Nhạc sĩ Nguyễn Công Phương Nam: Tôi vẫn thích để quốc tịch mình là người Việt Nam

19/11/2013 13:10 GMT+7 | Âm nhạc

(Thethaovanhoa.vn) - Nhạc sĩ Nguyễn Công Phương Nam từng giành giải thưởng âm nhạcCống hiến năm 2010 với ca sĩ Tùng Dương bằng album Li ti pha trộn giữa nhạc điện tử và dân gian Việt Nam. Nhưng gia tài âm nhạc của người đàn ông tứ tuần này không chỉ có vậy và để có được những màu sắc âm nhạc của riêng mình, Phương Nam (hay còn có tên gọi khác là Vincent Nguyễn) đã phải nỗ lực vượt lên trên tất cả.

Gần một thập niên qua nhạc sĩ Nguyễn Công Phương Nam để dấu ấn sáng tạo của mình trên khá nhiều sản phẩm âm nhạc có chất lượng. Từ Trăng và Em của Jazzy Dạ Lam (jazz) cho đến Dạ khúc dương cầm của Lê Hiếu (acoustic), từ The Un make-up của Đoan Trang (pop) đến Li ti của Tùng Dương (electro) và sắp tới đây là Requiem của Đức Tuấn (acoustic, semi classical) với những ca khúc của nhạc sĩ Phạm Duy.

Nhạc sĩ Nguyễn Công Phương Nam

Không quá mới để không bị “dội hàng”

* Đây không phải là lần đầu Đức Tuấn hát nhạc Phạm Duy, trước đó Tuấn từng có những sản phẩm hát Phạm Duy hợp tác cùng Đức Trí, Việt Anh… Anh có nghe qua những sản phẩm này chưa và bản thân có những tìm tòi sáng tạo nào để làm khác đi, chọn cho Đức Tuấn một lối đi mới với những bài hát Phạm Duy quá đỗi quen thuộc, thậm chí có khi còn cũ kỹ này?

- Việc lại một lần nữa tái sinh các ca khúc này, sao cho vẫn gần gũi với khán giả của nhạc Phạm Duy, nhưng vẫn mang được nét riêng, là điều rất khó, cần nhiều công sức sáng tạo, cẩn trọng. Mới quá, khác quá thì có nguy cơ khán giả bị “dội hàng”, chiều theo cảm giác người ta thường nghe nhạc Phạm Duy thì dễ đi lại đường của không biết bao nhiêu đồng nghiệp đã từng qua, ai cũng chọn semi classical, màu thính phòng sang trọng cho những bài này. Ở album này tôi kết hợp jazz trữ tình, nhẹ nhàng hay còn gọi là easy listening jazz ballad, với tứ tấu dây gồm hai violin, một viola, một cello, một sự se duyên giữa nhạc thính phòng châu Âu và jazz - Broadway từ Mỹ, Đức Tuấn cũng tự nhận mình không phải ca sĩ jazz, nên sự kết hợp này khá là tốt, không thách thức Tuấn nhiều.

* Album này đang được chờ đợi, vậy nó sẽ có gì khác về “tinh thần” so với những sản phẩm acoustic mà anh đã thực hiện cùng Lê Hiếu, Đoan Trang, Tùng Dương trước đó?

- Lê Hiếu, Đoan Trang, Tùng Dương, Đức Tuấn... là bốn nghệ sĩ khác nhau hoàn toàn về tính cách, bởi vậy sự khác biệt của các album là điều tự nhiên. Với bất kỳ abum nào, hợp tác với ai, tôi đều rất kỳ vọng, thành công hay không, đến mức độ nào còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác, với mỗi project tôi vui vì được trau dồi và hoàn thiện mình hơn.

* Để được làm việc với anh, các ca sĩ trong nước có phải đáp ứng điều kiện gì?

- Phải đặt chất lượng sản phẩm lên trên hết. Thứ hai họ phải là người có khả năng và lòng nhiệt tâm. Còn ca sĩ nào nói với tôi kiểu: “Khán giả của tôi chỉ cần tới đó thôi” thì tôi không thích và sẽ không hợp tác!

* Về trường hợp Đoan Trang và album The Un make-up thì sao? Tôi nghe nhiều người có chuyên môn bảo khả năng của cô ấy “giới hạn” lắm!

- Với tôi Trang là người có khả năng, cũng máu me và nhiều tâm huyết. Hơn nữa nhạc pop là life-style, bạn cứ nhìn ra thế giới đi, không phải ngôi sao nào cũng có kỹ thuật nhát ma thiên hạ hết cả đâu.

Chỉ có điều tôi tiếc ở sản phẩm làm với Trang là nó được hát bằng tiếng Anh chứ không phải tiếng Việt, từ đầu tôi đã khuyên cô ấy là nên hát tiếng mẹ đẻ nhưng cô ấy đã quyết tâm làm album Anh ngữ rồi, và với nhiều người thì Trang hát tiếng Anh cũng không thực sự hay và chuẩn.

* Giờ tôi lật ngược vấn đề lại nhé, ở anh có sức hấp dẫn gì để các ca sĩ trong nước “săn” bằng được để hợp tác dù họ phải chấp nhận một cái giá không hề rẻ, có khi phải bay tận sang Đức để thu âm?

- Tôi nghĩ do các đồng nghiệp của tôi ở Việt Nam bị quá tải nên những người như Tùng Dương, Đức Tuấn, Đoan Trang… mới tìm đến tôi. Chắc mọi người hy vọng “phong cách nước ngoài” sẽ mang lại cái gì đó khác so với những sản phẩm nội địa. Bản thân tôi luôn cố gắng để họ không phải thất vọng.

* Anh có những sản phẩm hay kế hoạch gì trong thời gian tới không?

- Tôi rất muốn về ở hẳn tại Việt Nam để sống và làm nhạc nhưng điều kiện bây giờ chưa cho phép. Vậy nên trong thời gian tới cũng sẽ đi đi về về giữa hai nơi thôi, tuy nhiên có lẽ sẽ đều đặn hơn vì tôi cũng vừa nhận lời làm nhạc cho một số bộ phim truyền hình lẫn điện ảnh và cả dự án làm nhạc cho một vở kịch lớn sẽ được công diễn vào đầu năm sau ở Nhà hát Thành phố. Gần nhất thì sắp tới tôi sẽ ra mắt album hòa tấu piano nhạc Phạm Duy mang tên Thuyền viễn xứ bằng cả định dạng đĩa vinyl và CD; master album Requiem của Đức Tuấn cũng đã hoàn thành, chỉ chờ ngày phát hành.

Xuất ngoại vì jazz

* Anh bắt đầu con đường âm nhạc như thế nào?

- Tôi là con nhà nòi nên được tiếp xúc với âm nhạc từ bé. Hai cụ thân sinh tôi đều học thanh nhạc tại nhạc viện, từng là văn công giải phóng, hồi xưa người ta gọi là đi B. Tôi được học nhạc từ hồi 5 tuổi, đến năm lên 7 thì tôi thi vào trung cấp piano nhạc viện, hệ dài hạn. Sau khi tốt nghiệp, tôi chơi nhạc ở các vũ trường Sài Gòn, tham gia ban nhạc Hải Âu cùng anh Nguyễn Hà ít lâu rồi đến tháng 2/1995 tôi sang Đức học tiếp.

* Nguyên do nào khiến anh chọn Đức để tiếp tục học lên bậc đại học?

- Sau giải phóng ba tôi đi dạy, mẹ tôi phục vụ trong Quân khu 7 một thời gian. Năm 1987, vì hoàn cảnh gia đình lúc ấy nghèo quá, mẹ tôi phải đi xuất khẩu lao động sang Đức để khắc phục kinh tế, có tiền nuôi ba anh em. Sau đó mẹ tôi ở lại và có gia đình riêng bên ấy…

Ba anh em tôi cùng sang Đức học vì xin được visa, tuy nhiên điều quan trọng là tôi rất mê jazz. Năm 18 tuổi tôi phát hiện mình rất mê thể loại âm nhạc này nhưng ở Đông Nam Á nói riêng và cả châu Á nói chung đểu không thể làm được jazz. Tôi muốn học về jazz nên quyết định đi du học. Năm 1995, khi tôi nói sẽ sang Đức để học jazz cho bằng được thì ai cũng cười tôi hết, họ cho là tôi làm chuyện hoang tưởng.

* Tôi được biết quốc tịch hiện nay của anh là Đức chứ không phải Việt Nam?

- Sau khi tốt nghiệp đại học, dàn nhạc jazz Big Band của quân đội Liên bang Đức đăng tuyển người trên toàn quốc, tôi dự thi và trúng tuyển nên bắt buộc phải nhập tịch Đức. Nhiều Việt kiều sống ở bên đó mong muốn được nhập quốc tịch Đức lắm vì được hưởng nhiều quyền công dân, phúc lợi xã hội nhưng thú thật là tôi không thích lắm đâu. Tôi đã đạt tiêu chuẩn nhập tịch từ trước khi vô quân đội nhưng tôi vẫn thích để quốc tịch mình là người Việt Nam hơn và tôi cũng rất tự hào về điều đó. Mình là một người da vàng chứ có phải dân “mắt xanh mũi lõ” đâu mà nói mình là người Đức.

 Khánh Nguyễn
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

 

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm