Nhân lực sân khấu - điện ảnh - truyền hình: Khi 'cung' chủ động gặp 'cầu'

17/09/2014 08:43 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Cả 3 ngành sân khấu, điện ảnh, truyền hình hiện nay đều gặp chung một vấn đề đó là nguồn nhân lực. Các nhà hát, hãng phim, đài truyền hình đều rất khát người tài, nhưng có một câu hỏi đặt ra: các đơn vị đào tạo đã đáp ứng được yêu cầu hay chưa?

Để “cung” gặp được “cầu”, vào chiều 16/9, ĐH Sân khấu Điện ảnh Hà Nội và ĐH Sân khấu Điện ảnh TP.HCM đã tổ chức Hội thảo “Đào tạo nguồn nhân lực sân khấu - điện ảnh - truyền hình và nhu cầu thực tiễn”, mời các đơn vị tuyển dụng (gồm nhà hát, Đài truyền hình, hãng phim) tới đóng góp ý kiến, để từ đó điều chỉnh phần đào tạo nguồn nhân lực.

Các trường nghệ thuật không còn hút thí sinh

Vướng mắc mà hai trường ĐH SKĐA đang gặp là vấn đề chung của cả nền giáo dục Việt Nam. Sau thế hệ “vàng”, khoảng 10 năm trở lại đây, giống như các trường ĐH khác, hai trường này hẫng hụt cả một thế hệ giảng viên, chất lượng đào tạo theo đó suy giảm, sinh viên “đầu vào” kém, từ đó dẫn đến “đầu ra” khó có thể đáp ứng được nhu cầu của thị trường.

Trong hội thảo, nhiều đơn vị tuyển dụng bày tỏ ý kiến khá lịch sự, nhưng cũng có đơn vị chẳng ngại nói thẳng. Ông Nguyễn Quang Vinh – Phó Giám đốc Trung tâm Phát thanh Truyền hình CAND cho biết: “Chúng tôi thường tuyển những sinh viên có phim tốt nghiệp tốt, nhưng đến khi họ vào làm mới biết trình độ của họ rất kém, thực chất họ đã nhờ người khác làm hộ phim. Đề nghị trường quan tâm đào tạo ra những người có kiến thức thật”.


Đóng phim truyền hình hầu hết là diễn viên “tay ngang” (MC Thanh Vân và người mẫu Hải Anh trong Hoa nở trái mùa)

Một đại diện Nhà hát Kịch Công An thẳng thắn: “Các em thiếu quá nhiều thực tiễn, có những em ngay cả đến cài micro cũng không biết”. Còn nghệ sĩ Chèo Thanh Ngoan gay gắt hơn: “Ngày xưa tôi học Chèo từ năm 13 đến 17 tuổi, còn các em bây giờ hầu hết là 18 tuổi mới học, học vài năm đã lo lấy chồng. Mà các em đều đến từ các vùng quê cả, học được một năm đã lo đi đóng phim, hát chạy sô thì thầy có giỏi cũng không thể đào tạo ra một nghệ nhân hát Chèo thực thụ”.

Ngoài ra, về mặt khách quan, những năm gần đây thí sinh thi vào các trường nghệ thuật bắt đầu giảm, có trường giảm đến 20%, thậm chí, nghệ thuật Tuồng còn không tuyển được người. Một đạo diễn gạo cội cho biết ông rất thất vọng khi biết những thí sinh có điểm văn rất thấp vẫn đỗ khoa Biên kịch của ĐH SKĐA. Còn những khoa như Lý luận phê bình điện ảnh thì ngày càng ít người thi vào, và nếu có chất lượng thí sinh cũng không cao.

Làm thế nào để “cung” gặp “cầu”?

Trong vài năm trở lại đây Bộ VH,TT&DL đã cho triển khai phương án đào tạo kết hợp giữa trường ĐH SKĐA và các nhà hát. Đơn cử khi tuyển sinh viên Chèo thì chính Nhà hát Chèo sẽ tuyển, các sinh viên này sẽ học cả ở trường và tại Nhà hát. Mô hình này được coi là khá hiệu quả vào thời điểm hiện tại.

Một trong những bất cập có thể nhìn thấy rõ là ở các nước trên thế giới đào tạo sân khấu và điện ảnh được tách riêng. Nhưng ở Việt Nam thì lại “nhốt chung một rọ”, nên không khó hiểu khi diễn viên viên điện ảnh vẫn thường bị chê là diễn xuất quá “kịch”.

Trong khi đó, nguồn nhân lực giảng dạy của ĐH SKĐA Hà Nội (khoảng 200 giảng viên) quá ít so với lực lượng sinh viên (khoảng 1.600 người). Đó là chưa kể các nghệ sĩ nổi tiếng rất ít người muốn về đây giảng dạy. Mà nguyên nhân là vì đãi ngộ chưa thực sự xứng đáng.

TS Đặng Thị Bích Liên – Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL, tân Hiệu trường Trường ĐH SKĐA Hà Nội, người chủ trì cuộc hội thảo đã gợi ý các nhà hát nên khuyến khích các nghệ sĩ từ 30-35 tuổi trở đi nên tiếp tục học nâng cao trình độ, lấy bằng thạc sĩ, tiến sĩ, để đến tuổi hưu có thể quay về ĐH SKĐA để giảng dạy. Làm được điều này sẽ phần nào giải quyết được sự thiếu hụt nguồn nhân lực giảng dạy. Mặt khác trường sẽ phải tiếp tục thay đổi về cả cách dạy và cách học.

Ngọc Diệp
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm