Nhà văn Line Papin: Sự thức dậy với những cảm xúc của Hà Nội

01/11/2016 19:02 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Năm 2016 nước Pháp có trên 500 cuốn tiểu thuyết xuất bản, trong đó giới phê bình chọn ra 5 gương mặt mới để vinh danh, thì đặc sắc nhất là tác phẩm đầu tay L'éveil (Thức dậy) của Line Papin - cô gái 20 tuổi, cha là sử gia nổi tiếng Philippe Papin, mẹ là dịch giả Mạc Thu Hương. Line Papin (tên bạn bè thường gọi là Linh) sinh ra ở Hà Nội năm 1995, sống tại đây cho đến năm 10 tuổi, sau đó mới về Pháp vì nhu cầu học tập.

Cuốn tiểu thuyết L'éveil do nhà xuất bản Stock phát hành, đang thu hút độc giả tại Pháp. Nhân sự kiện này, nữ ký giả Par Anaïs Orieul của trang Terrafemina có cuộc trò chuyện thẳng thắn với Line Papin; tựa đề bài phỏng vấn do Thể thao & Văn hóa (TTXVN) đặt.

* Cuốn sách của cô làm người ta mê luyến, thèm ngấu nghiến nó liền một mạch. Cô đã cần bao nhiêu thời gian để viết nó?

- Tôi đã đặt vào đó 3 năm. Quả thực là khó khăn bởi tôi viết nó từng đoạn, chứ không phải trong sự liên tục. Tôi bò lê viết mỗi khi xúc cảm tràn ngập. Và thật gian nan để nối kết tất cả thành một chuyện kể liên tục.

* Vậy câu chuyện này nảy sinh như thế nào?

- Thực ra tôi quan tâm trên hết vẫn là cảm xúc của các nhân vật. Một bên là sự giận dữ, nỗi cô đơn, tang tóc, và bên kia là sự thức dậy của tình yêu. Chính những cảm xúc đó đã cưu mang truyện kể, cùng với Hà Nội nữa. Tất cả cái đó hình thành một khí hậu hơi nhiệt đới.


Nhà văn Line Papin rời Hà Nội từ năm 10 tuổi

* Cô sinh ra ở Việt Nam, nhưng cô sống ở nước Pháp từ khi lên 10 tuổi. Tại sao cô lại chọn đặt cốt truyện ở Hà Nội hơn là ở Paris?

- Thực ra tôi đã không cố tình chọn lựa. Tôi gần như đã viết trong một tâm thái vô thức, và tôi để nó cuốn mình theo. Tôi không hề tự nhủ: Mình sẽ đặt câu chuyện ở Hà Nội. Tôi cứ viết, viết tiếp, và rồi cuối cùng, chính tôi cũng ngạc nhiên là nó diễn ra ở Hà Nội, bởi vì khi sang Pháp, chính là một chút phần đời tôi đã tẩy xóa đi, là thứ tôi không nói tới. Có lẽ cuối cùng tôi cần giải “bùa mê” này.

* Cô xuất thân từ một gia đình say mê văn học. Cô có cho rằng việc viết là chí nguyện nơi cô không?

- Kể từ xa xăm nhất mà tôi nhớ được, tôi luôn viết. Ngay cả trước khi biết viết, tôi cũng đặt ra những câu chuyện, tôi vốn thích tạo cho mình một thế giới riêng. Buổi tối trước khi đi ngủ, chính là tôi kể chuyện cho cha tôi, chứ không phải ngược lại.

Khi biết viết, tôi bắt đầu ru ngủ bằng những câu chuyện nhỏ trên giấy. Rồi khoảng năm 16 tuổi, tôi có một giai đoạn hơi khép kín, đó là thời điểm u tối phần nào trong đời tôi, và chính khi đó tôi khởi sự viết một cách nghiêm túc.


Tiểu thuyết được giới phê bình chọn là tiểu thuyết đặc sắc nhất của mùa văn học Pháp năm 2016

* Có bốn nhân vật trung tâm trong cuốn tiểu thuyết của cô. Hai cô gái và hai chàng trai. Nhưng chàng trai kể lại câu chuyện phần lớn thời gian là kẻ duy nhất không có tên gọi. Tại sao?

- Đó là một hình tượng siêu hư huyễn. Đó là người đàn ông mà Juliet mơ tưởng. Và sự việc cho anh ta một tên gọi, tôi thấy rằng điều đó khiến anh ta rơi thành một cá nhân thay vì để anh ta như một huyễn tưởng. Nếu bất chợt anh ta mang tên là Pierre, tất cả sẽ sa xuống đất! Vậy nên tôi đã không tìm một tên cho anh ấy. Tôi thích hơn rằng chỉ là “Anh” với một chữ A. Phần nào giống như Thượng đế.

* Việc thức dậy trong tình yêu của Juliet có một cảm thụ khá đặc thù. Nhưng cô có nói rằng những nhân vật khác cũng thức dậy với những tình tự khác chăng?

- Vâng, tôi nghĩ rằng có một sự thức dậy với nhục cảm. Cũng là một sự thức dậy với những cảm xúc của Hà Nội nữa. Tất cả họ đều là những người nước ngoài, họ tới đó và khám phá cái thành phố ấy. Khi khám phá Hà Nội, họ thu nhận ngập tràn. Đó không phải là một sự thức dậy với tình yêu, mà là sự thức dậy của những xúc cảm, những tình tự mạnh mẽ.

* Hiện nay cô là sinh viên khoa lịch sử nghệ thuật. Nhưng cô có các dự án khác không? Có cuốn sách nào khác trong đầu chăng?

- Chuyện đó, tôi hơi bị căng thẳng, tôi có ấn tượng rằng việc viết đã trở thành một thứ nghĩa vụ. Vậy là tôi tự đặt cho mình một chút áp lực. Trước kia tôi viết ở một xó nhà, còn bây giờ tôi tự nhủ là người ta sẽ đọc tôi, rằng cái đó trở thành quan trọng.

Vậy nên tôi đã lên sơ đồ một cuốn tiểu thuyết thứ nhì. Không nói quá nhiều về nó, tôi đã quyết định chọn một thành phố lớn khác. Tôi ham thích rằng những thành phố nơi diễn ra những câu chuyện của tôi cũng có một vị trí quan trọng như chính cốt truyện. Lần tới, sẽ là một thành phố châu Âu.

Nguyễn Tiến Văn (lược dịch theo bản tiếng Pháp)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm