Nhà thơ Thanh Hào: Bóng mây cho mẹ “bóng buồn” cho tôi

13/12/2009 15:58 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH) - Cách đây hơn một năm (chính xác là ngày 16/11/2008), sau khi long dong khắp các tòa soạn báo trong nội đô để “rải thảm bài viết” cho các số báo Tết, về đến nhà thì nhà thơ Thanh Hào, tác giả của Cái trống trường em và bài thơ Bóng mây in trong SGK Tiếng Việt lớp 2 đột ngột bị tai biến mạch máu não. Kể từ đó cho đến nay, ông không thể viết được gì, thậm chí sách báo bạn bè, các tòa soạn gửi biếu ông cũng không dám đọc nhiều vì sợ con chữ lại thôi thúc đam mê… mà điều đó theo như vợ ông cho biết đã từng làm ông gục xuống mấy lần…

Nhà thơ Thanh Hào tên thật là Nguyễn Văn Hào, sinh năm 1931 tại Bắc  Biên, Ngọc Thụy, Long Biên (HN). Ông là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Hội viên Hội Nhà văn Hà Nội. Ông đã xuất bản được 14 đầu sách, nhiều tuyển tập in chung và nhiều giải thưởng về văn học…

Bom đánh không chết

Đó là chuyện thật. Năm 1972, khi đó gia đình nhà thơ Thanh Hào vẫn đang còn ở bãi sông Hồng chứ chưa “nhà cao cửa rộng” kiên cố như ở thôn Bắc Biên, phường Ngọc Thụy bây giờ, một quả bom B52 dập trúng nhà ông. Ông rùng mình kể: “Quãng 5 giờ sáng, tôi không nhớ được chính xác năm nào mà chỉ biết đang đứng gần cây cau thì nghe tiếng máy bay, rồi tiếng rít gió chói tai từ đâu đó đang đến rất gần nhà mình. Chưa kịp phản ứng gì thì một tiếng nổ lớn tưởng như óc vọt ra ngoài, đất cát bắn lên tung tóe, khói bom mù mịt khét lẹt. Quả B52 rơi cách chỗ tôi đứng khoảng 5 thước. Tôi và hai con tôi mỗi người bay đi một hướng. Cái hướng của tôi bị sức ép quẳng đi lạ ở chỗ là khi “đáp xuống” lại chính là đáy của hố bom. Tôi không những không chết mà còn mò lên miệng hố bươi đất tìm kiếm người thân. Nhưng tôi chỉ tìm được vợ, còn hai con tôi thì...”.
 
Trong bài Tự bạch viết năm 1996, nhà thơ Thanh Hào cũng có nhắc lại “huyền thoại đau thương” này: Tôi từ nhoi khỏi hố bom/Phận nhờ thơ tặng mầm non nên người/Câu vui dâng hiến cõi đời/Câu buồn xin nhận ngậm cười mai sau…


Có lẽ sau lần nhà thơ “nhoi khỏi hố bom” kinh hoàng ấy, trí óc ông phần nào cũng bị ảnh hưởng nên những gì của quá khứ, đã diễn ra trong quá khứ, dù không quên nhưng lại cũng không bao giờ ông nhớ trọn vẹn. Chẳng hạn, khi hỏi nhà thơ tác phẩm Cái trống trường em nhà thơ viết khi nào thì ông chỉ vắn tắt: “Những năm 60 của thế kỷ trước. Viết về cái trống là vì hàng ngày tiếng trống trường học vẫn đều đặn vọng từ trong làng xuống bãi sông. Thế là viết, còn thì năm nào, in vào SGK bao giờ thì… không biết”.

Xin hãy đọc lại Cái trống trường em – bài thơ còn mãi với thời gian, với các thế hệ học trò

Cái trống trường em
Mùa hè cũng nghỉ
Suốt ba tháng liền
Trống nằm ngẫm nghĩ
 
Buồn không hả trống?
Trong những ngày hè
Bọn mình đi vắng
Chỉ còn tiếng ve..
 
Cái trống lặng yên
Nghiêng đầu trên giá
Chắc thấy chúng em
Nó mừng vui quá
 
Kìa trống đang gọi
Tùng! Tùng! Tùng! Tùng...
Vào năm học mới
Rộn vang tưng bừng.

(Thanh Hào)


Một số tác phẩm đã xuất bản của nhà thơ Thanh Hào


*Bóng mây cho mẹ “bóng buồn” cho tôi

Cũng giống như bài thơ Cái trống trường em, bài thơ Bóng mây nhà thơ chỉ nhớ được năm sáng tác (1961) chứ không thể nhớ “đứa con tinh thần” của mình được đưa vao SGK văn học năm nào.
 
Hôm nay trời nắng như nung
Mẹ em đi cấy phơi lưng cả ngày
Ước gì em hóa thành mây
Em che cho mẹ suốt ngày bóng râm.
(Thanh Hào, 1961)

Năm 1978, tập thơ Bóng mây được NXB Kim Đồng ấn hành đã gây được ấn tượng tốt đẹp trong lòng độc giả, nhất là với các em thiếu nhi. Giờ đây, nhắc lại bài thơ này, lòng nhà thơ sau niềm tự hào thoáng bật lên trong ánh mắt là một nỗi buồn dài trong từng nhịp thở gấp: “Tôi ước mình là bóng mây để che cho mẹ suốt ngày bóng râm. Đó là một ước mơ rất con trẻ ngày xưa của tôi khi nom thấy nhưng người mẹ vất vả vì con, vì chồng. Bóng mây có thể đến rồi đi trong chốc lát, nhưng “bóng buồn” như tôi đang có sẽ chẳng thể bay đi…”.

 

Thanh Hào là nhà thơ có tâm hồn chất phác, hồn nhiên. Những kỹ xảo ngôn từ xa lạ với thơ ông. Vọt ra được câu thơ hay, đó là nước từ nguồn, không cần pha chế. Cũng vì vậy, tạng thơ của ông viết cho thiếu nhi rất hợp, cùng với tâm hôn trong trẻo là vốn hiểu biết về vườn tược, cây trái, bãi sông mà ông đã đắm mình từ tấm bé.
…Với một tâm hồn chất phác, hồn nhiên như vậy, ông đã tạo một chỗ đứng xứng đáng trong đội ngũ những người làm thơ cho các em. (Nhà thơ Vân Long)

Cái “bóng buồn” rất thi sĩ, chỉ thi sĩ mới có ấy đằng đẵng phủ lên đời ông đã lâu lắm rồi. Nói thế là bởi ông thổ lộ rằng: “Buồn vì quãng đời ngập trong văn chương chỉ thấy nghèo và khổ. Mỗi năm một bệnh. Ban đầu thì bệnh nhẹ, đến nay thì chẳng thể làm được gì ngoài ăn, nằm, ngủ, nghỉ”.

Người làm thơ buồn nhất là không làm được thơ. Đã không làm được thơ nữa mà bạn thơ cũng vắng dần thì còn buồn hơn nữa. Trước kia, khi ông chưa lâm bệnh, hàng tuần vẫn vi vu xe đạp xe máy chạy tòa soạn này, đến tạp chí nọ gửi bài, thu nhuận bút còn có dịp gặp gỡ bạn bè văn chương trong nội thị. Giờ nằm một chỗ, mỗi khi nhớ bạn hoặc chỉ gọi điện phều phào dăm câu cho đỡ nhớ không thì thôi. Cách đây vài năm, mỗi khi đến Tết Nguyên Tiêu (15 Tháng Giêng Âm lịch) rất nhiều bạn bè văn chương tụ tập đến nhà ông chơi, rủ nhau cùng đi lễ chùa đây đó, nhưng kể từ ngày Hội Nhà văn VN tổ chức Ngày thơ VN (vì cũng diễn ra đúng vào ngày Rằm Tháng Giêng hàng năm) nên các bạn văn chương của ông vì bận tham gia lễ hội “tôn vinh thơ Việt” nên chẳng mấy khi ghé về nhà ông nữa… Ông thở dài: “Buồn lắm! Cô đơn lắm!”  

Trước khi nhờ vợ tiễn tôi ra về, nhà thơ Thanh Hào trao tôi 2 bài thơ lục bát, nhờ tôi gửi đăng báo (báo nào cũng được) và “chốt hạ” một câu trước khi ngả mình xuống đệm, mắt ngân ngấn buồn… Thơ rằng: Xuân đi lời hẹn xa rồi/Hè qua, Thu vãn, lá rơi ngõ mòn/Tình chiều tóc ngả sương vương/Cửa hồn mở phía hoàng hôn đợi người… (Đợi)

                         NGOẢNH LẠI
 
Tuổi đời ta đã vào đông
Tóc chưa chịu bạc! – Lạ lùng? – Người ơi!...
Đã từng bom đập, đất vùi
Từng phen sông lở, bãi bồi… nông sâu
Lần hồi con cá mớ rau
Bông hoa, quả khế, nuôi nhau lần hồi…
Câu thơ bán lẻ giữa đời
Trang văn vạch đất, chỉ trời mà rao!
Cái nghèo níu cổ đè đầu
Văn chương, nghiệp chữ vò nhàu trái tim
Phải rằng: Được làm thơ tặng trẻ em
Trời xui tóc bạc trốn tìm tóc xanh
Ngoảnh đầu, ngót tám mươi xuân
Bao nhiêu mùa nữa được làm trẻ thơ
 
Cây già (may) nẩy chồi tơ?
- Ơn đời cho đất, ngày xưa ươm mầm!...
                                                                                            (thơ Thanh Hào)


Yên Khương (ghi)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm