Nhà thơ Ý Nhi & 'sự thiêng liêng của cuộc sống'

01/12/2015 11:01 GMT+7 | Đọc - Xem

(Thethaovanhoa.vn) - Ở tuổi 71, Ý Nhi vừa nhận được giải Cikada 2015, giải thưởng lấy tên tác phẩm của nhà thơ Thụy Điển quá cố Harry Martinson trao cho các nhà thơ vùng Đông Á. Năm nay, giải được trao cho Ý Nhi của Việt Nam và nhà thơ Bắc Đảo (Trung Quốc).

Tối 30/11, nhà thơ Ý Nhi trực tiếp nhận giải tại Đại sứ quán Thụy Điển ở Hà Nội. Nhân dịp này, Thể thao & Văn hóa có cuộc trò chuyện với bà.

Bài thơ quan trọng nhất là Người đàn bà ngồi đan

* Cảm nghĩ của bà khi nhận thông báo đoạt giải thưởng văn học Thụy Điển?

- Ở tuổi của tôi, người ta không chờ đợi những việc như thế này nên giải thưởng đến rất bất ngờ. Một niềm vui bất ngờ sẽ giàu cảm xúc hơn một niềm vui mà mình biết trước là nó sẽ đến. Tiêu chí của giải thưởng là dành tặng những vần thơ “ca ngợi sự thiêng liêng của cuộc sống”. Đối với tôi, tiêu chí này rất đẹp đẽ và nhân bản. Tôi cảm thấy rất vui.

* Phía Thụy Điển có nói rõ rằng họ trao giải dựa trên những tác phẩm nào của bà không?

- Họ không nói cụ thể nhưng chủ yếu dựa trên những bài thơ của tôi đã được dịch sang tiếng Anh và tiếng Thụy Điển.


Nhà thơ Ý Nhi qua góc máy nhà thơ Ngô Thị Kim Cúc

* Bà có 8 bài thơ đã được dịch sang tiếng Thụy Điển, in trong tập thơ “Till: igar” (tạm dịch là “Cho ngày hôm qua” – PV) cùng 11 nhà thơ Việt Nam khác, do NXB Tranan tại Stockholm ấn hành. Đối với bà, đâu là tác phẩm quan trọng nhất trong số đó?

- Đó là Người đàn bà ngồi đan, bài thơ mà mọi người thường nhắc đến. Mỗi thời sẽ nhìn bài thơ theo cách của mình, nhưng ở thời điểm ra đời, tôi cho rằng bài thơ có vai trò quan trọng. Đó là bước thay đổi của chính tôi và một phần nào đó ảnh hưởng đến sự thay đổi của thơ Việt Nam, vì bài thơ mang giọng điệu hoàn toàn mới.

Trước đó, thế hệ nhà thơ chống Mỹ trong chiến tranh đề cao con người công dân hơn con người cá nhân. Những người trẻ chắc không hiểu hết được nhưng khi đó, bao trùm không khí là tinh thần chiến đấu quả cảm, của niềm vui chiến thắng.Tinh thần này cũng chiếm lĩnh thơ.

Nhưng sau đó, khoảng năm 1983, 1984, cuộc sống có nhiều thay đổi, thơ cũng thay đổi. Con người ta bắt đầu nói đến con người cá nhân, tâm trạng cá nhân. Không còn những tình cảm đồng nhất, một chiều. Thơ có tính nước đôi: vui và buồn, hạnh phúc và đau khổ, cô đơn và hòa đồng... Có thể nói là một giọng thơ khác, rất quan trọng với tôi.

Nhớ bạn thơ Xuân Quỳnh

* Đến bây giờ đã hơn 30 năm rồi, trong bà có còn tâm thế của “người đàn bà ngồi đan” ngày ấy không?

- (Cười) Đương nhiên là thay đổi rất rất nhiều. Lúc ấy, tôi vẫn còn trẻ, giờ thì không. Nhưng tôi tin rằng trạng thái tình cảm đó thuộc về rất nhiều người. Tâm trạng con người luôn phức tạp như thế. Khi bạn ngồi uống một ly cafe, ngắm nhìn trời đất, lúc đó khó có thể nói là bạn vui hay buồn. Phải không?

* Chúc bà sẽ có được nỗi “khiếp sợ” đó trong tương lai! Nhắc về thế hệ, những người bạn thơ cùng thời của bà đã ra đi mãi mãi, còn bà vẫn ở lại và giành được vinh quang mới. Bà nghĩ gì khi nhớ về những người bạn của mình?

- Đối với tôi, tình bạn là điều vô cùng quan trọng. Xuân Quỳnh là người bạn tôi nhớ đến nhiều nhất. Tôi luôn nghĩ, giá như Quỳnh còn (nhà thơ Xuân Quỳnh, bạn của Ý Nhi – TT&VH), Quỳnh sẽ được nhận không giải thưởng này thì giải thưởng khác. Nhiều người bạn khác cũng vậy, tôi thấy họ rất xứng đáng.

Mọi giải thưởng đều không có tính tuyệt đối, nó chỉ tương đối thôi. Khi được nhận, tôi không cho đó là thành tích gì quá ghê gớm và cũng không ảnh hưởng lớn đến sự nghiệp sáng tác của mình.

Nha Đam (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm