29/04/2014 12:09 GMT+7 | Văn hoá
“Cục điều tra liên bang Mỹ nói rằng các tác phẩm đó được thực hiện bởi đôi bàn tay của một thiên tài. Chà, thiên tài đó là tôi. Cảm giác thật quá đỗi kỳ lạ" - đó là lời họa sĩ gốc Trung Quốc Pei-Shen Qian nói với trang tin Bloomberg Businessweek hồi tháng 12/2013, về các tác phẩm mà ông tạo ra trong gara xe hơi của mình ở New York.
Ông bị buộc tội là thành viên của một mạng lưới lừa đảo nghệ thuật mới bị chính quyền Mỹ phát hiện và vẫn đang lẩn trốn. Vụ bắt giữ một thành viên của tổ chức này vừa được thực hiện vào ngày 18/4 ở Tây Ban Nha và không lâu sau đó, bản cáo trạng được Mỹ công bố đã cho thấy các phương thức làm giả tinh vi mà những kẻ trong cuộc thực hiện, để cho ra các tác phẩm giả hoàn hảo, có thể đánh lừa cả giới sưu tầm và chuyên gia nghệ thuật dày dạn kinh nghiệm. Bản cáo trạng quá chi tiết tới mức tờ New York Times nhận xét rằng nó giống như "sách hướng dẫn dành cho giới làm giả tranh".
Tuy nhiên không chỉ cơ quan công tố mới làm lộ ra các bí mật đó. Trong mấy tháng qua, "bậc thầy" làm giả tranh Wolfgang Beltracchi đã trả lời phỏng vấn các đài truyền hình CBS, Channel 4 News và cả tờ Sunday Times, công khai hàng loạt "bí kíp" làm giả tranh của dân trong nghề.
1. Một tiểu sử đáng thuyết phục
Beltracchi và vợ Helene đã được gọi là "cặp vợ chồng kẻ cướp Bonnie và Clyde của thế giới nghệ thuật", đứng sau vụ lừa đảo nghệ thuật lớn nhất thế giới. Cùng nhau họ đã tiến hành nhiều biện pháp tinh vi để khiến tranh giả giống thật, ví dụ như tuyên bố Helene đã thừa hưởng một bộ sưu tập từ bà ngoại của mình, người đã giấu các bức tranh để tránh khỏi bị phát xít Đức cướp phá.
Cặp vợ chồng còn làm giả một bức hình chụp "bà ngoại" của Helene, với nhân vật này do chính bà ta thủ vai, phía sau lưng bà là các bức tranh giả do Beltracchi vẽ, treo trên tường. Bức ảnh được chụp bằng một chiếc máy ảnh cổ và được rửa bằng giấy ảnh có từ thời trước chiến tranh để tăng độ chân thực.
2. Sử dụng đúng vật liệu khung tranh
Nhà Beltracchi làm ra nhãn hiệu chứng nhận của một số gallery nghệ thuật "ma" để tăng tính chân thực. Ngoài ra họ còn mua đồ nội thất cũ tại chợ đen và những nơi khác để có gỗ ép masonite, một vật liệu từng được nhiều bậc thầy thuộc trường phái trừu tượng sử dụng. Chợ đen dường như luôn đóng vai trò quan trọng với những kẻ làm giả tranh thành công, bởi nơi đây cung cấp khung tranh khớp với thời kỳ nhiều danh họa từng sống.
3. Cẩn thận lựa chọn màu vẽ
Cáo trạng của chính quyền Mỹ nói rằng Qian đã được cung cấp "một loại sơn dầu cũ được tạo ra trong thời đại mà danh họa bị làm giả tranh từng sống để đảm bảo nó giống tranh thật nhất". Nhà Beltracchi cũng thường gửi sơn dầu tới nhiều phòng nghiên cứu để kiểm tra xem có phải chúng được sản xuất vào thời các danh họa còn sống hay không.
Nhưng dù kiểm tra rất kỹ, có lúc Beltracchi vẫn phạm sai lầm. Một gallery nghệ thuật đã yêu cầu kiểm tra thành phần hóa học trong một bức tranh giả được cho là thuộc về họa sĩ Hà Lan thế kỷ 20 Heinrich Campendonk. Kết quả là thành phần của nó có màu trắng titanium, một màu vẽ chưa tồn tại khi Campendonk còn sống. 4. Làm cũ tranh siêu đẳng
Một trong số những kẻ bị khởi tố tại vụ làm giả tranh ở Mỹ là Jose Carlos Bergantinos Diaz nói rằng gã đã cho các bức tranh giả trải qua nhiều quy trình làm cũ, ví dụ hơ nhiệt rồi làm lạnh hoặc để tranh ở ngoài trời. Có lúc gã còn để máy khò gần một trong các bức tranh để nó trông cũ hơn. Nhà Beltracchi thì làm tranh cũ đi bằng cách để chúng trong chiếc lò sấy đặc biệt do họ chế ra hoặc vẩy nước chè, nước cà phê.
5. Để ý từng chi tiết nhỏ
Helene Beltracchi thường xuyên lùng sục chợ đen để tìm các khung tranh phù hợp với thời kỳ ra đời trong tác phẩm giả. Khi mang khung tranh về, cặp vợ chồng thường tháo tung ra, thu lấy các hạt bụi rồi rải lên tranh giả dang vẽ dở để tăng độ chân thực về thời gian. Cá nhân Qian thường để kèm bức tranh giả các "phụ kiện" giả, ví dụ một phong bì chứa đầy những chiếc đinh cũ, bên ngoài viết chữ "Mark Rothko".
6. Có dấu ấn chuyên gia
Các bậc thầy làm giả thường nghiên cứu kỹ cuộc sống của nhiều nhân vật khác nhau trong thế giới nghệ thuật, gồm cả các nhà sưu tập và môi giới nghệ thuật, dựa vào đó để tạo ra một lịch sử sở hữu giả với nhiều gương mặt uy tín.
Về phía mình, Beltracchi thường bán tranh ở Anh, Mỹ và Nhật Bản, thông qua các nhà đấu giá hoặc buôn tranh hàng đầu. Ông này nói với tờ Sunday Times: “Bán tranh giả dễ ợt. Nếu tranh đã được chứng nhận từ các chuyên gia, giới buôn tranh sẽ không hỏi nhiều. Trong khi đó các chuyên gia, những người nổi tiếng không thể bị mua chuộc, đã đơn giản không thể phát hiện ra tranh giả của tôi vì nó quá xuất sắc".
7. Mang vóc dáng của tác phẩm xịn
Beltracchi nói rằng ông ta chưa từng chép một bức tranh nào của các danh họa. Thay vì thế, ông ta làm giả bằng cách tạo ra các tác phẩm tưởng tượng, xuất hiện trong những khoảng trống sự nghiệp của một danh họa. Bằng cách này ông ta sẽ có một bức tranh "bị thất lạc", "chưa từng công bố".
Beltracchi thường nghiền ngẫm và hấp thụ hoàn toàn phong cách vẽ của một danh họa. Ví dụ khi làm giả một bức tranh của danh họa thuận tay trái Raoul Dufy, ông ta đã chỉ dùng tay trái của mình để vẽ. Lúc làm giả tranh của Max Ernst, người thích sáng tạo tranh trên sàn gỗ, ông ta đã tới một cây cầu gỗ gần nhà để vẽ.
Ngoài ra, Beltracchi còn khai thác một lỗ hổng nữa là người trong giới nghệ thuật thích tin vào những chuyện hoang đường. Kết quả là một trong những bức tranh làm giả tác phẩm của Max Ernsts đã xuất hiện tại Bảo tàng nghệ thuật thủ đô New York, trong khi bức khác được bán với giá 7 triệu USD.
Tường Linh (Theo BBC)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất