Nhà văn lớn cuối cùng của thời tiền chiến đã ra đi

18/07/2014 07:47 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Cụ Tô Hoài có những đặc điểm và đặc tính giống nhân vật “chú dế mèn”. Cụ xuề xòa trong quản lý, nhưng cần mẫn, bền bỉ trong lao động viết văn và là một trong những nhà văn lớn nhất của văn học Việt Nam thời tiền chiến. Tên cụ xứng đáng được chọn đặt tên cho đường phố ở Hà Nội và nhiều hơn thế…

Đó là quan điểm của nhà thơ Phạm Khải, Phó Tổng biên tập Báo Công an Nhân dân, người từng là trợ lý cho nhà văn Tô Hoài - khi đó là Chủ tịch Hội Văn nghệ Hà Nội - từ 1994 đến 1995.

TT&VH đã có cuộc trò chuyện với nhà thơ Phạm Khải.

Nhiều đặc tính giống… “chú dế mèn”

* Nhà văn Tô Hoài không ít lần tự nhận cụ giống nhân vật… “chú dế mèn”?

- Ngoài hình thức, cụ Tô Hoài có nhiều đặc điểm giống với chú dế mèn mà cụ đã viết.

Nếu trong Dế Mèn phiêu lưu ký cụ viết: "Đầu tôi to ra và nổi từng tảng, rất bướng" thì khi cụ ngồi thu lu một chỗ, đầu cụ cũng rất nổi trội, to gộc trong khi phần mình thì thót lại.  

Nếu chú dế mèn trong truyện của cụ đào hang sâu và chia làm nhiều ngóc ngách để khi có biến, tiện cho việc thoát thân thì trong cuộc sống, cụ Tô Hoài cũng có hai địa chỉ để tiện cho việc "xa lánh sự đời". Một là ngôi nhà ở 21 Đoàn Nhữ Hài và một nhà ở Nghĩa Đô, Cầu Giấy. Nhiều lúc chẳng biết cụ ở nhà nào!


Nhà văn Tô Hoài (trái) và nhà thơ Phạm Khải

Nếu chú dế mèn trong Dế mèn phiêu lưu ký luôn chí thú với việc bay nhảy tứ chiếng giang hồ, thì ở ngoài đời, nhà văn Tô Hoài cũng là người có số lượt đi nước ngoài vào loại nhiều nhất trong các nhà văn Việt Nam.

Dế mèn trong truyện của cụ khi cần có thể thu mình trong hang, im hơi lặng tiếng lo việc mình thì cụ Tô Hoài cũng có thể ngồi miết bên bàn viết, bền bỉ ngày này sang ngày khác để tập trung cho sáng tác hoặc đọc sách.  

* Thậm chí không cần tiếp xúc với bên ngoài, giao du với bạn hữu?

- Để viết Những người khốn khổ đúng tiến độ, Victor Hugo đã “tự giam mình” trong phòng bằng cách cắt một nửa tóc trên đầu, và cạo một nửa bộ râu để không phải đi ra ngoài.

Cụ Tô Hoài không phải cắt tóc, cạo râu như Victor Hugo. Nhưng để tập trung vào viết và tránh bị bạn bè rủ rê, mỗi khi cụ bà đi ra ngoài, cụ Tô Hoài đưa luôn chìa khóa cho cụ bà, nhờ cụ bà khóa cửa. Bạn bè, khách khứa đến vì công việc hay rủ đi đâu, cụ dù muốn cũng không đi được.

Nhà văn lớn cuối cùng của thời tiền chiến đã ra đi

* Nhờ những đặc tính rất… “dế mèn” nên sự nghiệp văn học của cụ mới sáng lạn?

- Tôi đã tìm hiểu kỹ càng về sự nghiệp văn học của cụ Tô Hoài và có thể khẳng định: Tô Hoài là tác giả có nhiều đầu sách được xuất bản nhất trong số các nhà văn Việt Nam từ trước tới nay.

Đến nay cụ đã cho xuất bản ngót 200 đầu sách. Không chỉ là số lượng, Tô Hoài có nhiều tác phẩm có giá trị, hấp dẫn được nhiều đối tượng độc giả.


Các em thiếu nhi đến đưa tang nhà văn Tô Hoài đứng dọc theo lối đi với tác phẩm của ông

* Thế mà khi còn sống, có lần cụ nói: “Hơn sáu mươi năm cầm bút, viết ra bao tác phẩm, nhưng hễ nhắc đến mình là người ta lại chỉ nhắc đến... con dế mèn...?”

- Dế Mèn phiêu lưu ký thì phổ biến quá rồi. Đến nay, nó đã được dịch và phát hành trên 20 quốc gia bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau.

Nhưng văn học cho người lớn cụ cũng có những cuốn rất hay, như tập truyện ngắn Tình buồn, hồi ký Cát bụi chân ai, tiểu thuyết Ba người khác... rất hấp dẫn người đọc.

Nhưng cái chính và quan trọng là qua các thời kỳ cụ đều có tác phẩm hay. Trước Cách mạng, sau Cách mạng (thời kỳ kháng chiến chống Pháp) và thời kỳ Đổi mới, mặc dù tuổi cao, sức yếu nhưng cụ vẫn có sách mang tính chất thời thượng.

Theo tôi, phải là người có phương pháp làm việc rất đặc biệt mới có được sự nghiệp văn học như cụ Tô Hoài.

* Thế thì phương pháp viết văn của cụ có gì đặc biệt, thưa anh? Hay nói như Xuân Diệu: Với Tô Hoài, thượng vàng, hạ cám đều viết được?

- Cụ là người chuyên cần và có một phương pháp làm việc rất lạ. Cụ vừa có thể làm công tác của cơ quan vừa có thể sáng tác được.

Ví dụ, trong cuộc họp cụ vẫn có thể ngồi viết truyện ngắn. Tôi nhớ khi cụ còn làm Chủ tịch Hội, dù bận nhiều việc nhưng cụ vẫn coi việc viết là quan trọng nhất.

Đặc biệt, trong khi viết, cụ có thể viết nhiều thể loại cùng một lúc. Tôi để ý khi cụ viết tiểu thuyết, cụ nghỉ giải lao bằng cách quay sang viết truyện ngắn hoặc viết báo.

Đáng quý hơn là, hầu như tất cả những gì mà cụ biết được, cụ đều cố gắng đưa hết vào trang viết… Tuy nhiên, cụ không viết nhật ký bao giờ!

Tô Hoài xứng đáng được đặt tên cho đường phố Hà Nội

* Sau khi cụ Tô Hoài được trao Giải thưởng Lớn - giải Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội năm 2010, nhiều người cho rằng cần thêm nữa những hình thức tôn vinh một cây bút vạm vỡ như Tô Hoài. Anh thấy sao?

- Nhiều năm trước đây anh em chúng tôi từng nói chuyện với nhau về vấn đề này. Tôi nghĩ một giải thưởng văn học gắn với tên một nhà văn nhiều khi có ý nghĩa hơn là một tổ chức, nhất là với những tên tuổi đặc biệt như Tô Hoài.

Dế mèn phiêu lưu ký là một hiện tượng độc nhất vô nhị trong nền văn học thiếu nhi Việt Nam. Tác phẩm này cụ viết năm 21 tuổi nhưng giờ đây đọc lại, ta sẽ thấy nó đúng là một tuyệt tác, vừa hấp dẫn về cốt truyện vừa mẫu mực về văn phong. Vì thế tôi nghĩ, một giải thưởng văn học cho thiếu nhi mang tên nhà văn Tô Hoài là hoàn toàn xứng đáng.

Ngoài ra, chúng tôi đã từng nói với nhau là nên chọn ở Hà Nội một con đường tương xứng mang tên Tô Hoài.

Huy Thông (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm