Nhà văn Bret Easton Ellis: 'Nobel 2013 là một trò đùa'

16/10/2013 11:05 GMT+7 | Đọc - Xem

(Thethaovanhoa.vn) - Tác giả tiểu thuyết American Psycho liều mình đi ngược lại đám đông khi chê nhà văn Alice Munro vừa đoạt giải Nobel. Ngay lập tức, phản ứng của dư luận khiến ông thấy như mình vừa "đánh" ông già Noel.

Giải Nobel Văn chương dành cho "bà nội trợ" người Canada Alice Munro năm nay vốn nhận được phản hồi rất tích cực từ báo chí và công luận quốc tế. Giải công bố hôm 10/10.

Đồng nghiệp trong giới văn chương cũng ủng hộ kết quả này, trong đó có tiểu thuyết gia nổi tiếng AS Byatt (người Anh) cho rằng "đây là giải Nobel khiến tôi hạnh phúc nhất trong cả cuộc đời mình". Nhà văn đồng hương của Munro là Margaret Atwood, cũng là một tên tuổi lớn, lên tiếng ca ngợi bà.


Bret Easton Ellis là đồng nghiệp hiếm hoi lên tiếng chê bai "bậc thầy truyện ngắn" Alice Munro

Ca ngợi quá tầm?

Trong không khí đó, ý kiến của nhà văn châm biếm nổi tiếng mạnh mồm Bret Easton Ellis như quả bom ném vào hội nghị. Ellis viết trên Twitter hôm 11/10: "Alice Munro hoàn toàn đã được nâng lên quá tầm".

Sau đó, ông phủ nhận chất lượng của giải Nobel những năm gần đây: "Alice Munro vốn đã được đánh giá quá cao thì nay, bà ta sẽ mãi mãi như vậy sau khi đã giành giải Nobel. Giải Nobel nhiều năm qua đúng là một trò đùa".

Theo Telegraph, một nhà văn viết truyện ngắn người Canada là Bev Vincent đã thông báo trên Twitter: "Bret Easton Ellis chê Alice Munro. Khi hỏi Munro về điều này, bà đã hỏi: Bret Easton Ellis là ai?".

Bởi Munro rất được kính trọng nên lời chê bai của Ellis ngay lập tức bị người dùng Twitter phản đối. Sau khi đọc những bình luận phản đối, nhà văn này nhắn nhủ: "Lòng căm thù của dư luận khiến tôi thấy cần phải đọc lại Munro, dù tôi chưa bao giờ cảm được văn của bà ta. Giờ đây, tôi thấy như mình vừa đánh ông già Noel và bị đám đông lên án".

Ellis so sánh Munro với "ông già Noel" vì bà như thể đã được dựng thành huyền thoại văn chương và gần như rất ít bị phê phán. Điều đó đúng phần nào, bởi Munro được mệnh danh là "bậc thầy truyện ngắn" và "Chekhov ở thời đại chúng ta".


Diễn viên Kristen Wiig trong phim Hateship, Loveship

Nhà văn Nobel từng bị chê nhàm chán

Trong vài thập kỷ gần đây, Alice Munro từ một tác giả truyện ngắn bình thường dần có được lòng kính trọng của công chúng và giới văn chương. Đó là một sự thăng tiến chậm rãi, đều đặn và ổn định, không phải kiểu nổi tiếng tức thì vì một tác phẩm gây sốt nào đó.

Với 13 tập truyện ngắn ra từ 1968 đến 2013 và vài tập sách khác, Alice Munro khá bền bỉ với thể loại văn học này, dù bà từng nói "viết truyện ngắn đế luyện tập cho tiểu thuyết". Nhưng cuối cùng, quá trình luyện tập đó kéo dài đến ngạc nhiên và mang lại thành quả là một giải Nobel.

Và Ellis cũng không phải là người đầu tiên chê Munro. Xuất thân là một bà nội trợ bình thường, Munro phải rất khó khăn mới tạo dựng được tên tuổi.

Theo nhận định của tác gia Margaret Atwood, Munro "lâu nay đã được công nhận ở Anh và Bắc Mỹ, nhưng giải Nobel sẽ thu hút sự chú ý của công chúng quốc tế, không chỉ với văn chương nữ và văn học Canada, mà còn với thể loại truyện ngắn". Đó là một tác động tích cực đối với văn chương quốc tế.

Trở lại với những năm 50-60, khi Munro bắt đầu sự nghiệp văn chương, đó là thời điểm không thuận lợi lắm cho một nhà văn nữ mang quốc tịch Canada. Văn Munro lại luôn lấy bối cảnh là vùng quê của bà, với những đề tài trong gia đình, địa phương. Khi mới xuất hiện, bà chỉ được coi như "một bà nội trợ viết văn nào đó", đề tài thì quá "địa phương cục bộ", nhàm chán.

“Bà nội trợ viết văn”

Một nhà văn nam giới đã nhận xét, Munro viết truyện hay, nhưng bà chẳng có được sức hấp dẫn khiến đàn ông muốn ngủ với bà. "Chẳng ai mời anh ta ngủ với tôi" - Munro đã phản hồi như thế.

Khi đưa các nhân vật nhà văn vào truyện ngắn của mình, Munro xây dựng hình ảnh họ khoe khoang, giả tạo hoặc lợi dụng người khác, hoặc khốn khó vì không nổi tiếng, hoặc tệ nhất - với các nhà văn nữ - là khi họ không xinh đẹp. Munro là một phụ nữ có ngoại hình bình thường.

"Con đường đến với giải Nobel của Munro không hề dễ dàng" - Atwood nhận định. "Ở thời của bà, cơ hội để xuất hiện một ngôi sao văn chương là con số không, vậy mà bà đã làm được".

Alice Munro sinh năm 1931, ngoài Nobel còn từng giảnh giải Man Booker năm 2009. Bà viết truyện ngắn từ tuổi thiếu niên và ra mắt tác phẩm đầu tay vào năm 1950. Các tập truyện nổi tiếng: Who Do You Think You Are?, Open Secrets, Runaway (được dịch ra tiếng Việt với tiêu đề Trốn chạy - bản dịch của Trần Thị Hương Lan)…

Còn Bret Easton Ellis sinh năm 1964, nổi tiếng với tiểu thuyết về kẻ giết người hàng loạt American Psycho (Kẻ tâm thần Mỹ).

Mi Ly
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm