Nhiều ngành nghệ thuật dừng tuyển sinh: Cần 'hiểu', chứ không cần 'chiếu cố'

12/02/2014 13:19 GMT+7 | Văn hoá


(Thethaovanhoa.vn) - “Đây là sự không gặp nhau về quan điểm, chứ không phải vấn đề chất lượng giảng viên” - PGS Trần Thanh Hiệp, Hiệu trưởng Trường ĐH Sân khấu & Điện ảnh Hà Nội khẳng định - “Bởi thế, cần nói rõ: chúng tôi không xin chiếu cố, linh động, đặc cách... - mà đề nghị các cơ quan chức năng hiểu rõ đặc thù của ngành để điều chỉnh”.

Như TT&VH đưa tin trong số báo ngày 10/2, công văn số 454 của Bộ Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT) đã yêu cầu hàng trăm chuyên ngành đại học trên cả nước phải ngừng tuyển sinh trong năm 2014 vì không đảm bảo các quy định về học hàm, học vị của giảng viên. Rất nhiều cơ sở đào tạo nghệ thuật rơi vào trường hợp này.

“Chồng chéo” quyết định?

Trước đó, theo quyết định ra ngày 25/1 do Thủ tướng Chính phủ ký, bản Quy hoạch phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn 2030 có xác định các trường trong nước mỗi năm cần đào tạo 10-15 nhà sản xuất phim, 10-15 biên kịch, 10 nhà lý luận phê bình, 10-20 quay phim, 10 hoạ sĩ hoá trang và 25-30 diễn viên. Tuy nhiên, toàn bộ các chuyên ngành này đều nằm trong danh mục bị Bộ GĐ&ĐT “cấm” tuyển sinh năm 2014.

Theo đạo diễn-NGND Lê Đăng Thực (nguyên hiệu trưởng của trường), khi thành lập năm 1980, các cơ quan chức năng đã thống nhất với trường về chủ trương mời các diễn viên, đạo diễn, họa sĩ... đang hoạt động về tham gia giảng dạy. Trước đó, tiền thân của trường là 2 Trường Trung cấp Sân khấu VN và Điện ảnh VN cũng hoạt động theo mô hình này.


Dù mới chỉ có tấm bằng đại học, NSƯT Anh Tú (trái) vẫn đang là một giảng viên chính tại Trường ĐH SK&ĐA

“Chúng tôi đã trình bày rất rõ và các lãnh đạo cũng đều hiểu về đặc thù đòi hỏi thực tế của ngành. Bây giờ, nếu phải dừng tuyển sinh, rõ ràng Trường ĐH SK&ĐA không thể có điều kiện để đáp ứng các yêu cầu mà bản Quy hoạch đề ra” – ông Lê Đăng Thực nói.

Bên cạnh 2 Trường ĐH SK&ĐA trên cả nước, một số trường nghệ thuật cũng được Bộ GD&ĐT yêu cầu dừng tuyển sinh một số chuyên ngành từ 2014 là Học viện Âm nhạc Huế (4 chuyên ngành), Học viện Âm nhạc Quốc gia (1 chuyên ngành), Nhạc viện TP. HCM (1 chuyên ngành), ĐH Mỹ thuật TP. HCM (4 chuyên ngành).
Ngày 8/2 vừa qua, Trường ĐH SK&ĐA đã có công văn số 38 gửi tới lãnh đạo Bộ VH,TT&DL cùng lãnh đạo Bộ GD & ĐT để trình bày vấn đề này. Theo công văn, các môn học về kiến thức cơ bản và các môn cơ sở của trường đều được giảng dạy bởi những người có học vị tiến sĩ, thạc sĩ. Còn lại, các môn học chuyên môn tại đây đều được giảng dạy bởi những nghệ sĩ có tài và có tư chất sư phạm tại VN. Bởi vậy, nhà trường đề nghị Bộ GĐ&ĐT tham khảo ý kiến từ phía Bộ VH,TT&DL để có sự vận dụng phù hợp đối với đơn vị này.

Trước câu hỏi của TT&VH về khả năng quyết định này không được thu hồi, Hiệu trưởng Trần Thanh Hiệp thẳng thắn cho biết: “Tôi không nghĩ điều ấy sẽ xảy ra. Bởi, nếu cứ áp theo quyết định ấy, hàng loạt cơ sở đào tạo nghệ thuật trên toàn quốc sẽ phải đóng cửa. Có lẽ, đây chỉ là câu chuyện về sự áp dụng máy móc kế hoạch chuẩn hóa đội ngũ giảng viên của ngành giáo dục mà không tính đến những trường hợp mang đặc thù riêng”.

Không thể “quy đổi” từ bằng cấp sang danh hiệu

Trong luồng ý kiến không đồng tình với quyết định của Bộ GD&ĐT, một số nghệ sĩ cũng đã đề nghị được chuyển từ yêu cầu phải có “1 tiến sĩ, 3 thạc sĩ” khi đào tạo ĐH sang yêu cầu có “1 NSND, 3 NSƯT” với các trường nghệ thuật. Tuy nhiên, trao đổi với TT&VH, nhiều nghệ sĩ lại tỏ ra không mặn mà với ý tưởng này.

“Quy đổi theo tiêu chí như vậy tưởng đơn giản nhưng lại phát sinh nhiều chuyện hơn” - họa sĩ thiết kế Song Hào nhận xét - “những chuyên ngành đặc thù như âm nhạc sân khấu, kĩ thuật điện ảnh... thì lấy đâu ra các danh hiệu NSND hay NSƯT. Chưa kể,  thực tế cũng có nhiều nghệ sĩ tài năng nhưng lại thiếu duyên với những kì xét tặng danh hiệu”.

PGS Trần Thanh Hiệp cũng khẳng định: “Sự thật, hầu hết các nghệ sĩ đang giảng dạy về diễn viên, đạo diễn tại trường cũng đều là NSND hoặc NSƯT. Nhưng, nếu lại coi điều đó như một tiêu chí bất biến, thì chúng ta đang chuyển từ sự máy móc về bằng cấp sang sự máy móc về danh hiệu. Việc tuyển chọn giảng viên đối với các ngành sân khấu, điện ảnh đòi hỏi một sự linh hoạt đặc thù. Cùng là người trong làng nghệ thuật, các học viên tại đây hoàn toàn có thể có nguyện vọng học một diễn viên, đạo diễn giỏi nhưng không có danh hiệu nào, thay vì một NSƯT, NSND mà bản thân họ không thấy hứng thú”.

Chiêu Minh
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm