Nhạc sĩ Quỳnh Hợp ra mắt album 'Phố Thu': Nghe ca sĩ Nam bộ hát về Thu Hà Nội

10/10/2014 08:31 GMT+7 | Âm nhạc

(Thethaovanhoa.vn) - Nhạc sĩ Quỳnh Hợp vừa ra mắt album Phố thu, gồm những ca khúc được chị phổ thơ của nhiều tác giả. Những ca khúc trong album sẽ đưa người nghe về Hà Nội thưởng ngoạn nét Thu Hà Nội dịu dàng, quyến rũ, xao xuyến dâng đầy.

Album Phố Thu có thể xem như một phẩm vật đẹp và ý nghĩa mà Quỳnh Hợp dành tặng những người yêu Hà Nội nhân kỷ niệm ngày Giải phóng Thủ đô năm nay.

TT&VH có cuộc trò chuyện với nhạc sĩ Quỳnh Hợp về album Phố Thu.

Một Hà Nội trẻ trung và “con gái”

* Hà Nội sẽ thế nào trong Phố Thu khi chủ đề này đã quá quen với cả giới sáng tác và khán giả?

- 13 ca khúc chỉ nói về mùa Thu Hà Nội, một Hà Nội rất Thu, rất phố, trẻ trung và đặc biệt rất… con gái. Các ca khúc không quá ám ảnh khắc khoải mà chỉ nhỏ nhẹ, bâng khuâng đủ để khiến trái tim người nghe bồi hồi, xao xuyến chứ không thể hiện sự bề thế, hào sảng của đất “ngàn năm văn hiến”. Cảm xúc đó như của một người con đi xa Hà Nội mong ngóng trở về, nhưng ra đi thì bịn rịn.

Người nghe sẽ cảm nhận thực thực, hư hư… kết nối giữa quá khứ - hiện tại - tương lai không phân định rõ.


Nhạc sĩ Quỳnh Hợp

* Nó khác gì so với những ca khúc nổi tiếng viết về Hà Nội của Trịnh Công Sơn, Phú Quang, Trương Quý Hải…?

- Để so sánh rất khó và sẽ khập khiễng bởi mỗi tác giả đều có giá trị và xứ mệnh riêng. Viết về Hà Nội, mỗi nhạc sĩ có cách thể hiện riêng mặc dù đều có những nét đặc trưng của Hà Nội như cây bàng, hoa sữa, hương cốm, phố cũ rêu phong… nhưng đều mang đến cho người nghe những cảm xúc mới qua những hình ảnh rất quen của Hà Nội.  Phần lớn những ca khúc viết về Hà Nội là những bản trữ tình, tự sự hoặc hào hùng thoáng đạt; sau này các nhạc sĩ trẻ cũng đã đưa vào những nhịp điệu đương đại hơn. Những điệu phổ biến trong âm nhạc Hà Nội là slow rock hoặc slow surf và âm hưởng dân gian Bắc bộ với ca trù, chèo, quan họ…

Những ca khúc trong album Phố Thu không quá khác biệt nhưng khá phong phú về ngôn ngữ và chất liệu âm nhạc với pop, pop ballad (Nhịp bước em về, Thế là Thu sang, Bồng bềnh phố Thu, Tiếng phố thở, Những mùa hoa Hà Nội); Boston (Phố Thu, Níu bước Thu đi); Tango (Ngỏ lời yêu Hà nội), R&B và rap (Bồng bềnh phố Thu, Mơ về Hà Nội)... thậm chí, bài Bâng khuâng mùa Thu khá mùi mẫn, có thể xếp vào dòng nhạc “sến”, rất ít thấy trong âm nhạc Hà Nội. Đức Quang cũng thể hiện rất ‘ngọt’ ca khúc này.


Bìa album “Phố Thu”

Phong vị gần gũi với khán giả phương Nam

* Album này chỉ một mình Đức Quang - một ca sĩ người Nam bộ - thể hiện, liệu anh ấy có làm tốt vai trò của mình?

- Ca sĩ Đức Quang (thành viên của nhóm Artista) được biết nhiều qua cuộc thi The Voice mùa thứ nhất (đội của HLV Thu Minh). Đức Quang đã tốt nghiệp Cử nhân Âm nhạc, trước đó đã giành được một số giải về ca hát. Những ca khúc trong album không chỉ "đo ni đóng giày" cho giọng hát Đức Quang mà còn làm lộ ra vẻ đẹp của giọng nam trung nồng ấm, tiềm ẩn của giọng hát có khả năng biểu đạt nhiều tính chất âm nhạc khác nhau cũng như khoe sự mềm mượt của những nốt luyến láy mang âm hưởng dân gian Bắc Bộ. Đặc biệt, người nghe còn nhận thấy khả năng biến báo linh hoạt của Đức quang qua những bài có tiết tấu nhanh, hiện đại như trong Bồng bềnh mùa Thu, Ngỏ lời yêu Hà Nội, Mơ về Hà Nội. Mặt khác, một giọng ca Nam bộ thể hiện những ca khúc Hà Nội cũng là một phong vị mới có thể gần gũi với khán giả phương Nam.

* Cũng như nhiều album khác, Phố Thu vẫn phỏng, phổ thơ của nhiều tác giả. Chị có thể cho biết lý do tại sao?

- Để thực hiện 1 album có 1 chủ đề riêng biệt thì việc phổ thơ, hoặc phỏng thơ là rất cần đề người nhạc sĩ chỉ toàn tâm lo phần âm nhạc của album. Phần lời ca đã được nhà thơ trau chuốt kỹ lưỡng về nội dung, thi tứ và xúc cảm. Ngoài ra, khi phổ thơ, người nhạc sĩ như còn có một người tri kỷ đồng hành cùng mình từ khi viết bài hát, thu âm cho đến khi album phát hành - đó là tác giả thơ.

Hữu Trịnh (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm