Nhà thơ Định Hải: Văn hóa xếp hàng qua "Đàn kiến nó đi"

18/08/2008 06:42 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Nhà thơ Định Hải được nhiều thế hệ học sinh biết đến tên tuổi thông qua những tác phẩm của ông được in trong SGK như Đàn kiến nó đi (lớp 2), Cái máy tuốt lúa (lớp 3), Em vẽ quê hương, Bài ca trái đất, Chồng nụ chồng hoa

Đàn kiến nó đi là một bài thơ có tính giáo dục cao, gửi gắm rất nhiều điều nhà thơ tâm đắc mà rất nhiều thế hệ học sinh mới chỉ hiểu sơ sơ hoặc thậm chí chưa “nghiên cứu” ra.

Ngày xưa tôi cũng rất thích chơi kiến!

Đàn kiến nó đi dụng ý muốn giáo dục cho các em học sinh tính kỷ luật mỗi khi xếp hàng đến lớp đến trường - nhà thơ Định Hải tâm sự - Và, rộng hơn là mong muốn các em ý thức được vấn đề xếp hàng đến những nơi công cộng nói chung như là một nét đẹp văn hóa…không chỉ khi còn nhỏ mà thậm chí ngay cả khi đã là người lớn.
 
Nhà thơ Định Hải và cháu ngoại
 
Năm 1961 nhà thơ Định Hải chuyển công tác về Hà Nội, tham gia giảng dạy lớp văn hóa bổ túc của Bộ Giáo dục Đào tạo. Ông kể: “Ngày đó, khi đến trường hay đi qua những trường học, tôi hay nhìn vào sân trường vì rất thích cảnh các em học sinh nô đùa, quây quần vui vẻ bên nhau. Vì còn bé nên chúng rất hiếu động, nghịch ngợm nên mỗi khi xếp hàng vào lớp hay ra về thường rất nhốn nháo, lộn xộn. Thấy vậy, trong đầu tôi chợt nghĩ phải tìm cách gì đó, hình ảnh nào đó để so sánh với việc xếp hàng của các em, uốn nắn các em, đưa các em vào nề nếp và rất nhanh tôi đã nghĩ đến đàn kiến và viết:
 

Một đàn kiến nhỏ

Chạy ngược, chạy xuôi

Không ra hàng một

Chẳng thành hàng đôi

Đang chạy bên này

Lại sang bên nọ

Cắm cổ cắm đầu

Kìa trông xấu quá

Chúng em vào lớp

Sóng bước hai hàng

Chúng em ra đường

Đều đi bên phải

Đẹp hàng đẹp lối

Cô giáo khen ngoan

Chẳng như loài kiến

Rối tinh cả đàn

Tôi chọn hình ảnh đàn kiến để so sánh với việc xếp hàng của các em là vì sinh hoạt của loài kiến rất gần với trẻ con. Hơn nữa ngày xưa tôi cũng rất thích chơi kiến và tôi chắc không riêng gì tôi mà rất nhiều trẻ em của nhiều thế hệ rất thích kiến, chơi với kiến, đặc biệt là quan sát đời sống cũng như sinh hoạt của chúng. Tôi mượn hình ảnh đàn kiến nó đi để làm điểm tựa, cấu tứ để đưa vào bài Đàn kiến nó đi. Nhưng đằng sau Đàn kiến nó đi là việc giáo dục cho các em tính kỷ luật, đưa các em vào nề nếp mỗi khi xếp hàng vào lớp, ra về hay đến những nơi công cộng”.

Ngừng một lát, nhà thơ Định Hải giải thích vì sao lại tin rằng nếu đưa hình ảnh đàn kiến vào bài thơ sẽ giáo dục được các em cho chúng tôi nghe: “Trẻ em, như tôi đã nói, chúng rất hiếu động và khó uốn nắn. Đưa hình ảnh đàn kiến vào bài thơ sẽ giúp các em liên hệ trực tiếp với việc xếp hàng nói riêng và việc học của các em nói chung. Tôi quan niệm dạy dỗ các em nó phải nhẹ nhàng, thông qua hình ảnh của những loài vật để có cái so sánh, biết và nhận ra mình là người có ý thức, từ đó phải biết việc mình đang làm là đúng hay sai, nghiêm túc hay không nghiêm túc. Các em cần được uốn nắn ngay từ bé nên mượn hình ảnh đàn kiến nó đi để viết cho các em thấy rằng: À, chúng ta là những học sinh bé nhỏ đây nhưng chúng ta phải hơn lũ kiến bé nhỏ đó. Chúng ta phải có ý thức hơn lũ kiến không có ý thức. Nghĩa là chúng ta là con người mà con người sống cần có ý thức, có nề nếp, có giáo dục và tính tự giác.

Văn hóa xếp hàng hiện nay đang… “rối tinh cả đàn”

Không riêng gì với các em học sinh khi đến lớp đến trường phải xếp hàng mà ngay cả với người lớn cũng cần phải có văn hóa xếp hàng mỗi khi đến những chỗ công cộng như nhà ga, siêu thị, rạp chiếu phim… Thế nhưng tôi thấy nhiều người lớn hiện nay còn không cả được như trẻ em mẫu giáo khi họ mang một suy nghĩ là mạnh ai người ấy thắng, không bao giờ chấp nhận xếp hàng một cách thoái mái, tự nguyện!

Đàn kiến nó đi được chọn in vào SGK để giáo dục “luật giao thông và văn hóa xếp hàng” cho các em, nhưng ông lại buồn vì “hiệu quả” chưa được nhiều: “Mỗi người mất cả chục năm (tính từ mẫu giáo), thậm chí là hơn để học xếp hàng vào lớp. Thế nhưng điều đáng buồn là cả những người giàu có (một bộ phận thôi nhé) nom rất sang trọng, lịch lãm nhưng khổ nỗi lại tỏ ra thiếu… văn hóa, tinh thần văn hóa nơi công cộng. Dường như với “lớp đối tượng này” đến những nơi công cộng chỉ là phần lớn muốn “khoe”, muốn thể hiện đẳng cấp, sự sành điệu của mình hơn là vui vẻ xếp hàng mỗi khi cần phải xếp hàng có trật tự để mua một món hàng nào đó. Nhiều khi nhìn thấy cảnh chen lấn, cãi vã nhau mà tôi thấy buồn, nghĩ rằng không được như thời bao cấp.

Tôi có vài lần đi công tác nước ngoài và để ý thấy việc xếp hàng của người dân các nước đó ở những nơi công cộng rất khác so với Việt Nam mình. Ở một số nước như Nga, Singapore, Đức… họ lập hàng rào, treo biển chỉ dẫn, các khẩu hiệu nhắc nhở về việc xếp hàng đối với mọi người mỗi khi đến những nơi công cộng. Biểu hiện văn hóa này khiến tôi và chắc với nhiều người nữa sẽ liên tưởng và nhớ đến câu chuyện: “Lênin trong hiệu cắt tóc” ngày nào…

Yên Khương

Kỳ sau:  Nhà thơ Định Hải - Nhớ thời cháo cám làm thơ nuôi mình

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm