Nhà văn trẻ Võ Thu Hương: Góp sức mình kể chuyện lịch sử

11/12/2013 11:03 GMT+7 | Đọc - Xem


(Thethaovanhoa.vn) - Truyện ký Nụ cười Chim Sắt viết về một nữ biệt động Sài Gòn từng cùng đồng đội đánh nhiều trận lớn khiến quân thù khiếp sợ. Nhân vật này, bị địch bắt và bị giam cầm khắp các nhà tù miền Nam, vừa có buổi ra mắt sách tại TP.HCM.

Điều đặc biệt ở Nụ cười Chim Sắt là giọng văn của nữ nhà văn trẻ Võ Thu Hương. Cuốn sách viết về quá khứ bằng góc nhìn của một người trẻ thông qua những nhân vật có thật đem đến nhiều thú vị cho người đọc. TT&VH có cuộc trò chuyện cùng tác giả Võ Thu Hương.

* Thường thì những tác giả trẻ như Thu Hương hiện nay thích viết các đề tài liên quan đến chính mình. Tại sao Hương lại chọn truyện ký về một nhân vật thuộc về quá khứ?

- Đúng là trước khi viết truyện ký này, hầu hết tác phẩm của tôi đều là những đề tài liên quan đến chính mình, hoặc rất gần với mình. Trước khi gặp cô Thu Nguyệt (biệt danh Chim Sắt), tôi hoàn toàn không có suy nghĩ sẽ viết một tác phẩm về một nữ biệt động Sài Gòn. Tôi gặp cô khi đi viết báo theo chỉ đạo tòa soạn. Những câu chuyện của cô kể xúc động và thú vị đến mức, viết xong bài báo tôi vẫn có cảm giác muốn viết nữa, bởi thấy như “mắc nợ”. Và để viết được hết một phần tuổi trẻ của cô thì phải là một tác phẩm dài hơi.

Nhà văn trẻ Võ Thu Hương thuộc thế hệ 8X và nhân vật Chim Sắt – cô Lê

* Để thể hiện lại câu chuyện cách nay khoảng nửa thế kỷ, Hương đã tiếp cận nhân vật và các nguồn tài liệu như thế nào và làm sao để “giải mã” hiểu các câu chuyện đó?

- Nói thật là điểm môn Sử thời đi học của tôi chưa bao giờ quá 6 điểm. Tôi rất sợ việc bắt mình nhớ nhiều sự kiện, nhiều con số. Cũng may, quá trình làm báo cho tôi gặp nhiều cô, chú biệt động Sài Gòn nên việc hiểu và chia sẻ với các cô, chú thế hệ trước khi tôi sinh ra dường như “mưa dầm thấm lâu”, tôi có thể hiểu tương đối về nhân vật của mình trước khi bắt tay vào viết. Còn khi viết rồi, chính cô và ông xã của cô (là một đại tá về hưu) giúp tôi rất nhiều trong việc khắc họa những chân dung con người, cuộc sống bấy giờ. Nhưng để yên tâm hơn về mức độ chính xác của những câu chuyện, tôi phải tra cứu thêm từ nhiều nguồn thông tin sách, báo, mạng internet và cả chính những đồng đội của cô Nguyệt. Công việc ấy khiến đôi khi tôi (vốn quen với việc sáng tác theo cảm hứng) cảm thấy rất… uể oải. Có khi phải “bỏ quên” những trang viết của mình, rồi quay lại viết để những trang sách không bị gượng ép.

* Cuốn sách và nhân vật vừa giao lưu với các bạn trẻ tại Nhà văn hóa Thanh Niên TP.HCM, các bạn trẻ đón nhận câu chuyện do Hương thể hiện ra sao?

- Tôi thể hiện tất cả những câu chuyện quá khứ bằng ngôn ngữ của một người viết thế hệ 8X. Ngoài ra, là một người trẻ nên tôi hiểu rằng đa phần bạn trẻ sẽ thích nghe kể chuyện quá khứ theo cách nào. Có lẽ điều đó khiến các bạn trẻ hào hứng đón nhận một chuyện kể lịch sử như Nụ cười Chim Sắt. Rất nhiều bạn nói với tôi rằng: “Chị ơi, em đã khóc khi đọc đoạn bà mẹ đi kháng chiến trước khi chết không được gặp cô con gái 5 tuổi mà ba lần chết đi sống lại mới xuôi tay”. Nhiều bạn sau khi đọc sách đã giới thiệu cho các bạn mình cùng mua, nhiều bạn còn mua tặng ba mẹ, ông bà… Những điều ấy khiến tôi thấy thực sự hạnh phúc.   

* Thông qua câu chuyện của cô Nguyệt và các nhân vật trong Nụ cười Chim Sắt, Hương rút ra được điều gì bổ ích cho cuộc sống của mình?

- Sau khi nghe cô kể chuyện, tôi thấy rằng những khó khăn của mình thật nhỏ bé so với các cô, chú trước đây đã gặp. Vậy mà tuổi thanh niên của họ vẫn luôn ngẩng cao đầu và tươi cười. Điều ấy khiến tôi muốn chuyển tới độc giả thông điệp về niềm tin, về sự vượt khổ, bằng chính những câu chuyện rất giản dị. Tôi muốn góp chút sức mình kể chuyện lịch sử bằng chính những điều ấy chứ không phải bằng những con số, trận đánh… như trước đây tôi vẫn được học.  

THANH KIỀU thực hiện
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm