21/12/2010 15:07 GMT+7 | Giao lưu Việt - Đức
(Thethaovanhoa.vn) - “Khi phát hành ngoài thị trường vào năm 2009, Quyên bán được khá nhiều. Có lẽ, cuốn tiểu thuyết đầu tay của tôi đánh trúng vào mối quan tâm của nhiều bạn đọc với thân phận người Việt xa xứ và cũng có thể tạm coi là thành công khi khắc họa được tính cách và thân phận, số phận con người”.
Đó là phát biểu của nhà văn Nguyễn Văn Thọ, giải B Cuộc thi tiểu thuyết lần 3 (2006-2009) của Hội Nhà văn Việt Nam. Cuộc thi sẽ trao giải sáng nay, 21/12 tại Hà Nội.
TT&VH đã có cuộc trò chuyện với anh:
* “Chỉ” giành giải B, nếu nhìn lại, anh tự thấy còn gì chưa bằng lòng với cuốn tiểu thuyết của mình?
- Về bản chất, Quyên phần nào được viết từ đời sống đau khổ của chính tôi và bè bạn trên đất khách. Ở đó có thể giải trình nhiều ẩn ức của chúng tôi với thời cuộc, với văn hóa Việt khi bước ra thế giới, với những quan niệm về tình y êu, hạnh phúc...
-Tuy nhiên, dù được nghiền ngẫm trong 9 năm và mất 2 năm để hoàn thành, tôi tự thấy Quyên chưa thỏa mãn được một vấn đề quan trọng nữa của lịch sử: những cuộc ra đi của người Việt từ sau năm 1975, nhất là mối quan hệ giữa những người Việt Nam từ cả hai phía. Ngoài ra, ở Quyên chưa làm rõ hơn sự cách tân về hình thức mà tôi muốn. Đó là điều phải cố gắng hơn khi viết tiếp tiểu thuyết khác.
* Một số truyện ngắn của anh cũng từng nhận các giải thưởng văn học. Đặt trong sự so sánh với chúng, giải B cho tiểu thuyết Quyên lần này có mang lại điều gì mới cho anh?
- Với tôi, giải thưởng này là chứng chỉ cho khả năng có thể viết được tiểu thuyết của một người chuyên viết truyện ngắn. Và tôi thêm tin rằng, một người cầm bút, nếu yêu hết lòng văn chương thì có thể viết và tới đích ở các thể loại khác nhau, miễn là có sự yêu - ghét chân thành trong cách nghĩ và sự nghiêm túc trong cách làm.
* Có ý kiến cho rằng, các giải thưởng văn học hiện nay chưa nhận được nhiều sự quan tâm của công chúng và chưa tác động được đến thị trường sách?
- Dù được thẩm định bởi những nhà văn có uy tín, giải thưởng văn học nào cũng cần tới sự thử thách của thời gian, của độc giả qua nhiều thời đại. Vì thế, giá trị của mỗi giải thưởng văn học cũng chỉ nên coi là tạm thời và tương đối. Tuy nhiên, tôi chưa đồng tình với một số ý kiến cho rằng, các giải thưởng của Hội Nhà văn VN bấy lâu nay đang bị ghẻ lạnh. Thực tế là một số tác phẩm như Hồ Quý Ly (Nguyễn Xuân Khánh) hay Tấm ván phóng dao (Mạc Can) vẫn bán rất chạy sau khi được trao giải. Ngay với tôi, khi nghe tin hành lang rằng Quyên được giải, một vài nhà sách tư nhân đã lập tức liên hệ và đề nghị tái bản (cười).
* Nói vậy, nghĩa là anh đặt niềm tin vào uy tín của cuộc thi này?
- Tôi là người luôn hy vọng dù bất cứ hoàn cảnh khách quan cay nghiệt thế nào. Muốn hay không, sự đánh giá của Hội Nhà văn Việt Nam, với những cây bút có uy tín, vẫn là một thước đo quan trọng với Quyên. Và cũng là thêm một thử thách nữa, bởi việc “đua” cùng 244 nhà văn khác (trong đó có nhiều cây bút thành danh) trong hơn 3 năm trời như một lần thử sức thú vị cho đứa con tinh thần của tôi.
-Một tác phẩm được tái bản với dòng chữ “Giải B của Hội Nhà văn Việt Nam” sẽ đến tay bạn đọc, bè bạn tôi ở thế giới, tới nhiều thân phận như Quyên ở Đức - nơi họ và tôi từng khóc âm thầm, từng dầm chân trong tuyết băng âm 20 độ để kiếm sống - thì sao tôi lại không vui? Nhưng, tôi cũng khẳng định rằng, tiếng cười cuối cùng và âm vang của nhà văn vẫn phải là thời gian của tác phẩm với độc giả. Đó là thước đo lớn nhất, tin cậy nhất.
Đã “chọn mặt gửi vàng” để BHD dựng phim
* Có thông tin rằng, Quyên đã được BHD mua bản quyền để dựng thành phim?
- Đúng! BHD là công ty truyền thông đã quan tâm tới Quyên từ hơn 1 năm nay và được tôi quyết định trao gửi để chuyển thể ra phim sau khi xem những gì mà BHD làm với Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư. Nhìn chung, làm việc với họ, tôi tin rằng mình đã “chọn mặt gửi vàng” rồi (cười). Quyên là sự mang nặng đẻ đau chứ viết nó có dễ dàng gì đâu - khi mà tôi sinh ra không phải để viết văn như nhiều nhà văn đã thành danh lúc còn son trẻ.
* Việc đến với nghề văn muộn như vậy có những ưu nhược điểm gì, theo anh?
- Viết muộn, khi có đủ trải nghiệm, nhất là trải nghiệm văn hóa, thì mọi sự đều chín ngấu, sẽ tránh được các vết xe đổ của kẻ đi trước, sẽ không có các suy nghĩ non nớt, để người viết có thể tựa vào tri thức của mình và tạo ra sức nặng cần thiết cho trang văn. Nhưng, viết văn, đặc biệt là viết tiểu thuyết, vốn dĩ là công việc nặng nhọc mà vốn sống chỉ là điều tiên quyết thôi. Viết văn muộn, chuyện vốn sống lại trở nên tỷ lệ nghịch với sức khỏe. Hiện tại, tôi không thể làm việc nhiều tiếng trong một ngày như khi trẻ, nhất là với một kẻ đã tổn hao rất nhiều sức lực trong cuộc chiến và trong cuộc kiếm sống 20 năm ở xứ người.
Tôi luôn nghĩ, mình không phải thiên tài, phải tự biết nên viết khi nào và nghỉ viết khi nào để nạp thêm năng lượng.
* Khi ra mắt Quyên, anh từng khẳng định sẽ chỉ viết một cuốn tiểu thuyết nữa rồi treo bút. Hiện, kế hoạch đó ra sao rồi?
- Tôi đã viết dăm chương của cuốn tiểu thuyết thứ hai với tên Thời gian chết. Những gì chưa làm được ở Quyên và các truyện ngắn trước đó, tôi sẽ cố gắng “trả nợ” nốt trong cuốn sách này, như sự đặt cược nốt toàn bộ vốn liếng còn lại sau 50 năm sống. Là nhà văn phải tự biết: vốn cạn thì có viết nữa cũng nhạt phèo, nên cứ tạm hoạch định cho mình một kế hoạch, để dồn hết tình yêu, sức lực cho trận chiến cuối cùng này thôi.
* Xin cám ơn anh về cuộc trò chuyện này!
Hoàng Nguyên (thực hiện)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất