Những cánh hoa đâu rồi? - Phía sau những lời thánh ca phản chiến

01/04/2015 15:14 GMT+7 | Âm nhạc

(Thethaovanhoa.vn) - “Đâu mất rồi những cánh hoa đẹp? Những cô gái trẻ ngắt hết chúng đi rồi. Vậy các nàng thiếu nữ ấy đâu? Họ về nhà chồng hết rồi. Vậy chồng họ đâu? Đi lính hết cả. Thế những người lính ấy đâu? Họ nằm ngoài nghĩa trang ấy. Vậy còn những nghĩa trang ấy? Mọc thành hoa hết cả. Thế những bông hoa ấy đâu? Những cô gái trẻ ngắt hết chúng đi rồi”.

Đó là Where Have All The Flowers Gone, một bài ca của hòa bình. Năm nay kỷ niệm 60 năm ngày Pete Seeger viết nên những lời ca bất hủ ấy.

Nỗi buồn chiến tranh

Năm 1955, Pete Seeger đang được xem là một trong những ca, nhạc sĩ rất nổi tiếng của dòng nhạc dân gian Mỹ. Nhưng sự nghiệp ông đang bị đe dọa. Thời điểm đó, ông và 6 người nữa đang bị HUAC (Ủy ban Kiểm tra hành động bất hợp pháp của Hạ viện Mỹ) bắt điều trần vì nghi ngờ thân Cộng. Với Pete, đó là một trong những khoảnh khắc đen tối nhất trong sự nghiệp khi sự tự do của ông, sự nghiệp của ông và cả sự an toàn, bị xâm hại. Và đây chính là nguồn cơn gây nên cảm hứng để Pete sáng tác ra ca khúc phản chiến bất hủ, Where Have All The Flowers Gone.

Tháng 10 năm ấy, trên một chuyến bay đi lưu diễn ở Ohio, Pete Seeger bất giác nhớ tới những ghi chép mà mình đã bỏ trong ví khá lâu. Đây là những ghi chép ông rút ra từ tác phẩm Sông Đông êm đềm của nhà văn Mikhail Aleksandrovich Sholokhov. Ba tờ giấy nhỏ ghi lại nội dung của một bài dân ca Cossack (Koloda-Duda) mà Sholokhov viết trong tác phẩm. Đại ý nói về những cô gái đi lấy chồng và chồng họ, những người lính Kossack đều ra chiến trường.    

Pete Seeger nhớ lại ông đã viết những mảnh giấy đó vài năm trước và giờ khi cầm nó trên tay, ông bỗng buột miệng “long time passing” (thời gian trôi nhanh quá). Chỉ cần bấy nhiêu, Pete nghĩ, cũng có thể tạo nên một câu hát hay. Và chỉ trong vòng 20 phút, Where Have All The Flowers Gone đã ra đời. Giai điệu của nó, được dựa trên một bài dân ca Mỹ Drill, Ye Tarriers, Drill.


Ca sĩ, nhạc sĩ Pete Seeger (trái) trong một tiết mục biểu diễn phản đối chiến tranh tại New York năm 1975

Và ngay tại buổi biểu diễn tại sân trường Oberlin sau đó, Pete Seeger lần đầu công bố ca khúc này. Lúc ấy nó chỉ có ba đoạn nhưng cũng đủ khiến các cử tọa vỗ tay liên tục. Và trong đám cử tọa ấy, có một sinh viên mạnh dạn nói với Pete rằng, hãy để cho anh được làm thêm hai đoạn nữa. Chàng trai đó chính là Joe Hickerson, người sau này cũng là một nghệ sĩ dân ca nổi tiếng.

Ba đoạn đầu của Pete Seeger mới chỉ mô tả nỗi buồn khi những cánh hoa biến mất và người ngắt chúng là những cô gái. Rồi những cô gái ấy đi lấy chồng và chồng của họ đi đâu? Chính Joe Hickerson đã thêm vào hai đoạn nữa khi viết rằng chồng của những cô gái ấy đã ra chiến trường và trở về bằng những nấm mồ xanh. Và trên những nấm mồ ấy, những bông hoa lại mọc rạng rỡ dưới nắng ban mai.

Năm 1960 bài hát được chính thức phát hành và trở thành một trong những ca khúc phản chiến nổi tiếng. Rất nhiều người hỏi Pete Seeger ý nghĩa thật sự của bài hát nhưng ông nhất quyết từ chối. “Tôi mà nói thì những tưởng tượng của bạn sẽ biến mất ngay”. Bài hát này được xem như bản Thánh ca phản chiến, nhất là khi cuộc chiến ở Việt Nam đã đem những người con nước Mỹ ra đi không về.

Marlene Dietrich, nữ minh tinh huyền thoại người Đức, người đã hát bài này bằng tiếng Đức vào năm 1962 khiến bài hát càng trở nên nổi tiếng hơn, nói rằng: “Ca khúc này chẳng có ý nghĩa nào khác là chúng ta cần phải sống trong hòa bình. Dù Where Have All The Flowers Gone có dịch ra bao nhiêu ngôn ngữ thì ý nghĩa của nó không hề thay đổi bởi nó liên quan đến cuộc sống của tất cả mọi người ở mọi nơi và thời nào nó cũng mô tả đúng sự phũ phàng của chiến tranh”.

Thánh ca Hòa bình

Where Have All The Flowers Gone tính đến nay có ít nhất 300 phiên bản thể hiện lại với khoảng gần 30 ngôn ngữ khác nhau trên toàn thế giới. Nổi tiếng là thế nhưng đôi khi nó cũng vướng vào những lấn cấn về quyền tác giả.

Năm 1961, tam tấu huyền thoại Kingston Trio đã đưa Where Have All The Flowers Gone trở thành một hit, đứng 5 tuần liên tục trên bảng xếp hạng Billboard. Nhưng họ lại ghi tên mình như là tác giả ca khúc này bởi cho rằng đây vốn là nhạc dân ca từ thế kỷ 19. Những tranh cãi đã nổ ra giữa Pete Seeger và Kingston Trio, cuối cùng nhóm tam tấu phải xin lỗi và trả lại đúng tên tác giả cho bài hát.

Bản thân Pete Seeger cũng đã chia 20% tác quyền cho Joe Hickerson, người viết thêm lời cho ca khúc này.

Những tranh cãi nổ ra một phần nguyên nhân vì bài hát quá nổi tiếng và thông điệp của nó, cho dù chỉ mang tính tự sự của một câu chuyện buồn, nhưng lại đánh động người nghe rất mạnh mẽ. Trong thập niên 1960 và 1970, khi những phong trào phản chiến nổ ra, hầu như ở tất cả các đại nhạc hội hay những cuộc biểu tình chống chiến tranh tại Việt Nam, hầu như bất cứ nghệ sĩ nổi tiếng nào cũng hát lại bài này. Từ Joan Baez cho đến Harry Belafonte, từ Peter, Paul & Mary cho đến The Brothers Four. Nhất là từ năm 1965, khi Mỹ mở rộng cuộc chiến tại Việt Nam thì bài hát này lại càng vang rộng và ở góc độ nào đó, nó không làm hài lòng nhiều người trong chính quyền Nhà Trắng lúc ấy. Nhất là ở câu điệp khúc được lặp đi lặp lại: “When Will We Ever Learn?” (Đến khi nào chúng ta rút ra được bài học?).

Năm 2010, tờ báo New Statesman đã xếp Where Have All The Flowers Gone vào danh sách 20 bài hát mang tính chính trị mạnh mẽ nhất thế kỷ 20 “bởi sự lan tỏa lâu dài của nó gần như không có điểm dừng khi những cuộc chiến vẫn cứ tiếp diễn và đến tận hôm nay nó vẫn mang đến những nhận thức mới cho những người trẻ chưa từng nghe nó bao giờ”.

Pete Seeger mất năm ngoái ở tuổi 94. Ông được xem là tượng đài bất hủ của nhạc folk Mỹ và chắc chắn, trong số những bài hát đưa ông lên thành huyền thoại, Where Have All The Flowers Gone đóng vai trò quan trọng nhất bởi nó là Thánh ca của hòa bình.

Nguyên Minh
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm