Nhân mùa Oscar 2013: Mồ hôi ở Hollywood

18/02/2013 05:59 GMT+7 | Phim


(Thethaovanhoa.vn) - Không chỉ một vài phụ huynh hay nhà sư phạm khả kính ở đất ta mới loay hoay tìm cách giảm độ “máu me” của truyện cổ tích. Tròn 75 năm trước, chính Walt Disney đã bị các nhà phê bình điện ảnh nhắc nhở rằng Bạch Tuyết và 7 chú lùn sẽ gây ác mộng cho trẻ con.

Rốt cuộc, ông chủ xưởng phim đã thắng, sau khi bắt chính các con gái yêu của mình xem phim trước để thử nghiệm. Song chính ông gần như kiệt quệ vì tác phẩm mang nặng đẻ đau này.

Cơn sốc bất ngờ

Vụ công chiếu đầu tiên cho một lượng khán giả chọn lọc ở rạp Fox Theatre tại thành phố Poloma có thể nói là được chuẩn bị rất kỹ càng. Thành phố nắng ấm thuộc bang California này có mấy trường đại học danh giá, và giới trẻ ở đây nhìn chung khá cởi mở với nghệ thuật hoạt hình còn quá mới, nhất là chưa phim hoạt hình nào được sản xuất với độ dài như phim truyện.

Ít nhất là trong 60 phút đầu. Lũ trẻ xuýt xoa, hò hét, vỗ tay - như các nhà sản xuất dự tính và mong đợi.

Nhưng đột nhiên, như nghe theo một mệnh lệnh bí mật, gần nửa rạp xô ghế đứng dậy và rời khỏi rạp.

Bộ phim đã mang về cho Walt Disney khá nhiều tượng Oscar

Disney và các cộng tác viên của ông ôm ngực vì đau tim: Khán giả không thích phim này sao? Một năm trời ròng rã của 570 họa sĩ đem đổ xuống sông xuống bể hết hay sao? Disney đã mường tượng ra trước mắt các khuôn mặt thỏa mãn của cả xưởng phim, vì chính ông cũng biết rõ tính cầu toàn đến tuyệt đối của mình và nhân viên của ông cực khổ ra sao dưới áp lực công việc do ông gây ra. Rồi thì, cũng phải nhắc đến số tiền 1,5 triệu USD, gấp 6 lần số tiền dự trù ban đầu. Không thu lại được ít nhiều thì xưởng phim Disney có nguy cơ sập tiệm.

May sao, sau đó ông chủ Disney vốn yếu thần kinh mãn tính từ khi bước chân vào địa hạt mới của nghệ thuật thứ Bảy này hiểu ra sự thực: sinh viên phải có mặt ở ký túc xá trước 22 giờ! Disney và người của ông được phép thở phào và xem đến hết buổi chiếu thử, cũng như tiếp tục bàn tính cho buổi ra mắt công khai ở rạp Carthay Circle Theatre hôm 21/12/1937. Nhà hát này ở Hollywood có thể coi như phòng hộ sinh cho mọi phim mới có tầm cỡ. Tấm thảm đỏ hôm đó trải ra cho Marlene Dietrich và Douglas Fairbanks, người cho hoàng tử trong phim mượn bộ mặt điển trai của mình, Shirley Temple và chuột Micky, dĩ nhiên cả 7 chú lùn.

Ai được dự buổi đầu, ai bị loại?

Walt Disney có chủ ý rõ ràng: ông muốn tạo một tiểu vũ trụ gồm toàn các sao sáng của điện ảnh Mỹ bấy giờ, để qua đó nuôi một ảo ảnh bao quanh tác phẩm chứa chan kỳ vọng của mình. Thậm chí Adriana Caselotti, người cho nàng Bạch Tuyết mượn giọng nói khả ái của mình, cũng không nhận được giấy mời, và cũng phải vất vả luồn qua cửa hậu để tham gia bữa tiệc cocktail sau đó.

Phim hoạt hình Bạch Tuyết và 7 chú lùn

Cũng dễ hiểu thôi: Disney đã phải bỏ hết tâm huyết cho dự án sinh tử. Ngay cả ông anh ruột Roy, người dẫn mối cho nhiều nhà tài trợ và nắm trong tay bộ phận tài chính của xưởng phim Disney, liên tục hoài nghi về thành công của em mình. Khi dự toán tài chính liên tục bị chỉnh theo hướng đắt lên và thời gian làm phim từ 8 tháng biến thành 4 năm, Roy đã nói thẳng vào mặt em trai: Stick to Shorts (quay lại làm phim ngắn thôi!).

Quả thật xưởng Disney kiếm bộn tiền trước đó với những clip ngắn vài phút, thường được chiếu trước các phim chính. Nhưng sau một thời gian, Disney biết rằng kiểu phim này sẽ đi vào ngõ cụt. Đầu thập niên 1930, kinh tế Mỹ chao đảo trong cơn khủng hoảng, khiến các rạp tìm đủ cách tiết kiệm, và họ bỏ các clip đó trước tiên. Ý nghĩ táo bạo của Disney cũng từ đó mà ra: Tại sao không làm phim hoạt hình dài 90 phút cho cả buổi tối?

Sau khi bị Paramount nẫng tay trên bản quyền của Alice trong xứ sở diệu kỳ, Disney đành quay về với truyện cổ Grimm, nhưng dĩ nhiên phải… Mỹ hóa. Ông kéo dài và khắc sâu mọi chi tiết trong bản chính, cho mỗi chú lùn một tên riêng và tạo cho mỗi chú một tính cách đặc trưng. Cả đoạn kết rợn của nguyên bản - khi hoàng hậu gian ác phải khiêu vũ trong đôi giày bằng gang nung đỏ cho đến khi lăn đùng ra chết - cũng được các nhà ảo thuật Hollywood nhào nặn lại, và họ còn gắn thêm một loạt bài hát vui nhộn khiến anh em nhà Grimm có lẽ phải nhăn mặt cựa mình trong mộ! Giờ thì mọi thứ phải được chuyển thể một cách nhuần nhuyễn lên màn bạc. Tuy nhiên, trí tưởng tượng kiệt xuất của Disney cũng không đoán ra, đây sẽ là một trong những phim phức tạp nhất và đắt đỏ nhất lịch sử làm phim hoạt hình đương đại.

Ai cũng yêu “Bác Walt”!
Hay không phải?

Nàng Bạch Tuyết và 7 chú lùn thu về 2 triệu USD sau 6 tháng công chiếu (giá vé hồi đó là 25 Cent), dịch ra 10 ngôn ngữ để chiếu tại 46 nước. Năm 1938 phim đoạt giải Oscar đặc biệt: một tượng Oscar lớn và 7 tượng lùn bé xíu

Tuyệt đối tin vào thành công tiềm năng, Disney xông xênh tuyển người cho dự án. Ban đầu ông tính đến 6 họa sĩ, chẳng mấy chốc phải gọi thêm 50, chưa kể 50 trợ lý bán thời gian! Phần nhạc nền được trao cho dàn nhạc 24 người, vài chục nhà soạn nhạc và nhà văn được ký hợp đồng… Càng về cuối, Disney càng phải tuyển thêm họa sĩ, thậm chí phải mua thêm một phim trường ở đại lộ Hyperion Avenue sát vách thì mới đủ chỗ cho chừng ấy nhân viên.

Disney muốn cai quản nhân viên như một đại gia đình. Những cộng tác viên trẻ, như Marge Belcher là người đứng làm mẫu vẽ cho các chuyển động của nàng Bạch Tuyết, gọi ông là “Bác Walt”. Đa phần nhân viên, trừ họa sĩ phải sát hạch tay nghề, được ông tuyển vào theo cảm tính. Nhìn chung họ phải sống bằng đồng lương còm cõi, khoảng 20USD mỗi tuần, và liên tục bị làm thêm giờ. Disney hứa sẽ thưởng hậu hĩnh nếu phim thành công lớn, nhưng hầu như sau này chẳng ai được thêm đồng nào. Gọi ông ta là kẻ bóc lột tàn bạo thì sẽ làm mếch lòng con trẻ, song có lẽ không oan chút nào…

Chính Disney cũng hy sinh toàn bộ cuộc sống riêng tư cho dự án để đời, hầu như cả 24 tiếng hàng ngày ở Hyperion Avenue, ngủ trên tràng kỷ ở văn phòng, không gặp mặt các con gái. Có thể nói, đứa con gái mang tên Bạch Tuyết mới là con cưng nhất của đời ông.

Kết cục thì ta đã biết: Nàng Bạch Tuyết và 7 chú lùn trở thành cái mà hôm nay vẫn được gọi là bom tấn. Sau 6 tháng, phim đem lại 2 triệu USD (giá vé hồi đó là 25 cent), dịch ra 10 ngôn ngữ để chiếu tại 46 nước. Năm 1938 phim đoạt giải Oscar đặc biệt: một tượng Oscar lớn và 7 tượng lùn bé xíu. Cái giá ấy cao hay thấp? Tùy cảm nhận của mỗi người.

Lê Quang
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm