07/03/2015 09:59 GMT+7 | Đọc - Xem
(Thethaovanhoa.vn) - Tiếp tục duy trì hệ thống thư viện “Sách hóa nông thôn” mà mình đã sáng lập, anh Nguyễn Quang Thạch đã thực hiện chuyến đi bộ xuyên Việt (dài 1.800 km) từ mồng 1 Tết (19/2). Mục tiêu là kêu gọi 500.000 người Việt góp mỗi năm 240.000 đồng/người cho “Sách hóa nông thôn”. Thể thao & Văn hóa Cuối tuần trò chuyện với người đàn ông khiếm thị này khi anh vừa qua 12 ngày đầu của chuyến đi.
* Dòng họ anh đã có trí thức thành danh như nhà văn Nguyễn Quang Thân, Giáo sư Toán học Nguyễn Quang Đỗ Thống ở Pháp. Xuất thân như vậy có ảnh hưởng đến anh?
- Mỗi cá thể khi sinh ra và lớn lên được hoặc bị tương tác với môi trường xung quanh. Nhóm tương tác mạnh nhất là cha mẹ, ông bà và họ hàng. Thứ hai là cộng đồng từ làng xã đến trường học. Cuối cùng là xã hội rộng lớn hơn.
Nếu những người thuộc nhóm thứ nhất yêu con người, có tri thức… thì đứa trẻ được hưởng lợi rất nhiều. Đơn cử, hình ảnh đi vào tâm thức tôi là việc bà nội chia cơm được làm nhuyễn trong cái niêu ba lượng cho hai người già cùng xóm là điều tôi nhớ mãi cho dù lúc đó tôi 3 hay 4 tuổi. Việc làm của bà đã thúc đẩy tôi nấu cơm cho một ông ăn mày người Quảng Xương, Thanh Hóa vào năm 1981.
Đa phần họ hàng tôi khi gặp nhau thường nói chuyện văn chương, nghệ thuật, các trường phái triết học, cách ông bà nội và những người trong họ tộc đã sống như thế nào và được gì cho ngôi làng của mình. Hai người trong dòng họ tôi đã bỏ tiền làm trường cho trẻ em học và làm cầu cho xóm làng đi vào thập niên 1930 của thế kỷ trước (trong đó có bà Hàn Tấn, mẹ nhà văn Nguyễn Quang Thân).
Mãi đến năm 2007, tôi mới hiểu tại sao một người bác họ mỗi khi gặp đều tìm cách lồng ghép câu nói mà thế hệ ông nội đã từng lan truyền trong làng tôi: “Học và hành thật nhiều để nhón chân bên ni hình chữ S thấy bên tê là nước Mỹ” hoặc “Thế hệ các cháu phải có tri thức sánh đầu cùng nhân loại tinh hoa”. Bởi thế, các giá trị truyền đời của dòng tộc đã ảnh hưởng rất nhiều đến lối nghĩ và hành động của tôi, là hãy làm gì đó hữu ích cho xã hội của mình.
* Từng nói, khi bắt đầu muốn tạo ra thay đổi trong xã hội, anh muốn phấn đấu làm thủ tướng. Vì sao anh từ bỏ ý định đó?
- Nhận thức của mỗi người thay đổi khi thấu hiểu các vấn đề của đời sống và của bản thân mình. Các vấn đề nan giải của xã hội đã và đang gánh chịu có gốc rễ từ mặt bằng dân trí quá thấp. Khi nhận ra rằng nguyên nhân sự vô cảm, tàn ác, hiếu sát… đều do thiếu tri thức, tôi quyết định làm cách mạng thư viện chứ không làm lãnh đạo. Nâng cao được dân trí là giải quyết được bài toán tổng thể của xã hội. Khi dân trí tăng lên, các khuyết tật xã hội sẽ giảm dần. Bởi thế, ý định trở thành thủ tướng chỉ kéo dài trong gần một năm, ngắn hơn ý định trở thành nhà văn hồi tôi 17 tuổi.
* Doanh nhân Trương Đình Anh cũng từng tuyên bố sẽ làm thủ tướng năm 40 tuổi, về sau không thành. Cùng một ý định, hai người giống và khác nhau như thế nào?
- Để làm chính khách, người ta mất thời gian chuẩn bị rất dài với những chiến lược bài bản. Làm thủ tướng ở tuổi 40 là việc siêu khó, không thành là điều dễ hiểu. Do thấu hiểu vấn đề nan giải của xã hội và bản thân mình đã khiến tôi thay đổi ý định rất sớm. Nhờ đổi hướng đường đi và hành động ngay từ 22 tuổi nên cho đến hôm nay, tôi đã làm được một số việc cụ thể có thể đo đếm được. Còn các tác động xã hội thì tự mỗi người cảm nhận.
* Hiện tại, chuyến đi bộ xuyên Việt của anh được truyền thông và người dân ủng hộ. Cách đây hơn 10 năm, khi mới đưa ra chương trình “Sách hóa nông thôn”, hẳn nhiều người cho anh là viễn vông, đao to búa lớn…
- Chỉ tôi mới hiểu trong trái tim và trí não của mình có gì. Gandhi dẫn dắt người dân Ấn Độ giành được độc lập phi bạo lực vì ngài thấu hiểu sức mạnh của đấu tranh bất bạo động. Chắc không mấy ai ngoài Gandhi hiểu được chuyến đi bộ 387 km đòi muối cho dân Ấn Độ sẽ góp phần đưa Ấn Độ đến độc lập.
Bởi thế, ý kiến tiêu cực của số đông đã góp sức mạnh cho tôi. Họ không dám nghĩ, dám làm thì tôi sẽ làm bằng được cho họ thấy. Trong thời gian qua, không ít người đã tự đưa sách về quê cho con trẻ đọc mặc dù trước đây họ không tin tôi.
* Trước khi có được niềm tin đó, hẳn anh đã gặp vài chuyện đau lòng ở nông thôn?
- Đau lòng nhất là tầng lớp dẫn dắt cộng đồng nông thôn là giáo viên nhưng không ít người không hiểu hoặc cố tình không hiểu vai trò của sách đối với giáo dục. Sau này, dù có tủ sách trong lớp học nhưng học sinh vẫn không được mượn sách đưa về nhà. Chính vì sự đọc ít ỏi mà số người nghiện ma túy, game, cờ bạc, rượu, trộm cắp… ở nông thôn đã nhiều vô kể, có những xã có hơn 300 con nghiện.
Đã nhiều lần tôi ứa nước mắt khi nghĩ đến câu nói của cô Dương Lệ Nga, Tổng phụ trách Trường THCS An Dục, Quỳnh Phụ, Thái Bình: “Bây giờ có tủ sách trong lớp học và thấy học sinh đam mê đọc sách mà cảm thấy có lỗi với hàng chục thế hệ học sinh trước đây”. Chính vì hiểu thực tế và trách nhiệm của mình mà cô Nga đã đưa ra nhiều sáng kiến khuyến đọc ở huyện Quỳnh Phụ như đưa giới thiệu sách vào giờ chào cờ đầu tuần.
Bên cạnh những người nhiệt tâm như vậy, cũng có chuyện buồn như một trường học để 2 thùng sách ở gầm cầu thang cả tháng trời mà không đưa vào lớp học.
* Ngoài thiếu sách, người dân nông thôn ngày nay còn khổ vì điều gì?
- Sau nhiều năm bám trụ nông thôn để làm tủ sách và tìm hiểu các vấn đề gốc rễ, tôi thấy người nông thôn chịu khổ rất tốt. Tuy nhiên, năng lực chịu khổ chỉ tốt trong những hoàn cảnh giặc giã, chứ thời bình thì buộc phải lĩnh hội tri thức để nâng tầm đời sống vật chất và tinh thần. Đặc tính chịu khổ đang chuyển thành điểm xấu trong xu thế hội nhập toàn cầu.
Các điểm xấu thuộc gen của người nông thôn là ưa hình thức, tham cái lợi trước mắt mà bỏ cái lợi lâu dài, đàn ông nghiện rượu và thuốc ngày càng nhiều… Người ta tổ chức đám ma thật to, xây cổng làng hàng trăm triệu đồng để oách hơn làng khác. Trong khi đó, làm một tủ sách 10 triệu đồng để mang lại lợi ích cho cả ngàn người thì không chịu làm.
Người nông thôn sống chủ yếu dựa vào kinh nghiệm nên không có nhiều đột phá trong cách nghĩ cách làm. Bởi vậy, họ cần tiếp cận tri thức đa dạng qua sách.
* Cảm ơn anh.
Người nước ngoài nghĩ cho nước Việt, còn người Việt? “Sách hóa nông thôn” là phép thử cho tinh thần tự lực của người Việt. Vì vậy, anh Thạch có hai nguyên tắc: hạn chế nhận tiền của người nước ngoài và hạn chế nhận quá nhiều tiền của một người. Anh cho biết, người nước ngoài hiếm hoi mà anh nhận tiền là doanh nhân Alistair Sawer (Australia), vì ông tự nhận đã thu nhiều lợi nhuận kinh doanh ở Việt Nam và muốn đóng góp trở lại. Anh nhận tiền của vài người nước ngoài để đưa thông điệp “Người nước ngoài còn nghĩ cho nước Việt, còn người Việt thì sao?”. Còn với người Việt, số tiền anh nhận nhiều nhất là 40 triệu đồng từ hai công chức và doanh nhân. Còn lại, anh chủ trương, 500.000 người Việt một tháng chỉ cần góp 20.000 đồng, hay mỗi năm 240.000 đồng, là đủ duy trì “Sách hóa nông thôn” theo đường dài. “Tôi cần mọi người tự hành động lập tủ sách cho dòng họ, trường cũ, chứ không phải anh có một cục tiền to, anh muốn cho ai thì cho. Điều đó chỉ phá cộng đồng” - Nguyễn Quang Thạch nói. |
Thích trò chuyện với trẻ con về sách “Tôi thuê một căn phòng 8m2 dưới tầng hầm ở Hà Nội để chứa sách, làm nơi ngủ. Hàng ngày, tôi dành hầu hết thời gian để nhân rộng các tủ sách thông qua thực địa và mạng xã hội. Ngoài ra, tôi viết báo, đọc sách, tích lũy tri thức”. Khi được hỏi về sở thích cá nhân, Thạch nói: “Sở thích của tôi là gặp con trẻ hỏi chuyện về sách và trong sách”. Người sáng lập “Sách hóa nông thôn” đồng thời chia sẻ, anh gặp rất nhiều trẻ em nông thôn khốn khó nhưng chưa bao giờ dùng những hình ảnh đó để kêu gọi tiền bạc cho chương trình. Bởi, anh cần người Việt lập tủ sách và đọc sách vì chính họ và con em họ để chia sẻ trách nhiệm với xã hội, chứ không phải bỏ tiền chỉ vì lòng thương hại. |
MI LY (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất