Nhạc sĩ Thế Song: "Nơi đảo xa" là đỉnh cao khó vượt

09/08/2011 11:01 GMT+7 | Âm nhạc

(TT&VH) - LTS: Nơi đảo xa (nhạc sĩ Thế Song), Biển hát chiều nay (nhạc sĩ Hồng Đăng) hay Bến cảng quê hương tôi (nhạc sĩ Hồ Bắc) xuất hiện hàng triệu kết quả trên công cụ tìm kiếm Google. Những ca khúc này đã trở thành cảm xúc không tuổi với nhiều thế hệ ca sĩ và khán giả.

PV TT&VH đã tìm gặp “cha đẻ” của những nhạc phẩm nổi tiếng nói trên. Trân trọng giới thiệu tới quý độc giả loạt bài viết này.

“Nơi anh đến là biển xa, nơi anh tới ngoài đảo xa

Từ mảnh đất quê ta giữa đại dương mang tình thương quê nhà

Đây Trường Sa, kia Hoàng Sa

Ngàn bão tố phong ba đã vượt qua vượt qua...”

Cùng với tiếng lòng của những chiến sĩ đang canh giữ biển đảo, một chiều Hè, PV TT&VH đã gặp nhạc sĩ Thế Song - tác giả của bài hát Nơi đảo xa nổi tiếng để ghi lại những kỷ niệm về bài ca “đi cùng năm tháng’’ này.

Ca khúc được “sinh ra”... trên đường

Hồn hậu và cởi mở, nhạc sĩ Thế Song kể: “Hồi đó, là năm 1979, tôi không chủ trương đi viết về hải đảo, mà đi thực tế sáng tác tại các đồn biên phòng ở Quảng Ninh. Trên đường về, tôi cùng với nhạc sĩ Phạm Tịnh nghỉ tại cây số 8- thành phố Hạ Long, là trạm sửa chữa tàu biển số 48 của bộ đội hải quân. Chúng tôi được anh em hải quân mời uống rượu chanh. Vẫn nhớ cảm giác rượu rất ngon, nhưng uống được 1-2 chai đã say.

Nhạc sĩ Thế Song (SN 1933 tại Hà Nội) từng có 40 năm gắn bó với Đài Tiếng nói VN. Ông trưởng thành từ diễn viên đoàn ca nhạc rồi sau đó là Biên tập viên âm nhạc của Đài. Với tình yêu và niềm đam mê âm nhạc, ông đã kiên trì tự học các môn hòa thanh, phối khí và lý luận âm nhạc.


Anh em hải quân kể với tôi rất nhiều câu chuyện cảm động. Có chiến sĩ vừa từ đảo trở về kể rằng, anh đã ở đảo 2 năm, mọi thứ gian khổ, khó khăn, thậm chí cả hi sinh, các anh đều chịu được, nhưng sợ nhất là nỗi nhớ nhà, nhớ người thân. Chiến sĩ khác thì tâm sự rằng: ở đảo toàn con trai, nhiều lúc thèm nhìn một người con gái... Các anh em chiến sĩ nói rất nhiều, kể rất nhiều câu chuyện và tôi lập tức viết ngay. Và ca khúc Nơi đảo xa ra đời trên đoạn đường hơn 100 km từ Quảng Ninh về Hà Nội’’.

Ngay khi hoàn thành, nhạc sĩ Thế Song mời ca sĩ Tiến Thành đến nhà để tập. Và Tiến Thành trở thành người hát đầu tiên và thành công nhất ca khúc Nơi đảo xa. Theo nhạc sĩ, sau này, có đến mấy chục ca sĩ cùng hát Nơi đảo xa, nhưng không ai hát thành công và xúc động như Tiến Thành.

Năm 1995, khi Nơi đảo xa trở nên thân thiết với công chúng yêu nhạc trong cả nước, Thế Song mới có dịp đến Trường Sa, cùng các nhạc sĩ như: Doãn Nho, Lương Nguyên... Đêm giao lưu văn nghệ, các chiến sĩ cởi trần hát Nơi đảo xa rất hay và cảm động, chẳng kém gì ca sĩ chuyên nghiệp. Khi biết Thế Song là tác giả bài hát, anh em chiến sĩ vây lấy ông trong niềm hân hoan, như là người thân từ bao giờ: “Tôi sung sướng lắm. Gần nửa tháng ở Trường Sa, tôi lại được nghe rất nhiều tâm sự của những người lính đảo. Đó cũng là cảm hứng để tôi viết nhiều ca khúc khác về biển đảo như: Biển chuyện tình hóa đá, Biển mưa...’’

Và những dấu ấn ca khúc về biển đảo

Trong sự nghiệp sáng tác của mình, nhạc sĩ Thế Song đã viết 556 ca khúc, gồm nhiều đề tài, thể loại khác nhau. Nhưng điểm mạnh của ông vẫn là những ca khúc viết về biển và những người lính đang ngày đêm canh giữ đảo xa. Bên cạnh Nơi đảo xa, ông còn có hàng chục ca khúc khác cùng đề tài, cũng không kém phần lay động như: Ngôi nhà lính đảo, Biển mưa, Biển chuyện tình hóa đá, Hoa hồng biển đảo, Mênh mang Trường Sa, Tình em theo cánh sóng, Hát từ vùng gió xoáy, Hòn mưa, Sóng rũ, Em yêu mến anh bộ đội...

Ngoài ra, mỗi địa danh, mỗi vùng biển ông đi qua đều gợi cho ông cảm xúc sáng tác. Đến Vũng Tàu, ông viết: Vũng Tàu biển tình yêu. Đến Cát Bà, ông viết: Cát Bà tình em, rồi Cát Bà tình anh... Hay đến Thiên Cầm (Hà Tĩnh) ông viết Thiên Cầm biển tình yêu. Đến Cà Mau viết Biển hẹn Cà Mau...

“Tuổi cao rồi, hiện nay tôi ít sáng tác, chủ yếu viết theo đơn đặt hàng”- vừa mở đĩa cho tôi nghe lại bài Nơi đảo xa, Thế Song vừa tâm sự: “Tôi viết Nơi đảo xa xuất phát từ những tình cảm mộc mạc, chân thành của những người lính đảo và cả tình yêu của họ với biển đảo thân yêu. Bây giờ có đơn đặt hàng, có viết tiếp nữa, thì cũng sẽ không thể viết được bài nào hay như bài này, mặc dù mình trải nghiệm nhiều hơn”.

Đón xem bài 2: Nhạc sĩ Hồng Đăng - Kể về số phận “lênh đênh” của Biển hát chiều nay

Hoài Thương

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm