng định: “Những đêm chung kết Chuông vàng vọng cổ các lần trước luôn có rating (lượng người xem) rất cao. Tôi khẳng định điều này khi so sánh với các chương trình giải trí thông thường khác trên đài. Điều này khẳng định, nghệ thuật đờn ca tài tử, cải lương Nam bộ vẫn thu hút khán giả”.

Chuông vàng vọng cổ qua 9 lần tổ chức đã tìm ra nhiều giọng ca hay, có triển vọng bổ sung vào đội ngũ nghệ sĩ cải lương, như: Lê Văn Gàn, Võ Minh Lâm, Hồ Ngọc Trinh, Nguyễn Văn Đợi, Võ Thành Phê, Bùi Trung Đẳng, Thu Vân, Nguyễn Văn Mẹo, Nguyễn Minh Trường…

THANH KIỀU

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm