Nhà sưu tập Lê Thái Sơn: Giữ tranh để người Việt sau này xem!

14/08/2008 11:35 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Với khoảng 10 năm tuổi nghề, Lê Thái Sơn không phải là người sưu tập nhiều kinh nghiệm, nhiều tiếng tăm, nhiều tiền ở TP.HCM nhưng anh lại có một quan niệm khá “trái ngược”: Mua tranh nhưng không phải để làm “trạm trung chuyển” bán ra nước ngoài, mà là cố gắng giữ lại ở Việt Nam. Anh chuẩn bị khai trương một website để giới thiệu mấy trăm tác phẩm đã sưu tập được qua địa chỉ: www.thaisongallery.com vào ngày 25/8 tới, TT&VH có cuộc trao đổi với anh về vấn đề này.
 
 Lê Thái Sơn
* Webite của anh có điều gì khác biệt so với các website dùng để bán tranh thuần tuý?

Tôi cố gắng giới thiệu một cách chính xác, rõ ràng về nguồn gốc tác phẩm và tác giả mà tôi sưu tập được, cũng như các thông tin bên ngoài có liên quan mật thiết đến các tác giả đó. Ngoài ra tôi cũng muốn giới thiệu những cuốn sách, những cẩm nang về mỹ thuật mà tôi đã mua hay sưu tập được, để qua đây nhưng ai có cần thông tin trực tiếp thì đến chỗ tôi tham khảo. Tôi cũng sẵn sàng cho những ai, ví dụ sinh viên mỹ thuật, muốn xem hay chụp lại những tác phẩm gốc mà tôi có để làm tài liệu cá nhân.

*Quan điểm về nghệ thuật của anh như thế nào?

Bằng kinh nghiệm của bản thân, tôi cố gắng kiếm cho được những tác phẩm mà họa sĩ “vẽ cho mình”; tôi mua tranh, ưu tiên tranh đẹp, chứ không ưu tiên tác giả nổi tiếng. Không nổi tiếng mà tranh đẹp, mua; nổi tiếng mà tranh không đẹp, không mua; nếu vừa đẹp vừa nổi tiếng thì quá tốt rồi. Những tác phẩm kiểu “quá tốt” này thì 3/4 đã ở nước ngoài, nhiều nhất là ở Singapore, Anh, và ở một số nhà sưu tập người Mỹ, một vài nhà đấu giá quốc tế… Nói người ta chê mình “to tiếng”, chứ kế hoạch của tôi là tìm cách kìm giữ sự “tẩu thoát” các tác phẩm đẹp còn lại ra nước ngoài.

* Trong giới sưu tập tranh Việt, anh xếp hạng thứ bao nhiêu về số lượng tranh mua được?
 
Tôi chỉ là “cò con” thôi, với… vài trăm tác phẩm. Qua một người bạn, tôi biết anh Tuấn Phạm (ở Mỹ) là người có bộ sưu tập tranh Việt khổng lồ nhất, nghe nói họ đang xin Chính phủ Mỹ để lập một bảo tàng tại California, sau đó là một bảo tàng tại Việt Nam. Nếu việc này thành công, đây là sẽ là bệ phóng rất tốt cho việc bảo tồn bảo tàng các giá trị thật của tranh Việt. Còn quá sớm để nói, nhưng tôi cũng muốn liên kết với nhân vật này để gởi một vài tác phẩm có giá trị vào đó trưng bày, chứ không để bán.
 
Phòng tranh của Thái Sơn

* Anh đã sưu tập tranh của những ai và số lượng là bao nhiêu?

Đến nay tôi đã sưu tập được tranh của trên 100 hoạ sĩ Việt Nam với khoảng vài trăm bức tranh. Những họa sĩ thế hệ trước, tôi có tranh của Trần Văn Cẩn, Nguyễn Hiêm, Nguyễn Cao Thương, Hoàng Trầm, Văn Tâm, Đỗ Đình Hiệp, Thái Tuấn, Nguyễn Tiến Trung, Tạ Thúc Bình…. Những họa sĩ đương đại tôi có Phùng Quốc Trí, Trần Hải Minh, Huỳnh Phú Hà, Nguyễn Huy Khôi, Nguyễn Quang Vinh, Lê Kinh Tài…

Theo quan điểm cá nhân, tôi cho rằng những cái tên vừa kể đã có rất nhiều tác phẩm vẽ “cho mình”, tôi cố gắng tiếp một tay giữ lại một phần nhỏ để cho người Việt sau này xem. Cá nhân tôi cũng nghĩ rằng: Không thể có người nước ngoài yêu nghệ thuật Việt Nam bằng người Việt Nam, có chăng là đầu cơ tích trữ vì giá tranh còn quá rẻ mà thôi. Tôi vẫn luôn hướng đến thị trường trong nước, dù là ở tương lai, có thể là 30-40 năm nữa.

* Hình như anh có nhiều tranh nhưng không có nhu cầu bán tranh, lý do?

Bên cạnh sưu tập nghệ thuật (art collection), tôi còn có cả nghệ thuật trang trí (art décor), chúng tôi sống chính bằng việc bán các tác phẩm trang trí này. Tôi không có nhu cầu bán các tác phẩm sưu tập được là vì vậy.

* Theo nhận định của những chuyên gia phân tích nghệ thuật quốc tế thì thị trường tranh Việt đang xuống mức thấp nhất, và người mua tranh đang mất niềm tin. Anh nghĩ làm thế nào để tạo ra một thị trường tranh lành mạnh, và phải mất bao lâu?

Trên thế giới cũng chỉ có khoảng 1% người dân có quan tâm đến sưu tập và chơi tranh nghệ thuật mà thôi, khó mà “ồn ào” cho được. Tại sao dân Singapore (chỉ khoảng 4,5 triệu) lại mua tranh nhiều nhất trong khu vực, vì ở đó có thị trường tranh do chính phủ kích thích, và người dân thì có thu nhập cao. TP. HCM trong khoảng 30-40 năm nữa, khi thu nhập của người dân đủ cao, chắc sẽ có được thị trường tranh “trẻ trung” hơn. Chính vì vậy, chúng ta phải chuẩn bị từ ngay hôm nay, đừng để những tác phẩm có giá trị “chạy” ra nước ngoài.

Văn Bảy (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm