Nhà thơ Vi Thùy Linh: Trẻ không phải là “trẻ người non dạ”

04/08/2010 15:17 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH) - LTS: Tiếp theo bài viết “Tôi trẻ nhất đến bao giờ”,nhà thơ Vi Thùy Linh, hội viên trẻ nhất Hội Nhà văn Việt Nam tiếp tục bày tỏ suy nghĩ của mình về vai trò của lớp nhà văn trẻ, cũng như mong ước cánh cửa Hội tiếp tục mở rộng với những người trẻ khác vì “tôi chẳng muốn kéo dài ngôi “đương kim trẻ nhất” của mình”.


Nhà thơ Vi Thùy Linh - tác giả bài viết

1. Nhà thơ Nguyễn Duy nói: “Thế hệ tôi, lứa trưởng thành trước 1975, đến nay đã cổ rồi gió thổi mùa Thu (thơ Bằng Việt), những gì làm được thì đã làm, dù rất muốn cũng không đủ sức vượt hơn được nữa, trừ những tài năng ngoại lệ, biết đâu. Lắm vị thuộc lứa trước chúng tôi đã thành người thiên cổ. Văn học đương đại, có thể nói không ngoa, đang nằm trong tay lực lượng viết trẻ, nhất là từ lứa 7X, 8X... về sau”.  

Đại hội VIII đặt ra sự bức bách cần đổi mới. Lâu nay, hễ thấy cái gì mới, là không ít người phản ứng. Hội Nhà văn cần làm mạnh hơn nữa chức năng và trách nhiệm của hội nghề nghiệp để bảo vệ nhà văn, bảo vệ nghệ thuật. Hội phải hợp lưu được các khuynh hướng sáng tác tích cực, nhìn nhận chúng bình đẳng rồi chọn dòng mạnh nhất làm chủ lưu. Nhưng bao năm qua, nhiều chi lưu, mạch chảy mới, khác thường bị đánh bầm dập trước khi cho chúng cơ hội để chứng minh kết quả vụ mùa. Có phải người trẻ nào cũng có bản lĩnh đủ độ để kiên cường tiếp tục. Cơm áo, e ngại, mệt mỏi cuốn đi và một số phát hoảng vì bị “bút chiến”, tìm cách viết an toàn hơn, hoặc tịt ngòi, thui chột.

Văn Nghệ Trẻ, tờ báo thu hút những người viết trẻ và các cây bút sung sức thập niên 90 thế kỷ trước, đã sang tuổi 17. Trong số 31 chào mừng ĐH VIII, Văn Nghệ Trẻ in lại bài viết của nhà văn Nguyễn Khải “Văn nghệ trẻ ngày ấy”. Ngày ấy, trước Tết Bính Tý 1996, Nguyễn Khải đã chứng kiến một đội ngũ sung sức làm báo say mê. Họ lúc ấy đã nổi tiếng, vẫn bị gọi là nhà văn trẻ. Trẻ hóa, tốc độ là xu hướng toàn cầu. Mọi lĩnh vực đều có thành tựu mới, học thuyết mới, công bố đều đều; người trẻ được trưng dụng, từ trẻ được nhắc đến, được giới thiệu đầy tự hào: doanh nghiệp trẻ. Còn văn đàn VN thì từ “nhà văn, nhà thơ trẻ” dùng với hàm ý chưa trưởng thành, còn “trẻ người non dạ”, chưa chín chắn. Đến giờ, một số người vẫn gọi lứa đã ngoài tứ tuần là trẻ, thì đám 40, 30 chắc là “trẻ ranh”. Họ khác với Nguyễn Khải. Năm ấy, tuổi 66, ông đã đánh giá về đồng nghiệp trẻ của mình bằng thừa nhận: “Gọi là trẻ nhưng cũng ngót nghét 40 cả, chỉ vì đám nhà văn già chúng tôi cũng hơi đông, sống cũng hơi lâu, nên bọn họ vẫn được gọi là nhà văn, nhà thơ trẻ. Họ hơi quái, thơ văn của họ đã khiếp, chữ nghĩa bén nhọn, đều là những kẻ đất nứt trồi lên, rách giời rơi xuống, đanh đá, đáo để, chưa từng sợ ai. Tuổi họ ngày ấy trạc lứa 7X, 8X chúng tôi hôm nay. Những chàng họ Nguyễn tài hoa: Quang Lập (1956), Quang Thiều (1957), Thành Phong (1960) - nay đã qua ngũ thập tri thiên mệnh.

Thế hệ vàng của họ, là trụ cột xương sống của văn học đương đại VN và giai đoạn này là cơ hội cuối cùng để những người ưu tú nhất thế hệ 50 được cống hiến, cũng là thời cơ mới cùng cho vận mệnh văn chương đương đại. Từ Sự mất ngủ của lửa (1992), Bài ca con chim đêm (1999) đến Cây ánh sáng (2009), trường lực mạnh mẽ của Nguyễn Quang Thiều, một thi sĩ tầm cỡ không thể thay thế của văn học VN hiện đại, đã toả một sức hút, tầm ảnh hưởng của tâm hồn phù sa và trí tuệ Tây học. Ông luôn dâng hiến và tạo cho thi ca sự huyền nhiệm, thần bí quyến rũ. Từ trường Nguyễn Quang Thiều vẫn khiến những người trẻ sung sức nhất phải mất ngủ.  

2. “Tôi chán cả bạn bè, mấy năm rồi họ không nói được câu gì mới. Tôi bỏ ra đi họ ngồi ở lại”. Không như Lưu Quang Vũ 39 năm trước, dù nhiều đồng nghiệp của tôi lúc này không chỉ không nói được mà còn không viết được cái gì mới, tôi vẫn chờ mong họ trong niềm hy vọng. Đại hội của một hội nghề nghiệp, mà mấy tháng trời chẳng thấy nhiều người đau đáu bàn đến các vấn đề văn học, thi pháp, sáng tạo. Càng gần đến khai mạc, càng sôi sục chuyện thị phi. Aphrodite (Hy Lạp), Venus (La Mã) – thần biểu tượng cái đẹp và tình yêu (La Mã) như đã quên bay đến bầu nghệ thuật Việt Nam?


Chủ tịch Hội Nhà văn VN Hữu Thỉnh cùng Ban Nhà văn Trẻ duyệt sân thơ Trẻ 2009
Nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn, tuổi 73, là một trong rất ít các tác giả qua tuổi cổ lai hy vẫn viết, in liên tục: truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch bản, phim, các công trình nghiên cứu văn hoá dân gian luôn ủng hộ lớp trẻ, ông nói: “Ta chỉ biết kết nạp. Có người 15 năm không viết được gì. Tuổi 60 tuổi trở lên mà thấy không viết được thêm, đừng kết nạp nữa, hãy dành chỗ cho lớp trẻ. Thời trẻ của thế hệ tôi coi văn học, khoa học là thánh đường, vào vô tư, giờ thì khác lắm. Với tôi, lúc nào văn học cũng thiêng liêng. Vẫn lăn lộn tìm hiểu văn hoá làng, về cơ sở viết không nhằm thu phong bì, nên vẫn là nhà văn nghèo. Tích tụ vốn sống để viết mãi, tôi muốn kéo dìu tuổi trẻ của tuổi già. Công chúng yêu văn học ít đi, nên người theo đuổi ít. Phải có chính sách phát hiện bồi dưỡng lực lượng trẻ, lơ là thì Hội sẽ già”.

BCH khoá VII bầu được 6 người, 4 ở HN, 2 ở TP.HCM, miền Trung không có ai. Trong đó, trẻ nhất là Phan Thị Vàng Anh (1968). Phụ trách Ban Văn trẻ, tận tâm lăn xả vì công việc, nhất là mấy kì Thơ trẻ trình diễn làm “náo động” sân Thái Học, Văn Miếu, gây tiếng vang, nhưng mặc dù hiện vẫn được tín nhiệm cao, chị vẫn cương quyết không làm bất cứ chức vụ gì nữa.

Nhìn sang Hội Nhạc sĩ VN, họ đã tin cậy giao cho những người trẻ lần đầu vào BCH: Phạm Ngọc Khôi (1963), Lương Minh (1967), Trần Mạnh Hùng (1973), trung niên: Đức Trịnh (1957), Trọng Đài (1959). Rồi Bùi Thạc Chuyên, Mai Quyền Linh (41 tuổi) Đỗ Thanh Hải (37 tuổi) trong BCH Hội Điện ảnh.

Tôi chẳng muốn kéo dài ngôi “đương kim trẻ nhất” của mình. Đó là điều khổ tâm. Trong niềm mơ mộng, tôi ao ước sẽ có phép màu để như thế kỉ 13, có hội nghị Diên Hồng mà vẫn có Trần Quốc Toản 16 tuổi; có Thánh Gióng, lại có thần đồng “Trần Đăng Khoa mới”, có Rimbaud của VN. A.Rimbaud (1854-1891), nhà thơ lớn của Pháp, 15 tuổi đã vụt sáng Một mùa ở địa ngục và 18 tuổi nổi danh bằng Con tàu say. Và tôi sẽ tiếp tục và tôi tin, những người trẻ sẽ đến bên nhau, dù mỗi người chọn một hướng, một cách đi khác, để những lần gặp tới, như ĐH khoá IX (2015) sẽ là dịp quần anh hội thực sự, nơi những người trẻ được trân trọng tôn vinh? Nửa thế kỷ trước, những năm 50 thế kỷ 20, trào lưu điện ảnh Làn sóng mới với các đạo diễn lừng danh: Jean Luc Godard, FranVois Truffaut, Alain Resnais đã gây ảnh hưởng khiến cả thế giới kinh ngạc. Điện ảnh và văn học luôn gần gũi tuổi trẻ có quyền ước mơ. Tại sao tôi không kỳ vọng và tin, những người trẻ 7X, 8X, 9X sẽ liên tài, sẽ bùng nổ để thành Làn sóng mới trỗi dậy mãnh liệt chưa từng thấy!

Vi Thùy Linh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm