Nhìn lại LHP Quốc tế VN: LHP mà thiếu chuẩn bị về phim

23/10/2010 11:00 GMT+7 | Phim

(TT&VH) - Thông tin về Lễ trao giải LHP Quốc tế VN đã được cập nhật trên tờ điện tử The Hollywood Repoter (Mỹ), LHP đã được đón những tên tuổi lớn của điện ảnh thế giới, chủ nhà cũng giành được 2 giải thưởng chính thức... Nhưng “hậu” LHP, ngoài những “bàn thắng” này, có lẽ, còn nhiều điều cần “thành thực” để nhìn về điện ảnh Việt...

>> Chuyên đề: Liên hoan phim Quốc tế Việt Nam

Có rất nhiều điều cần phải bàn về một LHP mới toanh như LHP Quốc tế Việt Nam (VNIFF). Trong những thành công (ở mức độ nhất định) còn có rất nhiều hạn chế (có thể liệt kê thành một danh sách). Có những lỗi (xảy ra trong trường hợp bất khả kháng) có thể cho qua nhưng có những lỗi rất khó chấp nhận, thuộc về khâu tổ chức.

Từ Lễ trao giải nhiều “sạn”...

Thật đáng tiếc khi tâm điểm của LHP là Lễ trao giải diễn ra tối ngày 21/10 lại có nhiều sạn đến mức khó lòng có thể cho qua.

Dẫn chương trình đêm chung kết là nhà báo Lại Văn Sâm và MC Ngô Mỹ Uyên. Một cặp dẫn tưởng như rất ổn nhưng vẫn mắc những lỗi rất đáng tiếc. Đó là khi Lại Văn Sâm dịch lời của Ngô Ngạn Tổ lại bỏ sót quá nhiều ý và “ứng tác” nhiều đến nỗi khán giả bên dưới không khỏi bật cười. Bao nhiêu ý tứ của người phát biểu đã không được chuyển tải hết. Đến câu dịch “khó”, MC Lại Văn Sâm bất ngờ chuyển sang cho Ngô Mỹ Uyên. Người đẹp này không hiểu vì mải đứng nghe Lại Văn Sâm dịch, hay vì không chú ý nên khi bị “chuyền bóng” bất ngờ đành dịch... cho xong.


Trao giải Đạo diễn xuất sắc nhất tại VNIFF tối 21/10 vừa qua. Ảnh: Nhật Anh
Những người dịch trực tiếp trên sân khấu đêm trao giải đã không làm tròn nhiệm vụ. Thậm chí, những thông tin thú vị, lời nói “có cánh” của đạo diễn Đặng Nhật Minh dành cho nhà quay phim của “Đông Dương” cũng bị phiên dịch... phóng tác.

Buổi họp báo sau Lễ trao giải cũng diễn ra trong cảnh “ông nói chằng bà nói chuộc” bởi nhà báo hỏi, phiên dịch không thực hiện được việc chuyển ngữ câu hỏi tới BGK...

Là một LHP quốc tế nên tính giao lưu phải được coi trọng. Khi đã không thể hiểu ý nhau thì không thể giao lưu, chưa dám nói đến hợp tác. Không hiểu BTC của LHP có chú ý đến vấn đề này?

Cần phải nói thêm, để tổ chức LHP chúng ta cũng đã đi nước ngoài tham khảo, đã tốn công quảng bá về VNIFF tận Cannes... Không ít lễ trao giải thưởng điện ảnh, LHP “made in Việt Nam” cũng đã được tổ chức... Vậy mà... Thật tiếc!

... đến nỗi buồn của điện ảnh Việt
 
Chiếm 2 trong 6 giải thưởng chính thức được trao tại VNIFF lần thứ nhất, nhưng điện ảnh VN vẫn bị xem là... thua ngay trên sân nhà khi để tuột mất những giải thưởng quan trọng. Và buồn hơn nữa, cái sự “thua cuộc” này dường như là điều được đoán trước.

Thông tin bên lề cho hay, giám khảo Marco Mueller có cảm tình với phim Trung úy. Nhưng có lẽ, đó chỉ là cảm xúc cá nhân của vị đạo diễn này... Long Thành cầm giả ca - câu chuyện đậm chất Việt - dù khá chỉn chu, song có vẻ hơi dàn trải và thiếu kịch tính. Ngay từ đầu, đạo diễn nổi tiếng Hollywood Phillip Noyce đã chia sẻ, chỉ bộ phim hay nhất, mang lại cảm xúc cho khán giả và có giá trị nhân văn sâu sắc mới xứng đáng là bộ phim xuất sắc nhất.

Trung úy ra về trắng tay ở VNIFF, song đạo diễn Hà Sơn không lấy làm buồn. “May mà phim không đoạt giải. Mấy ngày LHP tôi đứng ngồi không yên. Nói thật, cả đoàn phim, chẳng ai mặn mà mang phim dự thi” - Hà Sơn chia sẻ.

Lý giải cái sự không mặn mà ấy, ông nói thêm: “Thẳng thắn mà nói, điện ảnh Việt Nam chưa chuẩn bị đầy đủ cho một LHP quốc tế. Có lẽ đó vẫn là một cuộc chơi xa xỉ. Ta đã dũng cảm... hơi sớm, vì thực sự LHP mà không có phim, không có “hàng hoá” thì mất vui. Hai phim dự thi đều không hợp. Một phim “cua đồng” (lời của chính đạo diễn nói về phim Trung úy của ông - PV), một phim “thơ phú” để chào mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long (ý nói phim Long Thành cầm giả ca)...

Đạo diễn Hà Sơn tự nhận: “Phim Trung uý là câu chuyện nội, phục vụ khán giả nội. Tôi chẳng hiểu sao người ta lại đưa bộ phim kỹ xảo... phọt phẹt như thế được đem đi thi thố? Dự toán trang phục 420 triệu đồng thì được nhận 12 triệu. Khói lửa dự toán 450 triệu đồng mà cắt chỉ còn 23 triệu... Thế nên, khi quốc tế đưa đến những U17, U19, cùng lắm là U21, chứ chưa phải đội quân tinh nhuệ, chúng ta cũng không đấu nổi. LHP có tiêu chuẩn của LHP, không phải “chuẩn” của rạp chiếu. Tôi đảm bảo, nếu Lâu đài cát (Singapore) đem chiếu ở rạp ta, sẽ thua là chắc... Điều tôi băn khoăn là việc tổ chức LHP quốc tế đã được chuẩn bị từ nhiều năm rồi, sao điện ảnh Việt vẫn... chậm chân?”.

Theo kế hoạch, năm 2012, VNIFF sẽ trở lại tại TP.HCM - một thị trường điện ảnh sôi động và chiếm tới khoảng 70% doanh thu phòng vé. Nhưng phải nói rằng, hiện giờ, cũng như Hà Nội, TP.HCM vẫn chưa có địa điểm, rạp chiếu... để tổ chức LHP. Nếu tình cảnh “chạy quanh” lặp lại thì có nghĩa là khâu tổ chức sẽ còn bất ổn. Đấy là còn chưa kể đến, trong hai năm, liệu điện ảnh Việt có chuẩn bị đủ “hàng” để mang ra thi thố? Một LHP, chỉ cần mang đến một khuynh hướng phim độc đáo đã đủ “hữu xạ tự nhiên hương” rồi...

Hải Diệp - Thu Hằng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm