Nhà hát & những câu chuyện kể (Bài 3): Chuyện của những rạp phim ở TP.HCM

22/09/2010 06:39 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH Cuối tuần) - So với thập niên 1950, thời kỳ bùng nổ rạp chiếu phim ở Sài Gòn, số lượng các rạp chiếu ngày nay ở TP.HCM không bằng. Tuy nhiên, TP.HCM vẫn là nơi có nhiều rạp chiếu phim nhất cả nước. Với xấp xỉ 20 rạp/cụm rạp đang hoạt động, nhìn vào tốc độ mọc lên của các cụm rạp mới, doanh thu từ các phòng chiếu và hoạt động nhập phim sôi nổi đang diễn ra thì có thể nói rằng thời kỳ hưng thịnh của rạp chiếu đang trở lại.

>> Chuyên đề: Rạp & những câu chuyện kể

6-7 năm trước, một trong những điểm chiếu phim chất lượng được đông đảo giới sành phim, nhất là giới trẻ thành phố “kết” là Cinebox (thời kỳ còn là một phòng chiếu nằm trong Hãng phim Giải Phóng). Và khi Diamond Cinema khai trương 3 phòng chiếu ở tòa nhà Diamond Plaza thì đó được coi là mô hình cụm rạp hiện đại bậc nhất đầu tiên nằm ngay tại trung tâm thành phố. Xa hơn một chút, ở quận 5 có cụm rạp Đống Đa khá sầm uất. Những rạp/cụm rạp khác như Tân Sơn Nhất, Vinh Hoa, Thăng Long, Cầu Bông… thì ế và nếu có khán giả thì cũng rất ít người trong số họ thật sự có nhu cầu xem phim.

Còn nay, năm 2010, trật tự đã thay đổi và rạp được chia thành 3 hạng chính: Hạng A là những cụm rạp được xây mới hoàn toàn với công nghệ và cơ sở vật chất hiện đại không thua kém rạp ở các nước phát triển, nằm tại những trung tâm thương mại tấp nập và có chiến lược thu hút khách chuyên nghiệp. Có 8 cụm rạp được xếp vào hạng nhất, là 2 cụm rạp của MegaStar (Hùng Vương Plaza, Q.5 và CT Plaza - Q.Tân Bình), 3 cụm rạp của Galaxy (NVH Nguyễn Du, siêu thị City Mart Nguyễn Trãi và Tân Bình), cụm rạp BHD star cinema (nằm trong siêu thị Maxim Mark 3/2), và 2 cụm rạp Lotte (Siêu thị Lotte Nam Sài Gòn và Diamond Plaza, Q.1). Hạng B là những rạp xây dựng từ lâu nhưng được cải tạo lại và thay đổi hình thức, phong cách phục vụ cho phù hợp với xu thế. Các rạp hạng B gồm Cinebox (Hòa Bình và Lý Chính Thắng), Đống Đa, Thăng Long, Toàn Thắng… và hạng C là những rạp mà cơ sở vật chất lạc hậu và hầu như không có sự cải tạo nào đáng kể, chẳng hạn Tân Sơn Nhất, Vinh Quang, Cầu Bông, Văn Hoa… Phân chia tương đối như thế nhưng giữa các rạp cùng hạng vẫn có một sự phân cấp khác.

Ở hạng A, số 1 vẫn là MegaStar, doanh nghiệp liên doanh giữa Envoy Media Limited của British Virgin Island và một đơn vị trong nước là công ty văn hóa Phương Nam. Ngoài hệ thống rạp được đầu tư đồng bộ, thiết kế hiện đại, Megastar còn là nhà nhập khẩu và phân phối phim lớn nhất ở thị trường Việt Nam, nắm trong tay hợp đồng nhập phim với 4 trong số 5 hãng phim lớn tại Hollywood. Giá vé xem phim 2D ở MegaStar cũng đứng ở vị trí “đụng sàn”: thấp nhất là suất chiếu sáng của các ngày thường cũng có giá 60.000 - 65.000 đồng, cao nhất là những suất chiếu tối của ngày cuối tuần và các dịp lễ: 80.000 - 90.000 đồng. Còn với phim 3D, ngày thường, suất chiếu sáng vé là 80.000 - 90.000 đồng nhưng nếu đi xem vào dịp lễ hay cuối tuần, bạn sẽ phải trả tới 150.000 đồng/vé cho ghế thường và 200.000 đồng cho ghế VIP. Ở đây cũng có chính sách giảm giá cho trẻ em và người lớn tuổi (chỉ vào ngày thường, không áp dụng trong dịp cuối tuần và lễ), giảm giá trong ngày “happy day” (thứ Tư hàng tuần) nhưng mức giảm cũng không đáng kể, chỉ từ 5.000 - 10.000 đồng và chỉ giảm với phim 2D.


Xếp hạng nhì trong phân khúc rạp hạng A là Galaxy, “kẻ” khơi mào cho việc đổ xô đầu tư rạp. Galaxy là đơn vị đầu tiên mở rạp hiện đại, chiếu phim nóng sốt của Hollywood ở Việt Nam và có phong cách phục vụ cũng rất tiên tiến. Tại đây có cả nhà sách, quán cà phê ngoài gian hàng bán đồ ăn thức uống phục vụ khán giả xem phim. Cụm rạp đầu tiên của Galaxy được xây dựng tại nhà thi đấu Nguyễn Du đã có thời kỳ kinh doanh huy hoàng ngay thời điểm rạp mới ra mắt, tháng 5/2005, nhiều suất chiếu thường hết vé. Ngoài nhập phim, Galaxy còn là nhà sản xuất phim. Hiện Galaxy có 3 cụm rạp ở TP.HCM, rạp nào cũng có phòng chiếu 3D và giá vé thì mềm hơn MegaStar, vé xem phim 2D thấp nhất là 45.000đ và cao nhất là 70.000đ, vào happy day (thứ Ba hàng tuần) vé 2D chỉ 40.000đ. Vé xem phim 3D dao động từ 60.000đ đến 110.000đ, cao nhất là giá cho ghế VIP 150.000 đồng.


Diễn viên Đỗ Hải Yến với chiếc ghế mang tên mình được đặt tại rạp BHD Star Cinema (Maxim Mark 3/2)

Mới đây, công ty BHD cũng ra mắt rạp đầu tiên của mình ở TP.HCM và tạo điểm nhấn bằng những hoạt động mang tính “life-style” (phong cách sống) để thu hút khán giả như sự xuất hiện của các ngôi sao phim ảnh trong nước trong những dịp cuối tuần hoặc ngày lễ, làm những ghế ngồi riêng dành cho “sao” và sắp tới còn có phòng casting tự động dành cho khán giả teen. Với phòng casting này, giống như phòng chụp ảnh sticker tự động, khán giả có thể thoải mái diễn xuất trước một máy quay tự động, nhà tuyển chọn sẽ xem và để lại lời bình.


Lotte Cinema cũng có sức hấp dẫn độc đáo riêng nhờ một phòng xem phim có một không hai ở Việt Nam mang tên Charlotte. Đây là rạp chiếu phim 5 sao, được lắp đặt màn hình đại vĩ tuyến nhưng rạp chỉ có 40 ghế được xếp thành từng đôi. Xem phim ở đây, bạn hoàn toàn có thể… nằm, chỉ cần bấm nút, ghế sẽ tự động ngả và bạn thoải mái xem phim theo cách của mình. Không chỉ thế, nếu muốn được phục vụ đồ ăn thức uống, bạn cũng chỉ cần bấm nút, nhân viên rạp sẽ xuất hiện và đáp ứng lập tức. Phòng chờ của rạp Charlotte được thiết kế như một quán cà phê hạng sang để cả khi chờ xem phim, khán giả cũng được chìm trong trong thế giới của sự sang trọng. Tất nhiên, giá vé cũng sang không kém: 200.000 đồng cho ngày thường và 250.000 đồng vào cuối tuần, lễ.

Ở hạng B, dẫn đầu là Cinebox với hai địa điểm: 212 Lý Chính Thắng (Q.3) và nhà hát Hòa Bình. Trước đây, Cinebox là rạp hạng A nhưng nó đã nhanh chóng mất ngôi mà lý do không phải là cơ sở vật chất lạc hậu. 2 rạp Cinebox ở nhà hát Hòa Bình cũng có màn hình đại vĩ tuyến với hệ thống âm thanh surround hiện đại nhưng số lượng khán giả đến đây không nhiều, lý do chính bởi ở đây không có không khí của một nơi dành cho rạp chiếu phim. Đầu tư cải tạo nhà hát Hòa Bình thành rạp chiếu phim lớn nhất Việt Nam với 2.300 chỗ ngồi là một việc làm thất sách bởi không bao giờ có buổi chiếu nào bán được quá 1/2 số vé kể cả trong dịp rạp này đông khách nhất, lúc bộ phim King Kong đang làm mưa làm gió, trong khi hệ thống máy lạnh của nhà hát rộng lớn này vẫn phải hoạt động hết công suất. Thêm vào đó, những ngày nhà hát có chương trình ca nhạc, rạp chiếu phải ngưng phục vụ. Còn Cinebox ở Lý Chính Thắng giờ thành địa chỉ của giới học sinh sinh viên có ngân sách hạn chế.

Trái ngược hoàn toàn với hạng A, các rạp hạng C có giá vé không thể rẻ hơn, rẻ nhất là mức giá 20.000 đồng ở rạp Vinh Quang, Văn Hoa… và tại những rạp này, bạn có thể xem được những bộ phim mà bạn… chưa bao giờ nghe tên (vì quá cũ và không nổi tiếng)! Những rạp này cơ sở vật chất lạc hậu và hoạt động kinh doanh dường như là trượt ra khỏi đời sống phim ảnh đương đại. Đây cũng là những rạp mà phần lớn khán giả vào đây không phải để… xem phim mà để nói chuyện, trốn nóng, và… yêu. Nếu chẳng may đi lạc vào những rạp này với mục đích xem phim, rất có thể bạn sẽ phải ngượng nghịu đi ra để nhường chỗ cho những người đang yêu bởi những màn thể hiện tình cảm của họ có khi còn nóng hơn cảnh nóng trên màn ảnh…

Sự phân cấp nói trên đã đem đến cho khán giả nhiều lựa chọn nhưng chỉ là lựa chọn theo một tiêu chí duy nhất: khả năng tài chính, nhiều tiền thì vào rạp tốt, ít tiền thì vào rạp xoàng. Lựa chọn để được xem thể loại phim là điều còn quá xa xỉ. Rất hiếm khi khán giả thành phố có dịp lựa chọn xem những bộ phim nghệ thuật hoặc thể nghiệm bởi việc này phụ thuộc vào các tổ chức văn hóa nước ngoài. Hiện giờ, chỉ Idecaf mới có những đợt chiếu phim đặc biệt trong diện trao đổi văn hóa. Trước đây, Cinebox cũng dành cho phim Việt Nam một vị trí nhất định, đó là dành một ngày chiếu trong tuần cho phim Việt Nam nhưng đó chỉ là hoạt động mang tính thời vụ, diễn ra vào những dịp có liên hoan phim. Còn bây giờ, BHD Star Cinema cũng đang cố gắng xây dựng một kế hoạch chiếu phim Việt Nam nhưng tất cả còn nằm trong kế hoạch bởi thực hiện được điều này cũng không đơn giản. Trong dịp khai trương rạp hồi tháng Tám mới đây, rạp này đã dùng phim Việt Nam để thử máy và “thử” luôn ý định này bằng cách mở tuần chiếu phim Việt Nam miễn phí. Khán giả thì hưởng ứng nhiệt thành còn nhà sản xuất lại khá hờ hững. Chẳng hạn, BHD phải năn nỉ mới mượn được phim Bẫy rồng và cũng chỉ mượn được 1 buổi. Còn khi đàm phán để mượn Trăng nơi đáy giếng, thì bị từ chối. Những phim đã cũ, có thể thoải mái mượn thì chất lượng lại quá tệ.

Dương Vân Anh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm