Nhà thơ Thiên Hà - Lão ngoan đồng ham chơi

07/02/2012 13:56 GMT+7 | Đọc - Xem


(TT&VH) - Ở tuổi 70, nhà thơ Thiên Hà vẫn chưa chịu “hưu trí” khi ông hì hục thực hiện bộ sách Bến tâm hồn gồm những sáng tác, bài viết của bạn bè văn chương về Sài Gòn xưa và nay, đều đặn vài tháng ra một cuốn. Ít ai biết đến Thiên Hà, nhưng những bài thơ của ông được Anh Việt Thu phổ nhạc thì ai cũng thuộc lòng vài câu - thật là nghịch lý.

Mới đây, Thiên Hà được NXB Thanh niên ấn hành tập thơ Xa dấu ngựa hồng gồm 70 bài thơ kỷ niệm tuổi 70 của mình.

Cả đời Thiên Hà sống bằng nghề viết, Xa dấu ngựa hồng có thể xem là tuyển tập thơ suốt một đời mơ mộng của Thiên Hà, được chia thành bảy phần ứng với tuổi 70 của ông: Như nhân loại, Mặt trời châu thổ, Xa dấu ngựa hồng, Nụ hồng cho người tình cô đơn, Tuổi trẻ ta ơi, Còn lại chút gì, Yêu em Cà Mau.

Nhà thơ có slogan riêng

Tập thơ Xa dấu ngựa hồng ngoài những bản in phổ thông, Thiên Hà còn in thêm những bản đặc biệt có đánh số thứ tự trên chất liệu giấy xịn để dành tặng những người thương yêu. Nếu không biết Thiên Hà, sẽ có người “cười ruồi”: Ối dào, ông già Thiên Hà rảnh rỗi, lắm tiền in thơ ấy mà... Sự thật thì, Thiên Hà là một người nổi tiếng, khi nhắc đến tên một số tác phẩm của ông thế nào cũng có người tròn xoe mắt: Thế à, ông ấy là tác giả đó à?

Việc in thêm những bản đặc biệt của Thiên Hà vốn là cách chơi sách sang trọng có trong truyền thống của những nhà văn Sài Gòn chứ không phải vì ông lắm tiền chơi trội.

Nhà thơ Thiên Hà sinh năm 1940 tại Cà Mau, ông về hưu khi đang công tác tại báo Công an TP.HCM. Ngoài viết báo, Thiên Hà còn viết truyện ngắn, tiểu thuyết, truyện ký, kịch bản phim và được biết đến nhiều nhất nhờ thơ. Đến nay, Thiên Hà đã in được 20 cuốn sách thuộc các thể loại và danh mục sách của ông chắc chắn sẽ còn dài thêm do ông không có khái niệm nghỉ ngơi.

Viết nhiều là vậy, song Thiên Hà tự nhận mình là “kẻ ngẩn ngơ giữa trường văn trận bút”. Cái câu “kẻ ngẩn ngơ…” này được Thiên Hà in vào danh thiếp của mình như một câu “slogan” nhằm giới thiệu với người đối diện “tôi là ai”. Tính tình Thiên Hà rất đúng với câu slogan này, ông quan niệm viết được gì thì viết, trước để kiếm sống, sau in thành sách tặng bạn bè chơi, chứ không vì mục đích “hư danh” nào khác.

Ông giống như “lão ngoan đồng”, lúc nào cũng cười tươi với chiếc mũ phớt trên đầu, ngồi bia bọt với bạn văn, mặc cho những thị phi xung quanh mình. Thị phi trong văn chương khá phổ biến nên ông gọi những chuyện “ngoài lề văn học” như thế là “trường văn trận bút” còn mình là “kẻ ngẩn ngơ” ngoài cuộc.

Làm người cầm bút, để có được một vài tác phẩm, hay một vài câu thơ cho người đời nhớ không dễ. Ấy vậy mà cái câu slogan này của Thiên Hà lại nổi tiếng trong làng văn Sài Gòn, rất nhiều người thuộc. Có thể xem câu slogan này của Thiên Hà như một tác phẩm nổi tiếng và có lẽ Thiên Hà là nhà thơ duy nhất ở ta có câu slogan của riêng mình?!

Sống để “nhớ nhau hoài”

Nhớ nhau hoài là tên một ca khúc của nhạc sĩ Anh Việt Thu, với những câu thơ của Thiên Hà: “Em ở nơi nào có còn mùa Xuân không em?/ Rừng ngàn lá gió từng đêm nhắc nhở thì thầm/ Nắng ở trên đầu, nắng trong lòng phố/ Gió ở trên non gió cuốn mây về”. Thơ của Thiên Hà được rất nhiều nhạc sĩ phổ nhạc, nhưng có lẽ Thiên Hà có duyên với nhạc sĩ Anh Việt Thu hơn cả. Ngoài bài Nhớ nhau hoài, Anh Việt Thu còn phổ thơ Thiên Hà thành nhiều bài nổi tiếng khác, như bài Gió về miền xuôi: “Gió về miền xuôi, anh đưa em cuối nẻo cuối đường, gió đầu non gió lọt đầu ghềnh/ Đường em đi đường nở hoa khắp luống cày…”. Rất nhiều người thuộc lòng những ca khúc như thế, nhưng liệu mấy ai biết lời trong bài hát là thơ của Thiên Hà?! “Lão ngoan đồng” Thiên Hà cười nói: “Mình làm thơ cốt để người ta nhớ đến thơ mình, chứ có nhớ đến mình hay không có gì quan trọng đâu!”.

Với những ai yêu thích sự khám phá, sáng tạo cái mới trong nghệ thuật sẽ xem những bài hát của Anh Việt Thu phổ thơ Thiên Hà là “đồ cổ”. Nhưng kỳ lạ thay, những bài hát với lời thơ như Nhớ nhau hoài, Gió về miền xuôi lại cứ được nhiều người nhớ và hát?!

Nhà thơ Lý Thụy Ý - một trong những nữ nhà thơ trẻ nổi danh hiếm hoi trước 1975 nhận xét về “đàn anh” Thiên Hà: “Thuở anh bước vào “hành trình bút mực” - (tên một tác phẩm của Thiên Hà) - tôi hãy còn là cô nữ sinh 16 mê thơ Nhất Tuấn, Nguyên Sa. Khi con bé tóc demi-garson thích hippy và mini-jupe góp mặt thơ ca với đời, thì qua những bài thơ Nhớ nhau hoài, Gió về miền xuôi, Xa dấu ngựa hồng được nhạc sĩ tài hoa Anh Việt Thu phổ nhạc, tên tuổi Thiên Hà đã nổi như cồn”.

Thiên Hà “nổi như cồn” đã lâu, nhưng ông vẫn cứ lặng thầm đến độ tên ông như tan biến. Cũng may, tên tuổi Thiên Hà vẫn được “những đứa con” - tác phẩm của ông gọi về để “nhớ nhau hoài”: “Vì thuơng nhau, vì mình yêu nhau nên mới giận hờn/ Vì mình xa nhau nên nhớ nhớ nhau hoài”. Có lẽ, ở tuổi 70, hơn ai hết nhà thơ Thiên Hà luôn muốn sống trong thương yêu để mình nhớ người và người nhớ mình.

Thanh Kiều

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm