Nhà thơ Đặng Thân: Thơ tỉnh của người không biết say

16/11/2014 13:47 GMT+7 | Đọc - Xem

(Thethaovanhoa.vn) - Văn chương được khởi sinh từ Đặng Thân không dành cho số đông. Thậm chí, những người trong nghề cũng không thấy dễ hiểu. Đặng Thân viết trước nhất cho mình, thoả đam mê tìm kiếm những khoảng không giới hạn cho sự sáng tạo ngôn từ. Tập thơ Không hay tiếp tục hành trình đó.

Sau mỗi lần trò chuyện với Đặng Thân, tôi thường không thể nhớ chúng tôi đã trao đổi điều gì. Có khi ngồi cả buổi, Đặng Thân chỉ nói dăm ba câu, chủ yếu là hỏi, sau đó thì chìm vào góc yên lặng riêng.


Nhà thơ Đặng Thân

Con người của lý trí

Có lúc, quyển sách mới ra làm cho Đặng Thân phấn chấn, anh chia sẻ về việc viết của mình, nhưng chủ yếu là một số câu chuyện không có thông tin, mà chỉ đọng lại vài xúc cảm trừu tượng.

Lúc tưởng chừng Đặng Thân lật khật bên ly rượu với dáng vẻ say, thì lời nói của anh vẫn tỉnh táo. Chọn sự bông đùa mà rất thâm thuý, Đặng Thân làm người bị trêu chọc khó mà cười được. Mỗi lời Đặng Thân nói ra, đều qua bộ lọc của tâm trí.

Dù là người làm văn chương mang trong mình tâm hồn nghệ sĩ, Đặng Thân hiếm khi bộc lộ tâm trạng thực sự bên trong mình. Quanh Đặng Thân có một khoảng không gian an toàn bao bọc và tạo ra bức tường vô hình ngăn cản người khác có thể đến gần.

Cô độc trong thế giới ngôn từ

Không lấy bất cứ bài thơ nào làm tên cho tập thơ, Đặng Thân chọn Không hay như một sự thách thức với chính mình và người đọc.

Đọc thơ Đặng Thân, khó có thể cho lời phán xét bao quát.

Với Đặng Thân, dù là thơ, vẫn là dòng chảy của lý trí chứ không phải sân chơi của cảm xúc. Thế nên, không thể nắm được trái tim nhà thơ, vì anh không mở lối cho người khác hoà nhập vào tâm hồn mình.

Trong câu từ của Đặng Thân, dù là văn hay giản dị hơn là bài trả lời phỏng vấn, anh dường như không muốn cho người khác biết cuộc sống ngoài đời thực của mình, kể cả tư duy về các sáng tác.  Phần nhiều Đặng Thân tìm cách né tránh những câu hỏi trực diện, bằng cách đánh tráo những điều tưởng dễ hiểu nhưng lại vô cùng khó khăn cho việc nắm bắt các ý tưởng cụ thể. Có lúc tò mò muốn biết việc viết của Đặng Thân sau mỗi bài thơ, tôi đưa ra một loạt những câu hỏi. Đặng Thân không trả lời, mà anh đưa đường dẫn tới một bài phỏng vấn anh trước đó. Hẳn nhiên, điều đó không thể làm tôi thoả mãn. Mặc dầu không phủ nhận Đặng Thân đã trả lời gây ấn tượng và điều đó diễn ra trong khoảnh khắc rồi trôi thẳng vào lãng quên.


Đọc thơ Đặng Thân, khó có thể cho lời phán xét bao quát

Đặng Thân chú ý nhiều đến việc chơi chữ, ngay từ “Mụk lụk”, đến “Tam thập niên nghiệt ngã lắm oh time”, “Ehèmjaomùa”, “Thanh thiền (karaoke zen)”, “6i+Hi vii”, “Táo 7 (thất) ngày ngân 7 nốt”…  

nắng loang moang (tràn)

tình (tang)

nhân (trong vỏ hạt cứng)

chao (dầu)

ngao bao bao (…)

(Không không. T96)

Bạn cảm nhận điều gì sau những dòng (tạm gọi là) thơ ấy?

Anh làm thơ mà đến cái tên bài cũng cô đọng đến khô khốc, giống tít một bài báo:Quá Nguyên Tiêu, Valentine lạnh, Sáng sớm nay lông chim bay ngoài của số, KFC, Sao em chỉ uống cà phê chiều…, Mộng du ký: Xít-ni. ngày mù mùa đông...

Đó là sự sáng tạo từ lý tính. Vậy nên, có thể nói, thơ của Đặng Thân là thơ tỉnh từ một người không thực sự biết say.

Mỗi người có một lựa chọn cho sáng tạo. Đi một con đường luôn đòi hỏi có sự mới lạ không lặp lại là một thách thức của lý tính và ý chí. Và nghệ thuật cần lắm những tiên phong thử nghiệm.

Một ngày nào đó, thử xem, khi đưa thêm nhịp rung cảm vạn vật từ trái tim vào, một dòng chảy ấm áp hơn, như sợi chỉ mềm mại luồn bên trong mỗi bài thơ, buộc, níu vít tâm hồn người đọc, sẽ mang văn chương của Đặng Thân vào vui sống mới.

Cho đến tận cùng, khi những câu thơ ngừng tắt để chìm vào vô ngôn, chẳng cần phán xét sự hay hoặc “không hay”, rốt cuộc người ta chỉ nhớ tới sự giao hoà của niềm đồng cảm trái tim.

Xét trên tất thảy, tình thương yêu, nỗi hiểu thấu mong mỏi được đi qua những khó nhọc cuộc đời để đến với bình an hướng thiện, là điều nhân ái mà văn chương cần có.

Việt Quỳnh
Thể thao & Văn hóa


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm